Nhiều lái xe vô tư ôm vô lăng sau khi uống rượu, bia
Khi phát hiện lực lượng chức năng, nhiều lái xe lập tức quay đầu bỏ chạy, đổi tài xế, không thổi vào máy kiểm tra nồng độ cồn là những hành vi hòng trốn tránh bị xử lý vi phạm quy định nồng cồn. Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn lái xe say xỉn từ xa, từ sớm sẽ giúp hạn chế rủi ro cho người tham gia giao thông, Bộ Công an đang tăng cường phối hợp cùng Công an các địa phương tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT, đặc biệt là các vi phạm về nồng độ cồn, ma túy.
Ám ảnh "ma men" ôm vô lăng
Theo thông tin từ Công an TP Hải Phòng, vào tối 10/9, tổ công tác Đội CSGT-TT (Công an huyện An Dương) thực hiện kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe ôtô BKS 15A-577.63 tại khu vực đường 351 (xã Nam Sơn, huyện An Dương, TP Hải Phòng). Tuy nhiên lái xe là Hoàng Văn Linh (SN 1983, trú tại thị trấn An Dương, huyện An Dương) không chấp hành, tăng tốc xe vượt qua chốt, buộc tổ công tác phải dùng 3 xe môtô đuổi theo. Đến khu vực QL5 thuộc xã An Hưng, cùng huyện An Dương, Hoàng Văn Linh điều khiển xe va chạm làm hư hỏng 1 xe chuyên dụng và 1 chiến sỹ trong tổ công tác bị thương. Tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của Hoàng Văn Linh, kết quả là 0,688 mg/l, vượt mức vi phạm cao nhất đối với lái xe điều khiển ôtô.
Trước đó, vào tối 9/9, tổ công tác của Bộ Công an do Cục CSGT chủ trì phối hợp với Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an TP Hải Phòng) kiểm soát, xử lý vi phạm chuyên đề nồng độ cồn trên tuyến đường Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng). Trong quá trình kiểm tra, Phạm Trung Dũng (SN 1986, trú tại xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) là người điều khiển xe ôtô BKS 30A - 872.99 đã có hành vi: không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, không hợp tác, chống đối lực lượng chức năng bằng việc dùng điện thoại quay trực tiếp phát lên mạng xã hội, đồng thời có lời nói không chuẩn mực, to tiếng đưa ra "yêu sách" gây áp lực với lực lượng chức năng…
Có thể thấy, dù đã được tuyên truyền, phổ biến, thậm chí được ký cam kết về chấp hành TTAT_GT nhưng nhiều tài xế lái xe vẫn coi thường phát luật, coi thường tính mạng của người khác cũng như của chính mình, cố tình vi phạm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt tổ chức ra quân, tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT, nhất là những vi phạm về nồng độ cồn. Tại Quảng Ninh, sau 2 tuần ra quân xử lý, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã xử lý 300 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn, chịu mức xử phạt hành chính tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Còn tại Hải Phòng, chỉ trong một tối ngày 11/9, Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, xử lý 63 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, gồm 18 lái xe ôtô và 45 lái xe môtô.
Bên cạnh những trường hợp nghiêm túc chấp hành hiệu lệnh kiểm tra của cơ quan chức năng, vẫn có những trường hợp quay đầu bỏ chạy, tìm cách thay đổi tài xế, hoặc gọi điện trì hoãn, tìm sự trợ giúp... hoặc bất hợp tác. Đơn cử như vụ việc xảy ra ngày 11/9 tại đường Võ Nguyên Giáp (thuộc quận Lê Chân, Hải Phòng), khi lực lượng CSGT kiểm tra xe ôtô BKS 15D - 022.85 do lái xe Phạm Công Sự (SN 1987, trú quận Dương Kinh, Hải Phòng) điều khiển, phát hiện các hành vi vi phạm: có nồng độ cồn 0,245mg/1 lít khí thở; không có giấy phép lái xe, đăng ký xe và giấy chứng nhận kiểm định an toàn. Trong quá trình tổ công tác lập biên bản, anh Sự gọi điện cho chủ xe đến, khi người này đến thì bất ngờ lên xe nổ máy bỏ chạy. Qua xác minh, xác định đối tượng trên là Trần Duy Thanh (SN 1983, trú tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng), Trần Duy Thanh sau đó đã phải đến cơ quan Công an trình diện và mang theo phương tiện vi phạm.
