Nhiều kỷ lục trong thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022
Năm 2022 kinh tế Việt Nam hồi phục, giữ mức tăng trưởng trong top lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Trong đó, thu chi ngân sách nhà nước là điểm sáng với nhiều kỷ lục 'lần đầu tiên'.
Đề xuất giãn, giảm thuế, phí, lệ phí lớn nhất trong lịch sử ngành Tài chính
Để kịp thời ứng phó với các tác động do dịch bệnh, đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất và triển khai thực hiện ngay Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 do Quốc hội ban hành, với hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ. Trong đó, các chính sách tài khóa là chủ yếu, chiếm khoảng 83% tổng giá trị chương trình. Các chính sách thuế trong chương trình đã hỗ trợ cụ thể, như: giảm 2% thuế giá trị gia tăng để thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng, góp phần kiểm soát lạm phát với số tiền hỗ trợ khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất quy mô 135 nghìn tỷ đồng…
Ngoài các chính sách ưu đãi thuế, tài khóa thuộc chương trình này, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách, như giảm lệ phí trước bạ; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí…
Đặc biệt, trong bối cảnh giá xăng, dầu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, Bộ Tài chính 2 lần trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn; đề xuất giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu… Các chính sách này đã có tác dụng tích cực kiềm chế lạm phát của Việt Nam ở dưới mức 4%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao.
Dự kiến thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn năm 2022 khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm khoảng 98,5 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 15/12/2022, đã thực hiện miễn giảm, giãn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là số tiền giãn, giảm thuế, phí, lệ phí lớn nhất trong lịch sử ngành Tài chính.
Thu ngân sách hoàn thành sớm trước thời hạn
Từ đầu năm 2022 đến nay, trước tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ và nhiều khó khăn hơn, song nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời đề ra các định hướng, quyết sách lớn Đảng; sự chủ động, điều hành quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương; sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt kết quả tích cực, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó, Bộ Tài chính đã bám sát yêu cầu của thực tiễn, kịp thời đề xuất các cấp ban hành và ban hành theo thẩm quyền số lượng khá lớn các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, giá xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, Bộ Tài chính đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) đề ra. Đến ngày 15/12/2022, thu NSNN năm 2022 đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội; tỷ lệ động viên vào NSNN xấp xỉ 18% GDP (vượt mục tiêu 15,2% GDP). Thu NSTW vượt 19,3% dự toán; thu NSĐP vượt 20,4% dự toán.
Chi NSNN đảm bảo các nhiệm vụ trong dự toán và chi cho phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, chi cho an sinh xã hội, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ và các nhiệm vụ cấp bách khác. Nhờ phấn đấu tăng thu, đã có nguồn để chi cho các khoản trong dự toán và nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Về cân đối NSNN, bội chi và nợ công thấp hơn giới hạn được Quốc hội cho phép.
Đối với Tổng cục Hải quan đây là năm thu thuế xuất nhập khẩu vượt dự toán cao nhất từ trước tới nay, dự kiến đạt 440 ngàn tỷ, vượt 80 ngàn tỷ so với dự toán được giao và 20 ngàn tỷ so với chỉ tiêu phấn đấu.
Năm 2022, Tổng cục Hải quan được Quốc hội và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 là 352.000 tỷ đồng.
Với sự nỗ lực của toàn Ngành, đến ngày 20/12/2022, tổng thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 425.593 tỷ đồng, bằng 120,9% dự toán, bằng 101,3% chỉ tiêu phấn đấu (420.000 tỷ đồng), tăng 13,95% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến số thu năm 2022 đạt 440 ngàn tỷ, vượt 80 ngàn tỷ so với dự toán được giao và 20 ngàn tỷ so với chỉ tiêu phấn đấu.
Đáng chú ý, tổng thu NSNN năm 2022 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 1.460.100 tỷ đồng, bằng 124,3% dự toán (tương ứng vượt 285.200 tỷ), bằng 108,5% so với thực hiện năm 2021. Trong đó: thu dầu thô ước đạt 72.900 tỷ đồng bằng 258,5% dự toán (tương ứng vượt 44.700 tỷ đồng), trên cơ sở giá dầu khoảng 100 USD/thùng và sản lượng khoảng 9 triệu tấn. Thu nội địa ước đạt 1.387.200 tỷ đồng, bằng 121,0% dự toán (vượt 240.500 tỷ đồng), bằng 106,6% so cùng kỳ. Trong đó: thu thuế phí nội địa ước đạt 1.064.657 tỷ đồng bằng 116,4% dự toán (tương ứng vượt 149.657 tỷ), bằng 105,3% so với thực hiện năm 2021.
Có 17/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán. Có 16/19 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so cùng kỳ.
Theo số liệu các Cục Thuế báo cáo, có 62/63 địa phương và 63/64 Cục Thuế đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2022. Còn tỉnh Cao Bằng do năm 2022 bị ảnh hưởng giảm lớn do thực hiện chính sách mới và chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhưng ko có nguồn bù đắp, tiền sử dụng đất ko triển khai đc như dự toán nên chỉ đạt 93,2%, không kể tiền sử dụng đất, xổ số, cổ tức &LNCL, chênh lệch thu chi NHNN thì hoàn thành 100,1%.
Có 42/63 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó có một số địa phương tăng trưởng cao trên 15% như: Hưng Yên, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Tiền Giang, Hà Nội, Đắc Lắc, Quảng Bình, Nghệ An, Hòa Bình, Hậu Giang, Tp.HCM, Lâm Đồng, Tây Ninh,…
Lần đầu tiên nhiều địa phương cán mốc thu ngân sách mới
3 địa phương có mức thu ngân sách trên 100.000 tỷ đồng là Tp.HCM, Hà Nội và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hưng Yên lần đầu tiên thu ngân sách tăng đột biến, tổng thu ngân sách năm 2022 ước đạt 50.850 tỷ đồng, đạt 260,4% dự toán, tăng 2,67 lần so với năm 2021, là tỉnh có mức tăng thu ngân sách lớn nhất cả nước.
Số thu ngân sách năm 2022 của Cục Thuế TP Hà Nội dự kiến đạt trên 303.000 tỷ đồng, vượt 7,9% dự toán, tăng 2,4% so với năm 2021. Lần đầu tiên thu ngân sách của Cục Thuế cán mốc trên 300.000 tỷ đồng.
Thu NSNN của tỉnh Nghệ An ước thực hiện 20.370 tỷ đồng, vượt 35,6% so với dự toán điều chỉnh. Đây là năm đầu tiên, thu ngân sách nhà nước vượt mốc 20 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 17/63 địa phương trong cả nước.
Thu NSNN tỉnh Long An lần đầu tiên vượt mốc kỷ lục vượt hơn 20.000 tỷ đồng. Cụ thể, tỉnh đến ngày 19/12, tổng thu NSNN năm 2022 ước đạt 21.800 tỷ đồng, trong đó ước thu nội địa là 17.500 tỷ đồng, đạt 130,5% dự toán trung ương và bằng 121,1% so với cùng kỳ.
Lần đầu tiên, thu ngân sách tỉnh Bạc Liêu đạt 4.100 tỷ đồng.
Thanh Hóa thu NSNN đạt cao nhất từ trước đến nay với tổng thu ước đạt gần 49.000 tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ.