Nhiều lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất từ năm 2020 đến nay

Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 về tình hình kinh tế xã hội quý I. Nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất từ 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp...

GDP tăng 5,03%

Về phát triển kinh tế xã hội, theo Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, CPI quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ, tương đối thấp so với cùng kỳ các năm 2018-2021; các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm. Đặc biệt, GDP quý I tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%). Doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường quý I đạt kỷ lục, 60.000 doanh nghiệp, gấp 3 lần cùng kỳ.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp khởi sắc, giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,79%. Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 176,35 tỷ USD (tăng 14,4%); xuất siêu 809 triệu USD. Thu ngân sách quý I đạt 35,5% dự toán, tăng trên 10% so với cùng kỳ.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Các lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm phát triển; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; thị trường lao động phục hồi nhanh, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong Quý I năm 2022 giảm so với quý trước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, còn không ít khó khăn, thách thức. Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro; áp lực lạm phát tăng; giá cả đầu vào tăng, đặc biệt là giá xăng dầu; biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt trái mùa và tình hình tội phạm diễn biến phức tạp (nhất là trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, tội phạm công nghệ cao)...

Xử lý đầu cơ tăng giá bất hợp lý

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tăng cường phân cấp, phân quyền; kiểm tra, giám sát, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đầu cơ tăng giá bất hợp lý, trái quy định.

Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bám sát tình hình diễn biến thế giới và trong nước, thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH. Siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN; tiết giảm tối đa chi thường xuyên. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; gia hạn nộp thuế...

Quyết liệt triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, khắc phục triệt để tình trạng manh mún, dàn trải, kéo dài. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các dự án lớn, trọng điểm quốc gia như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tập trung chỉ đạo quyết liệt hoàn thành các thủ tục, triển khai đầu tư các dự án đường cao tốc, đường vành đai quan trọng, kết nối liên vùng như: đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, các đường cao tốc: Biên Hòa – Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột – Vân Phong, Châu Đốc – Cần Thơ – Trần Đề.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, chủ động có biện pháp tháo gỡ hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, giá cả các mặt hàng chiến lược, đầu vào sản xuất để kịp thời ứng phó, cân đối cung cầu và điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu phù hợp. Đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch thích ứng với an toàn với dịch bệnh trong tình hình mới; bảo đảm an toàn, thuận lợi cho du khách.

ăng cường thực hiện cải cách hành chính, Chiến lược của Quốc gia về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ban, ngành địa phương, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tổng thể, cập nhật phục vụ chỉ đạo, điều hành.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nhieu-linh-vuc-tang-truong-nhanh-nhat-tu-nam-2020-den-nay-d28864.html