Nhiều lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài về không phát huy được kỹ năng, tay nghề đã học
Sáng 10/6, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.
Thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước
Thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân người lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhưng phải bảo vệ kịp thời, hỗ trợ người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài trong xu thế chuyển dịch lao động quốc tế, lao động di cư và rủi ro phức tạp khó lường (như chiến tranh, suy thoái, kinh tế toàn cầu, dịch bệnh Covid - 19…).
Chiếu theo quan điểm đó, liên quan đến chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Điều 4, dự thảo luật, một số đại biểu chỉ rõ, chính sách còn thiếu tính khả thi, tính trọng tâm, trọng điểm của chính sách chưa cao.
Theo đại biểu Phan Viết Lượng (Đoàn Bình Phước), chính sách bảo vệ người lao động thông qua sự đầu tư, quan tâm của nhà nước, tư vấn về kỹ năng, khuyến khích các đơn vị đưa người Việt Nam ra nước ngoài theo hướng lựa chọn trình độ kỹ thuật cao, lựa chọn thị trường chưa được chú trọng.
"Chúng ta mới quan tâm nhiều đến thị trường truyền thống, nhưng ở những thị trường này, thu nhập của người lao động Việt Nam cũng thấp hơn so với người lao động ở nước khác. Chúng ta rất cần chính sách cụ thể hơn về nâng cao thu nhập cho người lao động, mở rộng tìm kiếm thị trường cho người lao động, bảo vệ người lao động." - Đại biểu Phan Viết Lượng cho biết
Chỉ ra chính sách đối với người lao động khi hết hạn hợp đồng về nước cũng chưa thích đáng, đại biểu Phan Viết Lượng nêu rõ nhiều người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về không phát huy được kỹ năng, tay nghề đã học, phải chuyển sang công việc khác. "Vậy chúng ta có chính sách gì để khuyến khích phát huy kỹ năng, kinh nghiệm của người lao động hậu đi làm việc ở nước ngoài?" - Đại biểu Phan Viết Lượng đặt câu hỏi.
Một số đại biểu cho biết thêm, dự thảo Luật đề cập chưa đúng mức về trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nhiều bất cập, hệ lụy từ việc người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, nhất là sự vụ 39 người Việt Nam thiệt mạng khi đi lao động trái phép trong xe tải ở Anh đã cho thấy lỗ hổng trong quản lý nhà nước từ việc theo dõi, kiểm tra, xử lý nắm thông tin của việc đưa lao động chui ra nước ngoài.
Theo nhiều đại biểu, chúng ta thiếu quy định ràng buộc, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, trách nhiệm của các đơn vị đưa người lao động đi nước ngoài. Nhà nước cần yêu cầu các đơn vị đưa người lao động đi nước ngoài phải công khai, minh bạch thông tin từ khi tiếp cận, lựa chọn, cung ứng lao động, quá trình lao động ở nước ngoài ra sao? Quy định rõ trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với các đơn vị đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức bất hợp pháp.
Không nên mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến cấp xã
Liên quan đến dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, các đại biểu nhất trí chủ trương mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế về phía Việt Nam để phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Cũng có ý kiến không nên mở rộng ký kết thỏa thuận quốc tế vì vấn đề này liên quan đến quyền, nghĩa vụ và chủ quyền quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) đề nghị, Chính phủ cần có báo cáo đánh giá thời gian qua đã có bao nhiêu thỏa thuận quốc tế được ký kết, hiệu quả như thế nào. Tổng kết việc ký thỏa thuận quốc tế theo phân loại từng cấp, bên cạnh đó, cần làm rõ loại hình nào ký thỏa thuận nào, cấp nào ký thế nào, tránh trường hợp ký thỏa thuận quốc tế vượt cấp.
Một số đại biểu cũng cho rằng, nên cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND xã, bởi lẽ các xã biên giới thường có nhu cầu ký kết thỏa thuận quốc tế cao hơn, trong khi đó, hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu và chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định, do đó không phải cơ quan, tổ chức nào cũng được trao quyền ký kết thỏa thuận quốc tế.
Theo đại biểu Đôn Tuấn Phong (Đoàn An Giang), mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế xuống cấp xã cũng tạo thêm thủ tục hành chính, vì chúng ta phải chuyển dự thảo thỏa thuận này để lấy ý kiến cấp huyện, tỉnh, bộ, ngành, Chính phủ xem xét.
Dự thảo Luật cũng chỉ quy định về trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế, các đại biểu cho biết, chúng ta chưa quy định cụ thể về các trường hợp chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế. Các nội dung này đã được quy định tại Pháp lệnh ký kết và thực hiện Thỏa thuận quốc tế năm 2007. Vì vậy, đa số ý kiến đề nghị dự thảo Luật tiếp tục kế thừa quy định có liên quan của Pháp lệnh này, đồng thời bổ sung quy định thỏa thuận quốc tế có thể chấm dứt theo quy định của thỏa thuận quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
Cân nhắc quy định áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng người nghiện ma túy
Thảo luận tại tổ về Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi”. Bởi lẽ, theo Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em nghiện ma túy được xác định là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng.
Do đó, việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ trong trường hợp cần thiết đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy là phù hợp, vì đây không được coi là biện pháp xử lý hành chính, không dẫn đến có “tiền sự” trong lý lịch tư pháp có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tương lai phát triển của trẻ em và người chưa thành niên, phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em theo Luật Trẻ em và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hồng Hà (Đoàn Vĩnh Phúc), đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy thì áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là không phù hợp. Bởi trường giáo dưỡng không phải cơ sở cai nghiện, không có chức năng chữa bệnh, cai nghiện ma túy. “Để các cháu không nghiện nữa, thì nên cân nhắc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại nhà, phường xã”, đại biểu Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh.