Nhiều khu vực của tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn bị ngập úng do mưa lớn
Từ tối 9-5 đến rạng sáng ngày 10-5 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh xảy ra mưa lớn trên diện rộng khiến cho nhiều địa phương bị ngập úng, gây khó khăn cho giao thông và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Lạng Sơn: 1 người thiệt mạng do sạt lở đất
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Lạng Sơn cho biết, do ảnh hưởng của nam rãnh thấp kết hợp hội tụ gió trên cao, nhiều khu vực của địa phương này có mưa to có nơi mưa rất to và dông. Trong đó, lượng mưa tính từ 1 giờ ngày 10-5 đến 7 giờ ngày 10-5 đo được tại Bắc Sơn 216mm, Lạng Sơn 116mm, Mẫu Sơn 67mm, Thất Khê 58mm, Đình lập 23mm, Hữu Lũng 20mm.
Tính đến trưa nay, 10-5, mưa lớn đã làm sập đổ 8 nhà dân, 169 ngôi nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất và và bị ngập, trên 43 hộ bị nước ngập vào nhà, chiều cao ngập từ 10-50cm. 27 hộ dân đã phải di dời đến nơi an toàn.
Đặc biệt, sạt lở đất vào nhà đã khiến chị Triệu Thị Lan (sinh năm 1982) trú tại thôn Khau Bao, xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn bị thiệt mạng.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy hơn 1.500 ha lúa và hoa màu của tỉnh Lạng Sơn bị ngập cục bộ, 300 ha diện tích thủy sản bị cuốn trôi.
Mưa lớn làm nhiều tuyến đường ngập úng cục bộ, ách tắc như huyện Cao Lộc, Tràng Định, Văn Lãng, Bắc Sơn, Chi Lăng... (đường tỉnh 234; 234b; 239; 229: đường huyện: 24, 28, 80A, Quốc lộ 1A; 11 cầu dân sinh bị ngập; 5 điểm bị chia cắt, cô lập). 13 cột điện bị đổ, gãy.
Hiện nay UBND các huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn đang tiến hành kiểm tra, rà soát về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lạng Sơn cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh và các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lạng Sơn đã thành lập các đoàn đi kiểm tra tại các địa bàn chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát phương án PCTT, nhất là phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời tăng cường cảnh báo, thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để nhân dân biết về đợt mưa lớn này và chủ động phòng tránh.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố đã thành lập các đoàn đi kiểm tra tại các địa bàn ngập úng cục bộ, các điểm xung yếu trên địa bàn, tiến hành tổng hợp thiệt hại.
Quảng Ninh: Nhiều khu vực bị ngập lụt cục bộ
Tại tỉnh Quảng Ninh, do ảnh hưởng của thời tiết xấu, nhiều huyện, thị cũng bị ngập úng do mưa lớn, gây thiệt hại về tài sản, nhà cửa của các hộ dân.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ninh cho biết, mưa lớn làm ngập cục bộ tuyến đường 334, khu dân cư thôn 1, 13, 14 xã Hạ Long, khu 6, khu 1, khu 2 thị trấn Cái Rồng, khu đô thị Ao Tiên huyện Vân Đồn.
Các lực lượng chức năng như BĐBP, Công an, Quân sự phối hợp với chính quyền địa phương tiếp cận hỗ trợ người dân và di chuyển tài sản đến nơi an toàn.
Tại thành phố Cẩm Phả xảy ra ngập lụt cục bộ tại một số tuyến phố của phường Cửa Ông, Km 6 Quang Hanh và các tuyến đường khu dân cư Nam Tiến (phường Cẩm Bình); khu 2,3 và 6 phường Cẩm Trung. Xóm Đồng Mậu, thôn Đồng Tiến xã Dương Duy ngập lụt cục bộ ảnh hưởng tới 20 hộ dân. Hiện các hộ dân đã được di dời an toàn.
Tại huyện Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hạ Long đã xuất hiện lũ trên các sông suối. Các địa phương đã cử người trực canh cấm người qua lại các ngầm tràn.
Bắc Bộ có mưa lớn kéo dài
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, từ ngày 10 đến 11-5, Bắc Bộ tiếp tục có mưa lớn từ 30-60mm/24h, có nơi trên 100mm/24h; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT vừa ban hành công văn đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình cấp tỉnh, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại.