Nhiều khuất tất trong đấu thầu tại Bệnh viện Vũng Tàu
Ngày 09/8/2023, Ban Nội chính Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản số 2024-CV/BNCTU gửi Sở Y tế tỉnh làm rõ một số vấn đề người dân phản ánh 'Bệnh viện Vũng Tàu có dấu hiệu làm trái các quy định của Nhà nước trong việc giao tài sản không thông qua đấu giá gây thất thoát; buông lỏng quản lý, bảo kê kinh doanh bất hợp pháp...'. Văn bản này chỉ đạo Sở sớm có kết luận, trả lời cho công dân và báo cáo kết quả giải quyết về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh để xử lý theo quy định.
Giao tài sản công không qua đấu thầu?
Từ tháng 3/2022, sau khi chuyển về cơ sở mới (tại địa chỉ số 27 đường 2-9, P11, TP.Vũng Tàu), Bệnh viện Lê Lợi đổi tên thành Bệnh viện Vũng Tàu. Trước đó, năm 2020, các tài sản công như: nhà giữ xe và căn tin được tổ chức đấu giá cho doanh nghiệp (Công ty Vật Liệu Công Nghệ Mới) kinh doanh và kết thúc vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, trong 5 tháng (từ giữa tháng 3/2022 đến đầu tháng 8/2022), các hạng mục như: nhà giữ xe ôtô, xe 2 bánh và khu nhà ăn uống cấp 4 (căn tin bệnh viện) lại được giao cho các doanh nghiệp khai thác mà không thông qua đấu giá tài sản công theo quy định của pháp luật.
Điều này đã khiến dư luận người dân cũng như một số cán bộ y bác sĩ công tác tại Bệnh viện Vũng Tàu bức xúc, bởi tài sản công giao cho doanh nghiệp kinh doanh không qua đấu thầu là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Vụ việc kéo dài, nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý? Sở Y tế có quản lý và UBND tỉnh có biết việc này không?
Thêm một vấn đề người dân phản ánh và phóng viên cũng đã có những video clip thể hiện sự bức xúc cần được chấn chỉnh như: nhân viên bệnh viện nói rằng "bệnh nhân điều trị nội trú thì buộc phải đăng ký mua suất cơm bệnh lý tại bệnh viện"; Gói thầu chế biến suất ăn bệnh lý tại Khoa dinh dưỡng (do Công ty Vật liệu Công Nghệ Mới trúng thầu) cũng gây nhiều bức xúc. Gói thầu này bệnh viện thuê đơn vị đến Khoa dinh dưỡng để chế biến suất ăn theo chế độ bệnh lý cho bệnh nhân đang điều trị, bệnh viện sẽ thu tiền suất ăn này từ bệnh nhân. Đơn vị chế biến không được phép bán bất cứ hàng hóa gì và thu tiền trực tiếp từ khách hàng bệnh nhân và thân nhân".
Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, những người mang đồng phục "Khoa dinh dưỡng" thản nhiên đẩy xe bán hàng như: cơm hộp, tã, bỉm sữa, nước uống... thu tiền trực tiếp từ bệnh nhân và thân nhân tại hành lang các khoa, tầng của bệnh viện... Thực trạng trên diễn ra công khai, nhếch nhác, mất vệ sinh như "chợ chồm hổm" ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe của bệnh nhân nhưng bệnh viện vẫn không xử lý. Việc này gây thất thoát nghiêm trọng cho Công ty Thực phẩm xanh Hoàng Lan - đơn vị đã bỏ ra nhiều tỷ đồng để trúng thầu khai thác căn tin bệnh viện này. Nếu không có sự buông lỏng quản lý thì làm sao tình trạng bát nháo này lại xảy ra trong môi trường điều trị bệnh nội trú?
Lãnh đạo bệnh viện nói gì?
Để làm rõ các thông tin trên, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Thanh Phước - Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu. Theo công văn số 2350/BVVT-TCHC ngày 03/8/2022 do ông Phước ký về cung cấp thông tin cho Chuyên đề Công an TPHCM đã thể hiện: Việc giao tài sản công cho doanh nghiệp khai thác kinh doanh từ tháng 3 đến 8/2022 mà không thông qua đấu giá là có thật. Tuy nhiên, ông Phước giải thích rằng bệnh viện đã có văn bản trình Sở Y tế và Sở cũng đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Điều đáng nói, đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có ý kiến cho việc này!
Theo văn bản số 2350 nêu, trong các hạng mục giao cho doanh nghiệp chưa thông qua đấu thầu thì: khu nhà giữ xe, bệnh viện thống nhất gia hạn hợp đồng tiếp tục cho Công ty THHH Vật liệu Công Nghệ Mới (đơn vị đã hết hạn thầu) với phụ lục gia hạn hợp đồng. Còn hạng mục khai thác căn tin thì "Bệnh viện Vũng Tàu đã ký hợp đồng số 01/HĐ-DV với hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thanh Hà để cung cấp suất ăn cho nhân viên phục vụ điều trị và bệnh nhân Covid-19. Từ tháng 4/2022 đến 8/2022, ký thêm phụ lục hợp đồng tiếp tục giao căn tin (Khu nhà ăn uống cấp 4) cho hộ này để kinh doanh các nhu yếu phẩm thiết yếu và dịch vụ ăn uống không qua đấu thầu. Đây là dấu hiệu vi phạm quy định của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Phóng viên cũng đề cập về các video clip do người dân cung cấp, thể hiện nhân viên của bệnh viện khẳng định "bệnh nhân muốn chữa bệnh bắt buộc phải ăn cơm ở bệnh viện" thì ông Phước cho rằng Ban lãnh đạo bệnh viện không có chủ trương ép bệnh nhân ăn cơm tại bệnh viện. Tuy nhiên, giải thích nguồn gốc clip ghi lại nội dung này thì ban lãnh đạo bệnh viện không trả lời được. Về thực trạng buôn bán hàng như "hàng rong" ở nhiều khoa, tầng thì công văn số 2350 cho rằng "Ban lãnh đạo bệnh viện chưa tiếp cận được với những clip này và chưa từng lập biên bản xử lý trường hợp nào như vậy". Đây là câu trả lời chưa thuyết phục bởi toàn bộ bệnh viện đều có bảo vệ, lắp hệ thống camera và chính những thước phim này đều do người dân, bệnh nhân quay lại và cung cấp.
Hiện tại, những phản ánh của người dân, bệnh nhân đang được gửi đi các cơ quan hữu trách, rất mong UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sớm làm rõ những vấn đề nêu trên để trả lời công luận, tránh gây bức xúc kéo dài cho người dân và bệnh nhân.