Nhiều kỳ vọng cho ngành thép

Bất chấp dịch bệnh, năm qua, ngành thép vẫn được đánh giá là một 'hiện tượng' khi đa số doanh nghiệp đều ăn nên làm ra. Dự báo năm 2021, ngành thép tiếp tục còn nhiều cơ hội để bứt phá.

Sản xuất thép tại Nhà máy thép Phú Mỹ. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất thép tại Nhà máy thép Phú Mỹ. Ảnh: CAO THĂNG

Lợi nhuận ấn tượng

Điển hình là kết quả tổng kết 1 năm sản xuất kinh doanh tại Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel). Năm 2020, đơn vị đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, thậm chí một số chỉ tiêu chính có tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ. Cụ thể năm 2020, VNSteel đạt doanh thu thuần 78.169 tỷ đồng; trong đó, công ty mẹ đạt 2.488 tỷ đồng (bằng 163,8% kế hoạch năm 2020). Lợi nhuận trước thuế đạt 891 tỷ đồng. Tổng doanh thu hợp nhất đạt 30.000 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch), lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 260 tỷ đồng. Mục tiêu trong năm 2021, VNSteel sản xuất phôi thép hơn 2,5 triệu tấn, tăng khoảng 6,5% so với năm 2020.

Tương tự, ở mảng thép xây dựng, doanh nghiệp dẫn đầu là Tập đoàn Hòa Phát, nâng thị phần từ 26,2% năm 2019 lên 32,5% năm 2020. Với mảng ống thép, hai doanh nghiệp lớn nhất là Hòa Phát và Hoa Sen lần lượt nâng thị phần từ 31,5% lên 31,7% và từ 15,3% lên 16,8%. Ở thị trường tôn mạ, Hoa Sen tiếp tục khẳng định ưu thế của mình khi tăng thị phần từ 29,5% lên 33,4%. Dù chưa công bố con số cả năm, nhưng chỉ nhìn vào 3 quý đầu năm 2020, lợi nhuận của Hòa Phát đã tăng 56% so với cùng kỳ (đạt 8.845 tỷ đồng), Hoa Sen Group cũng báo lãi sau thuế gấp 3 lần cùng kỳ (đạt 1.151 tỷ đồng), vượt xa kế hoạch đề ra của cả năm.

Trong khi đó, số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho thấy sự trùng khớp với cộng đồng doanh nghiệp. Trong năm 2020, doanh nghiệp ngành thép bán ra tổng cộng 23,45 triệu tấn thép các loại, tăng 1,4% so với năm 2019. Mặt hàng thép xây dựng giảm 1,2% nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (44,6%) trong tổng cơ cấu tiêu thụ theo ngành hàng. Đáng chú ý, năm nay Việt Nam xuất khẩu thép đạt trên 8 triệu tấn với trị giá ước đạt hơn 4 tỷ USD. Trong đó, sản lượng thép của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đã tăng trên 20 lần so với năm 2019. Theo đánh giá của VSA, bên cạnh tín hiệu khả quan từ thị trường xuất khẩu, tiêu thụ trong nước cũng phục hồi mạnh mẽ từ quý 2-2020 khi hoạt động xây dựng trở lại bình thường nhờ dịch bệnh tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát tốt và nhiều dự án đầu tư công bắt đầu triển khai đã giúp ngành thép đảo ngược tình thế.

Cơ hội từ nhiều phía

Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp, cùng với một loạt chính sách kích cầu hạ tầng và tín hiệu xuất khẩu khả quan sẽ là điểm sáng của ngành thép Việt Nam trong năm 2021. Ước tính nhu cầu thép sẽ tăng khoảng 3-5% so với năm 2020. Đặc biệt, các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành sẽ có nhu cầu tiêu thụ thép cao. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có cơ hội lớn trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, chi phí nhân công rẻ. Do vậy, khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thì nhu cầu đầu tư nhà xưởng, khu công nghiệp sẽ tăng lên, kéo theo nhu cầu về thép xây dựng tăng theo.

Các cơ hội còn đến từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - liên minh châu Âu (EVFTA) cũng được kỳ vọng thúc đẩy ngành thép sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.

