Nhiều khu vực tại Los Angeles như vùng chiến sự sau thảm họa cháy rừng

Những hình ảnh hoang tàn ở các khu vực tại Los Angeles, California (Mỹ) mà thảm họa cháy rừng quét qua, khiến nhiều người liên tưởng tới hình ảnh của một vùng chiến sự. Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa Los Angeles đã bị áp đảo khi các đám cháy rừng đồng loạt bùng lên ở nhiều địa điểm, trong khi gió mạnh khiến việc chữa cháy trở nên bất khả thi.

Theo CNN, tính đến ngày 11/1 (giờ địa phương), thảm họa cháy rừng tại Los Angeles đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, 13 người mất tích, hơn 180.000 người phải sơ tán và khoảng 12.000 nhà cửa, công trình bị phá hủy. Thiệt hại ban đầu ước tính lên tới 150 tỷ USD, trong đó khu nhà giàu Pacific Palisades được cho là nặng nề nhất.

Ông Kevin McGowan, người đứng đầu cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp quận Los Angeles phát biểu tại một cuộc họp báo: "Chúng ta đang đối mặt với một thảm họa thiên nhiên lịch sử. Tôi nghĩ không từ ngữ nào có thể diễn tả đủ mức độ nghiêm trọng này. Gió thổi mạnh, lửa bốc cao 9-12m, kèm theo những tiếng đùng, đùng, đùng cứ như vùng chiến sự".

Sau cháy rừng, khu phố nhà giàu với những những biệt thự triệu đô tại Los Angeles chỉ còn là khung cảnh xám xịt. Ảnh: DM

Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Mỹ ngày 11/1 đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tại bang California để đối phó tác hại về sức khỏe từ cháy rừng ở Los Angeles. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp giúp các nhà cung cấp dịch vụ linh hoạt hơn trong đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe khẩn cấp của những người tham gia các chương trình bảo hiểm Medicare và Medicaid.

Ngoài ra, Cảnh sát trưởng Los Angeles Robert Luna cũng công bố lệnh giới nghiêm ban đêm, có hiệu lực từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau tại khu vực các đám cháy Palisades và Eaton, giữa bối cảnh lo ngại gia tăng về nạn cướp bóc khiến một số người phải tự tổ chức tuần tra đường phố và canh gác có vũ trang tại nhà riêng.

Theo chuyên gia Trouvé từ Đại học Maryland, ngay cả khi có nhiều đội cứu hỏa hơn được triển khai trước thời điểm đám cháy bùng phát, khả năng làm chậm hoặc ngăn chặn những ngọn lửa lan nhanh như vậy vẫn có thể bị hạn chế đáng kể.

Ông Trouvé cho rằng lực lượng cứu hỏa có thể tận dụng thời điểm gió lặng để khống chế các đám cháy, khiến chúng trở nên ít nguy hiểm hơn, bởi gió Santa Ana chắc chắn sẽ mạnh trở lại, thậm chí đổi hướng và gây cháy rộng hơn từ ngày 12/1. Ông Trouvé nhấn mạnh: "Điều quan trọng là phải làm được càng nhiều việc càng tốt trước thời điểm đó".

Cháy rừng tại Los Angeles được liệt vào danh sách thảm hỏa thiên nhiên lịch sử của nước Mỹ. Ảnh: TTXVN

Cháy rừng tại Los Angeles được liệt vào danh sách thảm hỏa thiên nhiên lịch sử của nước Mỹ. Ảnh: TTXVN

Theo tờ The Guardian, tổng số thành viên Vệ binh Quốc gia được triển khai đã tăng lên 1.680 người. Hơn 1.660 phương tiện chữa cháy được huy động, gồm 1.150 xe cứu hỏa, hơn 60 máy bay, xe ủi và 100 xe bồn. Nhiều tiểu bang khác và hai quốc gia láng giềng của Mỹ là Canada và Mexico đã đưa lính cứu hỏa đến Los Angeles hỗ trợ dập lửa.

Trước khi đám cháy tại Palisades bùng phát và lan rộng vào sáng 7/1, Sở Cứu hỏa Los Angeles (LAFD) đã chủ động phòng ngừa. Dựa trên dự báo về gió Santa Ana khô và mạnh đến mức nguy hiểm trên khắp Nam California, LAFD đã tăng cường hơn 10 xe cứu hỏa ở những khu vực trọng yếu, cùng với 98 xe trực chiến trong các trạm.

Nhưng khi bùng lên, ngọn lửa nhanh chóng vượt quá khả năng xử lý của họ, đến mức LAFD đã phải thực hiện động thái hiếm hoi là triệu tập tất cả lính cứu hỏa đang nghỉ phép, đồng thời cầu cứu các đội cứu hỏa khác trên khắp Nam California. Giới chức Los Angeles cho biết, hệ thống cấp nước của thành phố vẫn hoạt động hiệu quả, nhưng chúng được thiết kế để phục vụ môi trường đô thị, chứ không phải để xử lý cháy rừng.

Khi những cơn gió mạnh như bão ngăn cản việc chữa cháy bằng máy bay trong ngày 7/1 và sáng sớm 8/1, hàng trăm đội cứu hỏa chỉ còn cách phun nước trực tiếp từ mặt đất, giúp người dân thoát hiểm và cố gắng bảo vệ càng nhiều tài sản càng tốt. Nhưng họ vẫn không thể làm gì để ngăn chặn ngọn lửa.

Thiệt hại ban đầu do cháy rừng tại Los Angeles ước tính lên tới 57 tỷ USD. Ảnh: Reuters

Thiệt hại ban đầu do cháy rừng tại Los Angeles ước tính lên tới 57 tỷ USD. Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học khí hậu lý giải, khu vực Los Angeles dễ cháy khi bước vào mùa thu, thời điểm gió mùa đến, sau những mùa đông ẩm ướt liên tiếp tạo ra một lượng lớn cỏ và thực vật, chuyển thành nhiên liệu cho các đám cháy trong mùa hè nóng bức.

Cũng theo truyền thông Mỹ, nhiều người dân tại Los Angeles hiện cảm thấy lo ngại rằng nguồn lực của chính phủ có thể sẽ ưu tiên cho những khu vực nổi tiếng, nơi tập trung các ngôi sao hạng A. Trong khi đó, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại từ các công ty bảo hiểm cũng sẽ tốn nhiều thời gian.

Được biết, California là thị trường bảo hiểm nhà ở lớn nhất tại Mỹ, nhưng cũng là một trong những khu vực nhiều thách thức với các công ty cung cấp dịch vụ này, bởi các vụ cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn và quy mô lớn hơn do biến đổi khí hậu kéo dài. Thậm chí, nhiều công ty bảo hiểm hàng đầu đã dần rút khỏi bang, khiến nhiều người chịu ảnh hưởng bởi cháy rừng ở California chỉ có thể sử dụng dịch vụ bảo hiểm từ công ty do nhà nước tài trợ hoặc thậm chí không có bảo hiểm.

Kim Ngọc

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/nhieu-khu-vuc-tai-los-angeles-nhu-vung-chien-su-sau-tham-hoa-chay-rung--i756301/