Nhiều khu vực tại TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng triều cường giữa tháng 11
Các tuyến đường ở khu vực vùng trũng thấp ở các quận Bình Thạnh, quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh… bị ảnh hưởng bởi đợt triều cường giữa tháng 11, đỉnh triều có thể trên mức báo động III. Nhiều hộ dân bị nước triều kèm nước thải tràn vào nhà khiến cuộc sống bị xáo trộn...
Trong đợt triều cường giữa tháng 11, ngày 16/11 mực nước triều dâng đạt 1,70m (trên mức báo động III), thời gian xuất hiện đỉnh triều lúc 17h giờ; ngày 17/11 đạt 1,68m, (mức báo động III), thời gian xuất hiện đỉnh triều lúc 18h… sau đó giảm dần vào những ngày kế tiếp.
Trong chiều 16/11, đỉnh triều vượt mức báo động III nên khiến nhiều tuyến đường khu vực trũng, thấp, ven sông, ven kênh rạch tại các quận như Bình Thạnh, quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh bị ngập sâu, giao thông bị ảnh hưởng, nhiều nhà dân bị ngập trong nước triều và nước thải, sinh hoạt, buôn bán gặp khó khăn. Triều cường dâng đẩy nước từ dưới cống lên bốc mùi hôi thối, rác thải trôi lềnh bềnh trên mặt nước…
Ngoài khu vực đường Trần Xuân Soạn (quận 7, đoạn đường giáp với kênh Tẻ) được cho là rốn ngập do triều cường nhiều năm nay thì tại khu vực đường Phú Định (phường 16, quận 8) đang được xem là “rốn ngập mới” do tác động của triều cường.
Triều dâng, nước từ kênh tràn qua cống vào nhà dân gây ngập, hôi thối. Khu vực này nhiều nhà dân đã quá quen với các đợt triều cường nên đã xây hàng rào bê tông bảo vệ trước nhà, đặt sẵn bao cát mỗi khi có triều cường dâng hoặc sử dụng máy bơm để hút nước ra khỏi nhà.
Tuy nhiên các biện pháp tạm thời trên cũng không ngăn được nước ngập lênh láng, tràn vào trong nhà làm hư hỏng nhiều tài sản.
Một số hộ dân vì không chịu nỗi cảnh triều cường 1 tháng 2 lần kéo dài hơn 10 ngày nên đã rời khỏi nhà mình đi tìm nơi ở tạm. Theo ghi nhận, nhiều căn nhà ở khu vực phường Phú Định thấp hơn mặt đường từ 1-1,5m nên cứ mưa lớn hoặc triều dâng thì nhà và hẻm như… sông.
Đường Trần Xuân Soạn cứ triều cường là ngập nên đã quá quen, một số tuyến đường tại quận 7 dù đã nâng cấp nhưng triều cường vẫn làm nước lênh láng trên mặt đường.
Tại đường Đào Trí, nhiều căn nhà thấp hơn mặt đường 0,5m, chủ nhà phải dùng gỗ, bạt chắn nước và bơm hút nước liên tục. “May thời điểm đỉnh triều trời không mưa nếu không có cả chục cái máy bơm thì cũng không hút được hết nước vì trong nhà hay ngoài đường đều lênh láng nước như nhau”.
Tại khu vực bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) nhiều căn nhà bị cô lập do triều cường dâng cao. Nước triều hòa lẫn với nước thải tạo ra mùi hôi thối nồng nặc. "Triều cường giữa tháng 11 kéo dài nhiều ngày nên người dân nơi đây chỉ có thể kê cao tài sản, tìm nhà quen để ngủ nhờ. Chiều nước dâng, tối rút chiều hôm sau lại tiếp diễn ngập nước nên rút kinh nghiệm, nhà nào cũng đợi hết đợt triều cường mới dọn dẹp!” - một người dân sống dọc bờ kênh Thanh Đa cho hay.
Các tuyến đường tại Nhà Bè cũng bị ảnh hưởng do triều cường khiến giao thông qua khu vực này bị ùn ứ.