Nhiều khu dân cư tại TP HCM sạch đẹp hơn nhờ giảm xả rác
Để giảm đáng kể tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các khu dân cư từ nội thành đến ngoại ô TP HCM đều có những cách làm hay
Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 19 của Thành ủy TP HCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, người dân ở nhiều khu dân cư tại TP HCM đã chuyển biến về nhận thức và hành động, tạo ra những khu dân cư sạch đẹp.
Công viên Khu dân cư Savimex ở số 92A29 đường Gò Ô Môi, phường Phú Thuận, quận 7 giờ đây là nơi tập thể dục, vui chơi của người dân. Trước đây, công viên vốn là một bãi rác tự phát với lượng rác mỗi ngày một đầy lên, do chính cư dân trong khu vứt ra. Khi có Chỉ thị 19, chính quyền vận động người dân để rác đúng nơi quy định, các đoàn thể đi nhắc nhở ngay những người đem rác ra đây vứt theo thói quen. Đồng thời, quận 7 đầu tư cải tạo bãi rác thành công viên, trồng cây xanh, cải tạo môi trường.
Theo anh Lê Mạnh Tuyên, một người dân sinh sống tại đây chia sẻ, đa số người dân đều có ý thức giữ gìn công viên sạch đẹp, người nào kém ý thức cũng thấy ngại khi xả rác bừa bãi: "Khu vực này ngày xưa nó là bãi rác, đa số người dân tập trung rác về đây nhiều nhưng sau này người dân phường Phú Thuận có ý thức, rác để đúng vị trí, không xả rác ra đường và khu vực xung quanh theo chỉ thị 19 của UBND Thành phố, người dân chấp hành nghiêm túc. UBND Thành phố cải tạo, nâng cấp lên thành công viên, vui chơi xanh sạch đẹp".
Trên kênh rạch cũng vậy, tình trạng rác thải giảm rõ rệt. Đoạn kênh Bến Nghé chảy qua khu dân cư đường Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4 trước đây liên tục có những bè rác nối dài thì giờ không còn nữa. Đó là do người dân ở các vùng trên khu vực này giảm hẳn tình trạng xả rác ra kênh và chính người dân hai bên đoạn kênh này cũng vậy.
Ông Phan Hoàng Long, Tổ phó Tổ An ninh trật tự phường 1, quận 4 cho biết, khi các khu dân cư, các địa phương cùng thực hiện cuộc vận động “Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước" thì dòng kênh mới trong và sạch được. Chứ nếu nơi thực hiện nơi không thì không hiệu quả. Người dân trong phường 1 thấy kênh sạch sẽ hơn thì cũng ý thức giữ gìn môi trường, tìm cách xử lý rác thải sinh hoạt của gia đình mình tốt nhất, không ảnh hưởng đến xung quanh: "Dân ở đây nghe đài, xem ti vi người ta biết, mỗi ngày người ta dồn rác vô thùng hay bao rồi có xe lại lấy trên bờ. Không khí trong lành hơn trước nhiều, trước hôi lắm. Dòng kênh trong đỡ lắm, trong trở lại rồi".
Để giảm đáng kể tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các khu dân cư từ nội thành đến ngoại ô TP HCM đều có những cách làm hay. Tại xã ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, để tránh rác tràn ra đường mỗi khi đầy ứ và quá tải, mỗi gia đình đều sáng tạo thêm một thùng rác tự chế bên cạnh những thùng rác của công ty môi trường.
Ông Đoàn Hòa, Tổ trưởng Tổ dân phố 11, ấp 3, xã Tân Kiên cho biết, chính quyền xã đã lồng ghép việc thực hiện Chỉ thị 19 vào xây dựng nông thôn mới, phát tờ rơi tuyên truyền đến từng hộ dân, hướng dẫn cách làm. Từ đó, mọi người nhắc nhau không vứt rác bừa bãi, có ý thức bảo vệ môi trường. Bộ mặt xóm ấp, đường sá khang trang và sạch đẹp lên: "Nói chung cách đây một năm tình trạng rác họ vứt ra nhiều bây giờ trong quá trình xây dựng nông thôn mới người dân họ cải thiện, họ thấm nhuần từ từ, đến bây giờ không còn tình trạng đó. Mỗi nhà có thùng rác chứa rác theo phương thức vệ sinh môi trường, theo chỉ thị 19 tuyên truyền.
Chị Hoàng Thị Thu Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận 1, TP HCM cho biết, Hội thực hiện cuộc vận động này bằng cách hướng dẫn chị em đi chợ bằng túi xách dùng nhiều lần, món nào cần gói lại thì dùng túi giấy, ở nhà cũng dùng chai thủy tinh thay cho chai nhựa: "Thực hiện cuộc vận động người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, phải nói rằng nhận thức của người dân và trách nhiệm cấp độ hội cao hơn. Trước đây dùng chai nhựa nhưng bây giờ trang bị bình uống nước thủy tinh, giỏ đi chợ cũng thân thiện với môi trường. Người dân cũng ít xả rác ra môi trường, rồi thương nhân ở chợ cũng chuyển sử dụng túi thân thiện với môi trường".
Từ thực hiện cuộc vận động “Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, đã có 517 trong 600 “điểm đen" về rác được cải thiện một phần hoặc toàn bộ. Trong đó, có 65 điểm trở thành sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên… Cuộc vận động đã đem đến sự thay đổi từ nhận thức thành hành động của mỗi công dân./.