Nhiều lãnh đạo dính sai phạm vì đất vàng
Gần đây, hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo đã phải hầu tòa và bị truy tố do liên quan đến những sai phạm đất đai, đặc biệt là các dự án tại những vị trí đắc địa.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Protrade) và các đơn vị có liên quan.
Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị truy tố với các bị can: Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch tỉnh Bình Dương; Phạm Văn Cành, cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương; Nguyễn Thanh Trúc, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Trần Xuân Lâm, cựu chánh Thanh tra tỉnh; Võ Văn Lượng, cựu chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương và 15 bị can khác.
Theo điều tra, khu đất 43 ha tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, được UBND tỉnh giao cho Tổng công ty 3/2 quản lý và sử dụng để làm dự án. Năm 2010, tổng công ty liên kết với Công ty Bất động sản Âu Lạc thành lập liên doanh mới là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú để xây dựng dự án trên khu đất 43 ha.
Năm 2017, qua nhiều lần chuyển nhượng lòng vòng, Tổng công ty 3/2 hoàn tất việc thoái vốn, chuyển nhượng quyền sở hữu khu đất. Từ đó, khu đất vốn thuộc quản lý của Tỉnh ủy Bình Dương, rơi vào tay tư nhân.
Trước đó không lâu, hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là ông Nguyễn Chiến Thắng và ông Lê Đức Vinh bị khởi tố, bắt tạm giam cũng vì liên quan sai phạm tại các dự án trên “đất vàng”. Đó là các Dự án tâm linh Cửu Long Sơn và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, thuộc khu vực núi Chín khúc, tỉnh Khánh Hòa. Cả hai ông đều bị bắt về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Mẫu số chung ở sai phạm tại các dự án này là được UBND tỉnh Khánh Hòa "biến tấu" từ đất rừng thành các dự án xây dựng khu đô thị, giao đất ở trên đất rừng trái quy định pháp luật.
Theo các nguồn tin, hai ông Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh với chức trách là chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo thực hiện hai dự án trên, trong đó có chỉ đạo giao đất ở, đất dịch vụ - thương mại trên đất lâm nghiệp, quy hoạch trồng rừng là trái quy định pháp luật về đất đai.
Tháng 4/2021, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương – Vũ Huy Hoàng bị tuyên phạt 11 năm tù. Ông Hoàng được đưa ra xét xử trong vụ án Nhà nước mất quyền kiểm soát khu “đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Tp.HCM, với diện tích hơn 6.000m2. Sau một quá trình chuyển nhượng lòng vòng, khu đất này rơi vào tay Sabeco Pearl, là một doanh nghiệp tư nhân thâu tóm, gây thất thoát số tiền hơn 2.700 tỉ đồng.
Liên quan đến dự án tại 2-4-6 Hai Bà Trưng, cựu Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Hữu Tín cũng vướng vào vòng lao lý khi đã ký quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng khu đất rộng hơn 6.000 m2 tại 2-4-6 Hai Bà Trưng, Q.1 là hơn 997,2 tỷ đồng. Ông Tín còn chỉ đạo Tổ công tác liên ngành gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Q.1 nghiên cứu đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định đối với đề nghị của Sabeco.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Tín ký cũng ban hành chủ trương, quyết định cho thuê đất, bán chỉ định nhà và khấu trừ tiền thuê đất đối với nhà đất số 15 Thi Sách trái quy định.
Đầu năm 2020, hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng – Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến lần lượt lĩnh các mức án 17 năm tù và 9 năm tù do có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, các quy định về quản lý đất đai trong thời gian dài giúp cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng 79, Công ty cổ phần Bắc Nam 79) thu lợi bất chính đặc biệt lớn thông qua việc nhận nhiều đất dự án, mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước.
Những người này đã tạo điều kiện cho đối tượng Vũ trực tiếp được nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà, đất công sản và 6/7 dự án đất trên cơ sở tạo cơ hội cho bị cáo Vũ có quyền quyết định việc chuyển nhượng, khai thác, sử dụng… nhằm trục lợi. Hậu quả, Nhà nước thiệt hại tổng số tiền hơn 22.000 tỷ đồng.
Vô hình chung, "đất vàng" của Nhà nước trở thành miếng bánh béo bở để các đối tượng xâu xé, chia chác.
Tuy nhiên, một phần nguyên nhân khác là do Luật Đất đai 2013 hiện còn có bất cập, kẽ hở để các đối tượng lợi dụng và hưởng lợi bất hợp pháp.
Do vậy, ngày 26/8, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký Quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Trong đó, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo sẽ phải trình Chính phủ trước ngày 10/1/2022. Việc soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng tập trung vào các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; giá đất; tài chính đất đai.
Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nhieu-lanh-dao-dinh-sai-pham-vi-dat-vang-d23638.html