Đối với CPTPP, việc gỡ bỏ hàng loạt thuế quan sẽ giúp doanh nghiệp ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu đồng thời nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia có lợi thế như Australia. Hiện nay, các nước thành viên CPTPP là nguồn cung cấp nguyên vật liệu chủ yếu để sản xuất thép cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử, Australia là nước cung cấp than đá và quặng chủ yếu cho nước ta, lần lượt chiếm 25,7% và 22,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, hơn 50% lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phôi cũng từ các nước thuộc CPTPP. Một số thành viên như Canada, Malaysia cũng có nhu cầu lớn nhập khẩu nhiều thép thành phẩm. Lâu nay, ASEAN và Mỹ là hai thị trường dẫn đầu về nhập khẩu thép của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ tăng cao, theo các chuyên gia, việc chuyển hướng xuất khẩu, mở rộng sang các thị trường khác là cần thiết, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với thị trường truyền thống của các đối thủ.

LẠC PHONG

Ưu tiên thị trường trong nước

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam và cập nhật giá thép thế giới, giá các loại nguyên liệu sản xuất thép đang tăng cao bất thường từ cuối năm 2020 và liên tục thiết lập mốc giá mới.

Giá quặng sắt nhập khẩu và giá thép phế liệu nhập khẩu để sản xuất các mặt hàng sắt thép thành phẩm từ khoảng tháng 9-2020 đến nay tăng khoảng trên 30% so với thời điểm đầu năm 2020. Trong khi đó, giá thép phế liệu nội địa cũng tăng từ 7.500 đồng/kg hồi tháng 1 lên 9.500 đồng/kg, tăng 26,6%. Các loại nguyên liệu sản xuất thép có giá cao đã dẫn đến giá thép cuộn cán nóng (HRC) liên tục tăng từ tháng 8 và đạt đỉnh vào thời điểm cuối tháng 12 ở mức trên 700 USD/tấn. Còn thép xây dựng thành phẩm trong nước có giá bình quân khoảng 12.000-12.500 đồng/kg thời điểm đầu tháng 12-2020, nhưng hiện nay dao động trên dưới 15 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu và địa bàn.

Theo chủ các đại lý, việc tăng giá thép cuối năm mang tính chu kỳ, nhưng năm nay có yếu tố bất thường hơn, do lượng thép thành phẩm nhập khẩu khó, trong khi thép trong nước sản xuất cung không đủ cầu. Đáng chú ý, dù thị trường trong nước khan hiếm, nhưng xuất khẩu phôi thép và thép thành phẩm của Việt Nam lại tăng mạnh so với năm ngoái dẫn đến mất cân đối trong ưu tiên thị trường xuất khẩu so với thị trường trong nước. Đây là một nghịch lý của ngành thép. Bởi lâu nay, ngành thép luôn trong tình trạng cung vượt cầu, nhiều nhà máy sản xuất dưới công suất. Điều này cho thấy, công tác dự báo và hoạch định chính sách đã không theo sát thực tiễn. Thực ra, lâu nay ngành thép trong nước vẫn bị thép từ thị trường Trung Quốc chi phối, làm nhiễu loạn. Tuy nhiên, từ lúc Trung Quốc siết chặt các nhà máy sản xuất thép gây ô nhiễm nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường khiến sản lượng suy giảm, nên phải quay sang nhập khẩu, đặc biệt từ thị trường Việt Nam. Như vậy, có thể thấy trong đợt giá thép leo thang lần này lỗi thuộc về các nhà quy hoạch, hoạch định chính sách cũng như những dự báo của các hội ngành hàng thiếu chính xác, chưa kịp thời. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng vì chạy theo lợi nhuận mà chưa chú trọng trách nhiệm cộng đồng, đó là bình ổn ưu tiên cho nguồn cung trong nước.

Do đó, để điều chỉnh giá sắt thép trong dịp cuối năm không tăng quá cao, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế xã hội, chi phí đầu vào cũng như mặt bằng giá cả chung trong nước, các nhà hoạch định chính sách nên có sự linh hoạt hơn, theo hướng sử dụng các loại thuế để giảm thiểu lượng xuất khẩu. Hiệp hội ngành hàng cần có thống kê, đánh giá và kiến nghị kịp thời với cơ quan chức năng, kêu gọi các doanh nghiệp chú trọng ưu tiên, bình ổn thị trường trong nước.

VĂN DIỆU

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhieu-ky-vong-cho-nganh-thep-710397.html