Nhiều loài động vật quý hiếm xuất hiện ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray
Thông qua các thiết bị bẫy ảnh, thu âm tự động và nghiên cứu dấu chân, Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Sa Thầy, Kon Tum) đã ghi nhận sự xuất hiện một số loài động vật nguy cấp, quý hiếm.
Ngày 27/5, ông Đào Xuân Thủy, giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Sa Thầy, Kon Tum) cho biết, hai loài động vật quý hiếm được ghi nhận xuất hiện trong thời gian gần đây ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray là bò tót và voọc bạc.
Đối với bò tót, từ âm thanh thu nhận và kết quả nghiên cứu dấu chân, kích thước dấu chân đã có thể khẳng định tồn tại hơn 12 cá thể bò tót quý hiếm ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Đây là loài động vật thường xuyên di chuyển, không ở một chỗ.
"Phía bên ngoài Vườn quốc gia Chư Mon Ray cũng ghi nhận dấu vết sự xuất hiện của bò tót nhưng do không thuộc phạm vi quản lý của chúng tôi, nên chúng tôi không nghiên cứu kỹ về điều đó", ông Thủy nói.
Bò tót còn gọi là con gaur, là động vật thuộc họ trâu, lông màu sẫm và kích thước lớn. Bò tót sinh sống chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á và một số nước khác trên thế giới. Đây là động vật quý hiếm, nằm trong sách đỏ, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi săn bắt, xâm hại bò tót.
Đối với loài động vật voọc bạc, ông Thủy chia sẻ, thông qua máy quay tự động, thiết bị thu âm thanh tự động, chúng tôi ghi nhận sự xuất hiện của voọc bạc. Tuy nhiên, hiện chưa thống kê được số lượng đàn, cá thể là bao nhiêu. Muốn có thống kê tương đối chính xác thì phải làm một cuộc điều tra chuyên về động vật voọc bạc này. Voọc bạc hiện nay được xếp vào loại động vật nguy cấp, quý hiếm, nhóm IB, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Chư Mom Ray, ngoài hai loài động vật quý hiếm như voọc bạc, bò tót, trong Vườn quốc gia Chư Mom Ray còn có 1.001 loài động vật từ thông thường đến quý hiếm, nguy cấp.
Để bảo vệ số lượng động vật này, ngoài bố trí cán bộ, nhân viên tuần tra thường xuyên, Vườn quốc gia Chư Mom Ray còn thiết lập hệ thống camera tự động để giám sát kẻ xấu xâm nhập vào khu vực động vật sinh sống.
"Vấn đề nan giải hiện nay là rất nhiều kẻ xấu thường xuyên đặt bẫy động vật quanh vườn quốc gia hoặc lẻn vào vườn để đặt bẫy. Loại bẫy được các đối tượng sử dụng rất đa dạng như bẫy lưới, bẫy dây để bẫy động vật nhỏ, bẫy cạp bằng sắt dùng bẫy động vật to.
Thông qua tuần tra, kiểm soát, trong năm 2023 lực lượng bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray thu được hơn 16.000 chiếc bẫy động vật. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay đã thu hơn 2.000 chiếc bẫy động vật.
Cùng với việc phá bẫy, thông qua hình ảnh rõ nét ghi nhận được từ camera, chúng tôi đã chuyển thông tin nhiều đối tượng chuyên bẫy động vật quý hiếm cho công an xử lý", ông Đào Xuân Thủy chia sẻ thêm.