Nhiều loài rùa bản địa Việt Nam bị nguy cấp do nạn săn bắt và buôn bán trái phép
Nhận định này được đưa ra tại cuộc tọa đàm 'Chợ rùa trên mạng xã hội và tình trạng loài rùa ở Việt Nam' do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation phối hợp tổ chức diễn ra sáng 14/10, tại Hà Nội.
Việt Nam hiện là nơi cư trú của 31 loài rùa (8,68%) trong tổng số 357 loài rùa hiện còn được ghi nhận trên thế giới, 34,83% trong tổng số 89 loài rùa bản địa châu Á, trong đó có 26 loài rùa cạn, rùa nước ngọt và 5 loài rùa biển.
Trong khi đó, Danh lục Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê 24 loài rùa cạn và rùa nước ngọt cùng 5 loài rùa biển của Việt Nam vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên, 1 loài sắp bị đe dọa và 1 loài chưa được đánh giá.
Theo PanNature, nạn săn bắt và buôn bán trái phép và mất môi trường sống là hai mối đe dọa chính đối với sự tồn tại của các loài rùa. Trong đó, nạn săn bắt và buôn bán trái phép được coi là nguyên nhân chính dẫn tới sự nguy cấp của nhiều loài rùa bản địa của Việt Nam.
Trong hơn 180 loài động vật hoang dã bị các đối tượng vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắt… bất hợp pháp bị bắt giữ, qua phân tích số lượng cá thể động vật hoang dã bị tịch thu, các loài thuộc nhóm rùa bị vi phạm nhiều nhất, chiếm gần 1/3 (8.118/26.221), tổng số cá thể bị tịch thu trong giai đoạn 2013 - 2017.
Đồng thời, các loài rùa cạn và rùa nước ngọt là nhóm mặt hàng bị buôn bán phổ biến thứ hai trên mạng xã hội Facebook, chỉ sau các sản phẩm từ voi trong năm 2015 - 2016.
Tại tọa đàm, ông Hoàng Văn Hà, Chương trình bảo tồn rùa châu Á nhận định, Việt Nam được xem là nơi trung chuyển buôn lậu rùa từ các quốc gia sang Trung Quốc, qua cả đường mòn, đường biển và hàng không. Và hiện có nhiều bằng chứng cho thấy Việt Nam cũng đang là quốc gia tiêu thụ rùa.
Hiện có hai thách thức chính trong bảo vệ rùa, trong đó phải kể tới nạn buôn bán rùa trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và vấn đề gây nuôi sinh sản chưa được quản lý chặt chẽ.
Ông Nguyễn Đức Minh, Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội cho biết, Trung tâm cũng đã cứu hộ hầu hết các loài rùa quý hiếm của Việt Nam. Trong ba năm gần đây, có 22 vụ liên quan đến rùa với 155 cá thể, năm 2022 tính đến nay có 100 cá thể rùa được cứu hộ.
Cùng với việc đánh giá thực trạng các loài rùa, hoạt động của các đối tượng buôn bán rùa hiện nay, các đại biểu dự tọa đàm đã đề xuất các giải pháp ngăn chặn tình trạng buôn bán rùa. Bà Bùi Thị Hà, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), cho rằng các nền tảng mạng xã hội cần có trách nhiệm thanh lọc các thông tin vi phạm, tuy nhiên, để họ làm tốt thì cần hỗ trợ từ người dùng, đặc biệt là cơ quan thực thi pháp luật.
TS. Phạm Thế Cường, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (IEBR) nêu quan điểm, không thể đánh đồng người được phép nuôi và những người nuôi bất hợp pháp. Giải pháp tốt nhất là sự kiểm soát chặt của cơ quan địa phương (giám sát trại nuôi, lượng động vật hàng năm…), tuy nhiên, thực tế hiện nay thì việc kiểm soát, quản lý vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Các đại biểu cũng cho rằng, việc truyền thông, nâng cao nhận thức là quan trọng nhưng cần đặc biệt nhấn mạnh hậu quả nghiêm trọng để răn đe vi phạm. Đặc biệt, phải có hình thức xử phạt thích đáng đối với hành vi buôn bán rùa để răn đe.