Ngăn chặn từ sớm hạn chế rủi ro
Theo Thượng tá Nguyễn Thành Trung, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt - Công an tỉnh Quảng Ninh, điều đáng lưu ý là trong số các vụ việc vi phạm được phát hiện, có nhiều tài xế lái xe chuyên nghiệp, điều khiển những phương tiện tiềm ẩn nguồn nguy hiểm cao độ như xe container, xe chở khách. Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, chỉ trong 2 ngày lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý hơn 20 trường hợp lái xe chuyên nghiệp vi phạm nồng độ cồn. Cá biệt như trường hợp trên địa bàn TP Cẩm Phả, lái xe Phí Văn Trung (SN 1986, trú tại phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) bị phát hiện có nồng độ cồn 0,579miligam/1 lít khí thở khi đang điều khiển xe ôtô khách loại 34 chỗ ngồi. Đây là mức cao nhất bị xử phạt kịch khung là 35 triệu đồng, giấy phép lái xe tước 23 tháng và giữ xe ô tô 10 ngày làm việc.
Việc kiểm tra và kiên quyết xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn của lực lượng chức năng TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân. Ông Lê Trung Dũng, một người dân ở phường Đông Khê (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) nói: "Người dân chúng tôi ủng hộ tuyệt đối Công an kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các lái xe". Còn chị Nguyễn Thị Dung, một người dân ở phường Hồng Hà (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) thì chia sẻ: "Cứ làm như này sẽ rất tốt, người dân ra đường sẽ an tâm hơn không còn lo tai nạn do rượu bia. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc làm của lực lượng Công an".
Theo thống kê, nguyên nhân do lái xe vi phạm nồng độ cồn dẫn đến tai nạn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn lái xe say xỉn từ xa, từ sớm sẽ giúp hạn chế rủi ro cho người tham gia giao thông.
Theo Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, thời gian qua lãnh đạo Công an thành phố đã chỉ đạo lực lượng CSGT và Công an các địa phương, cùng với kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định, lực lượng chức năng còn gửi thông tin người vi phạm về cơ quan, đơn vị công tác để có hình thức xử lý bổ sung. Bên cạnh đó, CBCS trong quá trình làm nhiệm vụ tuyệt đối không can thiệp, tiếp nhận can thiệp, các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Thượng tá Nguyễn Thành Trung, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt - Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, qua điều tra cơ bản nắm chắc các tuyến, địa bàn, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt đã chỉ đạo các đội tuyến phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, bố trí đồng thời nhiều tổ chốt trong cùng một thời điểm, kịp thời ngăn chặn lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn, góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn do lái xe uống rượu bia, sử dụng chất kích thích gây ra.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Thành Trung, để hạn chế vi phạm TTATGT, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, không chỉ cần sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp vận tải, mà trên hết phải là ý thức tự giác, chấp hành nghiêm túc pháp luật về an toàn giao thông của đội ngũ lái xe.
Cùng với công tác tuyên truyền về thực hiện Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia cần được đẩy mạnh. Trong đó, ngoài lực lượng Công an thì sự vào cuộc của các sở, ngành chức năng, Ban ATGT các cấp là hết sức quan trọng, trong việc tổ chức hoạt động tuyên truyền, ký cam kết thực hiện đến tận cơ sở để nâng cao nhận thức, ý thức và làm thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, tạo chuyển biến xây dựng văn hóa giao thông "đã sử dụng rượu bia, không lái xe".