Nhiều khu vực di sản và công viên giải trí ở châu Mỹ đón du khách trở lại
Bất chấp việc vẫn là điểm nóng của đại dịch Covid-19 trên thế giới, nhiều quốc gia khu vực châu Mỹ vẫn quyết định mở cửa trở lại các khu vực di sản và công viên giải trí nhằm đóng góp vào nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau nhiều tháng lao đao vì đóng cửa ngăn chặn Covid-19.
Bất chấp việc vẫn là điểm nóng của đại dịch Covid-19 trên thế giới, nhiều quốc gia khu vực châu Mỹ vẫn quyết định mở cửa trở lại các khu vực di sản và công viên giải trí nhằm đóng góp vào nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau nhiều tháng lao đao vì đóng cửa ngăn chặn Covid-19.
Tại Ecuador, quần đảo Galapagos, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, ngày 13-7 (giờ địa phương) đã chính thức mở cửa đón chào du khách trở lại các điểm tham quan và khu dự trữ sinh quyển ven biển bị đóng cửa từ hồi tháng 3 do đại dịch Covid-19.
Trên tài khoản Twitter, Bộ trưởng Môi trường Ecuador Paulo Proano thông báo: “Ngày hôm nay, theo các quy định an ninh sinh học, chúng ta sẽ mở cửa lại các khu vực thăm quan của @ parquegalapagos để đóng góp vào sự phục hồi nền kinh tế địa phương”.
Tuy nhiên, Bộ Môi trường Ecuador yêu cầu khách du lịch đeo khẩu trang và sử dụng dung dịch sát khuẩn, đồng thời cho biết “tại các khu vực vui chơi giải trí gần các bến cảng đông người, du khách chỉ được phép lưu lại tối đa ba tiếng”.
Hồi tháng 5, quần đảo Galapagpos đã mở lại một số bãi biển cho các cư dân địa phương khi Ecuador bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa để phòng dịch. Chỉ có sáu bãi biển tại Công viên Quốc gia Galapagos được phép mở cửa trong ba tiếng.
Với khoảng 30.000 dân, quần đảo Galapagos ghi nhận 100 ca mắc Covid-19. Trong khi đó, trên cả nước Ecuador có 68.500 ca mắc Covid-19, gồm hơn 5.000 ca tử vong được báo cáo, và 3.277 ca tử vong khác có nhiều khả năng liên quan đến virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Nằm ở Thái Bình Dương và cách đất liền của Ecuador khoảng 1.000 km, quần đảo Galapagos là tập hợp các đảo núi lửa nằm về hai phía xích đạo trên Thái Bình Dương, sở hữu số lượng lớn các loài đặc hữu từng được nhà bác học Charles Darwin trong chuyến hành trình Beagle. Những quan sát và thu thập đã đóng góp cho sự khởi đầu thuyết tiến hóa của Darwin. Trong năm 2019, quần đảo nổi tiếng này đã đón 271.200 lượt khách du lịch.
Thánh địa Machu Picchu (Ảnh: DW)
Trong khi đó tại quốc gia Nam Mỹ khác là Peru, ngày 13-7, Thống đốc tỉnh Cusco Jean Paul Benavente thông báo chính quyền tỉnh dự định mở cửa trở lại thánh địa Machu Picchu vào ngày 24-7 tới nhân dịp kỷ niệm 109 năm ngày phát hiện ra "Thành phố đã mất của người Inca" (24-7-1911).
Thống đốc Benavente cho hay, các tuyến giao thông nối Cusco với Machu Picchu gồm xe buýt, tàu hỏa và máy bay, sẽ phải sẵn sàng hoạt động lại từ ngày 24-7. Trong trường hợp các điều kiện về an toàn sinh học không được bảo đảm, việc mở cửa trở lại thánh địa này có thể sẽ bị hoãn lại.
Thống đốc tỉnh Cusco cho biết thêm chỉ có 675 du khách được phép tham quan thánh địa Machu Picchu mỗi ngày.
Trước đó, hôm 7-7, Bộ Văn hóa Peru ban hành quy định giới hạn số lượng du khách tham quan thánh địa Machu Picchu ở mức tối đa 2.244 người mỗi ngày trong trường hợp địa danh du lịch này được phép mở cửa trở lại. Số lượng này bằng một nửa lượng du khách tới thăm “Thành phố đã mất của người Inca” vào mùa cao điểm.
Cách thành phố Cusco khoảng 70km, tọa lạc ở độ cao khoảng 2.500m trên đỉnh Andes kéo dài xuống thung lũng Urubamba, thành phố Machu Picchu được xây dựng từ hơn 500 năm trước là biểu tượng vĩ đại nhất của đế chế Inca. Hầu hết các nhà khảo cổ học hiện nay tin rằng đây là kinh thành được xây dựng dưới thời vị vua Inca đầu tiên. Sau khi đế chế Inca sụp đổ, Machu Picchu bị lãng quên cho đến khi nhà khảo cổ học người Mỹ Hiram Bingham tình cờ phát hiện năm 1911.
Machu Picchu đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1983 và được cộng đồng quốc tế bình chọn là một trong “7 kỳ quan thế giới hiện đại” vào năm 2007. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, "Thành phố đã mất của người Inca" đón khoảng 3.000-5.000 lượt khách tham quan mỗi ngày.
Peru đã đóng cửa biên giới nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 trong gần bốn tháng qua, song đến nay nước này đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao thứ 2 trong khu vực, ở mức hơn 330.000 người, trong đó có hơn 12.000 ca tử vong.
Tại Bắc Mỹ, hôm 11-7 (giờ địa phương), công viên giải trí và khu nghỉ dưỡng Disney tại bang Florida, Mỹ đã mở cửa đón khách trở lại. Việc mở cửa trở lại thực hiện trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại bang này đang tăng nhanh trở lại trong nhiều tuần qua. Trong ngày 11-7, bang này ghi nhận khoảng 10 nghìn ca mắc Covid-19 mới.
Ban quản lý của các công viên giải trí Disney yêu cầu du khách bắt buộc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách. Tất cả du khách và nhân viên làm việc tại các khu giải trí Disney phải kiểm tra thân nhiệt trước khi vào cửa.