Nhiều lợi ích từ vườn mẫu nông thôn mới
Để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang chú trọng vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, áp dụng khoa học - kỹ thuật để xây dựng các vườn mẫu. Đây được xem là giải pháp thiết thực không chỉ tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp mà còn góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Dựa vào bộ tiêu chí xây dựng vườn mẫu NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022 - 2025 của UBND tỉnh, Triệu Phong và Vĩnh Linh là 2 huyện đầu tiên ban hành các quyết định công nhận vườn mẫu NTM. Đến nay, 2 địa phương này đã công nhận 56 vườn mẫu NTM (Vĩnh Linh 49 vườn, Triệu Phong 7 vườn).
Các vườn được công nhận là vườn mẫu NTM đều đáp ứng 5 tiêu chí cơ bản về: diện tích, việc bố trí sắp xếp vườn mẫu; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; sản phẩm từ vườn; môi trường, cảnh quan và thu nhập. Khu vườn của ông Đào Xá, thôn Bích Khê, xã Triệu Long là một ví dụ điển hình. Vườn ông Xá được UBND huyện Triệu Phong công nhận đạt vườn mẫu NTM năm 2023.
Có dịp đến thăm khu vườn này mới thấy ông Xá đã dày công đầu tư và khéo léo bố trí, sắp xếp lại vườn một cách khoa học, hợp lý. Bằng kinh nghiệm sản xuất của mình, ông đã lựa chọn được những loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở vùng đất thấp trũng mang lại giá trị kinh tế cao. Vườn của ông Xá hiện có 600 gốc cau, trong đó có 300 gốc đã cho thu hoạch.
Dưới vườn cau, ông trồng xen ổi, thiên lý, gấc và một số cây rau màu... tổng thu nhập từ mô hình đạt trên 100 triệu đồng/ năm. Theo ông Xá, trước đây, cây cau được trồng quanh nhà nhưng sau này thấy đây là loại cây có khả năng chống chịu ngập úng rất tốt, ngâm nước lũ cả tháng cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều, bên cạnh đó cây cau còn chịu được gió bão nên ông cải tạo vườn, đưa cau trở thành cây trồng chủ lực.
“Trồng cau truyền thống thì cứ để cây phát triển tự nhiên, có buồng nào thì thu hoạch buồng nấy. Tuy nhiên, khác với mọi người là tôi đã tìm hiểu và đầu tư thâm canh. Ngoài làm cỏ tôi còn bón phân, tưới nước thường xuyên. Đặc biệt, thời tiết mùa hè khô hạn, cây cần cung cấp đủ nước và dinh dưỡng mới đảm bảo được năng suất. Vì thế, năm vừa rồi cây cau trên địa bàn tỉnh mất mùa nhưng vườn cau gia đình tôi vẫn đạt năng suất 2 tấn, mang lại thu nhập 90 triệu đồng”, ông Xá chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tố, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong cho biết: “Có rất nhiều lợi ích từ việc xây dựng mô hình vườn mẫu NTM. Tuy nhiên, cái mà chúng tôi thấy hay nhất đó là các mô hình vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông hộ, vừa tạo cảnh quan nông thôn trù phú, sạch, đẹp hơn, đây là tiêu chí quan trọng để các thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu”.
Từ hiệu quả của những khu vườn mẫu đầu tiên, huyện Triệu Phong đang tích cực vận động, khuyến khích người dân quy hoạch, chỉnh trang vườn tạp để tạo mặt bằng xây dựng, phát triển các khu vườn mẫu. Mục tiêu đặt ra của huyện là mỗi năm phấn đấu có 6 - 7 vườn mẫu được công nhận. Để tạo động lực cho người dân, huyện Triệu Phong đang có chính sách hỗ trợ 15 triệu đồng/vườn để người dân đầu tư hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt hay hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng... cho các khu vườn mẫu NTM đạt chuẩn.
Tại xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh việc xây dựng vườn mẫu đã trở thành phong trào rộng khắp, mang lại những hiệu quả tích cực đối với người dân. Khu vườn của ông Dương Văn Thọ, thôn Hương Nam là một trong những khu vườn mẫu điển hình. Vườn của gia đình ông Thọ trước đây trồng đủ các loại cây nhưng không được quy hoạch hợp lý nên thu nhập bấp bênh.
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi do địa phương phát động, vài năm trở lại đây, ông đã đầu tư xây dựng khu vườn kiểu mẫu để tăng thu nhập trong gia đình.
Ông Thọ cho biết, thời gian đầu triển khai, gia đình gặp rất nhiều khó khăn vì vừa thiếu vốn cũng như kinh nghiệm sản xuất nhưng qua tham quan, học hỏi ở một số mô hình và sự tư vấn, giúp đỡ, tạo điều kiện của xã và huyện, ông quyết tâm đầu tư kinh phí để cải tạo, quy hoạch lại vườn, trồng cam theo từng khoảnh, luống và bố trí chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường... Nhờ vậy, thu nhập hàng năm từ khu vườn đã giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định.
Ông Nguyễn Tấn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thạch cho hay, xác định xây dựng vườn mẫu đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng NTM nên địa phương đã chủ động triển khai kế hoạch, hỗ trợ, động viên người dân cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn kiểu mẫu.
Nhờ đó, đến nay toàn xã đã có 22 khu vườn được quy hoạch gọn gàng, trong đó có 13 vườn được UBND huyện công nhận là vườn mẫu NTM trong năm 2022 và 2023. Những mô hình này không chỉ cải thiện cảnh quan mà còn giúp các hộ dân có thêm nguồn thu nhập ổn định từ 80 - 100 triệu đồng/vườn.
Thực tế cho thấy, mô hình vườn mẫu NTM đang phát huy hiệu quả tích cực. Việc xây dựng vườn mẫu góp phần chuyển đổi từ vườn tự cung, tự cấp sang vườn kinh doanh.
Nhiều loại cây trồng mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao đã được người dân đưa vào sản xuất thay thế có các loại cây trồng kém hiệu quả, giúp nông dân từng bước sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, có liên kết trong tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời tạo diện mạo mới cho các làng quê.