Nhiều khu vực bị sạt lở, sụt lún, ngập lụt gây ách tắc giao thông

Vừa qua, tại tuyến đường quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình, khối đất đá sạt lở rơi trúng xe ô tô đang lưu thông, thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, mưa lớn những ngày qua làm xuất hiện nhiều điểm sạt lở, sụt lún ở Điện Biên, Lâm Đồng gây ảnh hưởng đến việc lưu thông các phương tiện. Nhiều địa phương khác cảnh báo ngập lụt, chập cháy điện như Đồng Nai, Hà Nội.

Mưa lớn kéo dài những qua qua gây sạt lở, sụt lún tại nhiều địa phương, làm ách tắc giao thông. Ảnh: dienbien.gov.vn

Mưa lớn kéo dài những qua qua gây sạt lở, sụt lún tại nhiều địa phương, làm ách tắc giao thông. Ảnh: dienbien.gov.vn

Vừa qua, địa bàn huyện Mai Châu (Hòa Bình), đoạn từ tỉnh Hòa Bình đi Sơn La (tại tuyến đường quốc lộ 6) xảy ra vụ sạt lở đất đá taluy dương xuống đường. Khối lượng đá sạt lở ước khoảng 100m3, gây ách tắc giao thông. Trong đó, có một chiếc ô tô bán tải bị đất đá rơi trúng, thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Hiện tại, tuyến đường đã tạm thời thông xe trở lại, TTXVN đưa tin.

Những ngày qua, tuyến quốc lộ 279, đoạn thuộc đèo Tây Trang (Điện Biên) xuất hiện nhiều điểm sạt lở, gây ách tắc giao thông ở đoạn đường từ Km108+920 đến Km109+200 và tại các điểm như Km109+590, KM109+890, Km110+380, Km110+710, Km111+320.

Đơn vị chức năng đã huy động máy móc, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ tiếp tục khắc phục sạt lở, đồng thời, hướng dẫn, phân luồng giao thông. Dự báo, khu vực tỉnh Điện Biên còn có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 30-50mm, có nơi trên 70mm. Mưa lớn có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 8-8.

Lâm Đồng, đến sáng 4-8, lực lượng chức năng tỉnh đang hỗ trợ việc di dời tài sản và sơ tán người dân đến nơi an toàn sau trận mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng).

Mưa lớn cũng gây ra tình trạng sụt lún, sạt trượt đất trên tuyến đường tránh phía Nam thành phố Bảo Lộc (đoạn qua phường Lộc Sơn). Tại xã Phước Lộc, xã Đạ Oai, Mađaguôi, Đạ P’Loa và Đạ Tồn (huyện Đạ Huoai) cũng xảy ra sạt lở đất làm chia cắt tuyến đường liên thôn, ngập úng hàng hàng chục ha cây trồng của người dân và làm xói mòn, sạt lở nhiều đoạn trên sông Đạ Oai. Cơ quan chức năng đã chốt chặn, cảnh báo nguy hiểm đến người dân và các phương tiện lưu thông qua những tuyến đường này.

Theo TTXVN, Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai đã phát đi cảnh báo lũ khẩn cấp trên các sông ở khu vực tỉnh.

Tại trạm Tà Lài, mực nước hiện nay đã vượt mức báo động 3 là 113m. Tại trạm Phú Hiệp (sông La Ngà), mực nước đang gần mức báo động 3 là 106,5m. Tại trạm Biên Hòa (hạ lưu sông Đồng Nai), mực nước đỉnh triều cao đang ở mức cao, đạt xấp xỉ mức báo động 1 là 1,8m.

Trên cơ sở đó, Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cảnh báo nguy cơ ngập lụt ở những khu vực thấp ven sông Đồng Nai thuộc các xã Đắc Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh (huyện Tân Phú) và các xã Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Tân, Ngọc Định (huyện Định Quán); các vùng trũng thấp ven sông La Ngà của các xã thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán.

Các địa phương, đơn vị chức năng sớm huy động lực lượng chốt trực tại những khu vực ngập sâu, hướng dẫn người dân lưu thông an toàn, hạn chế tối đa tai nạn do bị nước cuốn trôi, cắm biển báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai.

Các địa phương chủ động lực lượng di dời, sơ tán người, tài sản của các hộ ven sông Đồng Nai, sông La Ngà ra khỏi vùng trũng, thấp có khả năng ngập sâu; di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản, tránh thiệt hại lồng bè nuôi do ngập lụt.

Các đơn vị quản lý công trình thủy lợi theo dõi, lên phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và vùng hạ du; cử người trực ban theo dõi thường xuyên mực nước, thông báo kịp thời tình hình xả lũ của các hồ chứa đến các địa phương vùng hạ lưu, để chủ động phòng tránh thiệt hại.

Còn ở Hà Nội, liên quan đến tai nạn và chập cháy điện do mưa bão, theo TTXVN, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, khi mưa bão lớn, nguy cơ nước ngập vào nhà, người sử dụng điện cần thực hiện một số việc như cắt cầu dao, cầu chì, aptomat… Ngoài ra, người dân không đứng trú mưa tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp; không tự ý tháo dỡ, sửa chữa các kết cấu của công trình điện; không chặt cây gần đường dây điện; không di chuyển, đi lại bằng tàu, thuyền, bè… trong vùng ngập lụt có đường dây điện sát với mặt nước.

T.Đào

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhieu-khu-vuc-bi-sat-lo-sut-lun-ngap-lut-gay-ach-tac-giao-thong/