Nhiều lưu vực sông ở Nam Trung bộ khó đảm bảo nguồn nước cho vụ Hè Thu

Khu vực Nam Trung bộ khả năng có khoảng 44.000 - 49.000 ha lúa khả năng không đủ nguồn nước tưới, cần điều chỉnh giãn, dừng hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Lòng Hồ Suối Đá, Hàm Thuận Bắc cạn trơ đáy. Ảnh: TTXVN

Lòng Hồ Suối Đá, Hàm Thuận Bắc cạn trơ đáy. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở nhận định tình hình khí tượng thủy văn, nguồn nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở khu vực Nam Trung bộ, khả năng có khoảng 44.000 - 49.000 ha lúa khả năng không đủ nguồn nước tưới, cần điều chỉnh giãn, dừng hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Tổng cục Thủy lợi cho biết, tổng lượng mưa từ tháng 1 đến đầu tháng 5/2020 ở mức phổ biến từ 50 - 100 mm, thấp hơn từ 20 - 90% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Hiện dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi ở mức từ 30 - 40% dung tích thiết kế (thấp hơn từ 15 - 25% so với trung bình nhiều năm, thấp hơn 5 - 10% so với các năm hạn nặng 2015, 2016); trong đó, một số tỉnh có hồ chứa đạt thấp là: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận... Đặc biệt, hiện có 132 hồ chứa nhỏ ở khu vực này đang xuống dưới mức nước chết và cạn nước (Đà Nẵng 3 hồ; Quảng Nam 15 hồ; Quảng Ngãi 1 hồ; Bình Định 88 hồ; Khánh Hòa 5 hồ; Ninh Thuận 14 hồ; Bình Thuận 6 hồ). Từ ngày 19 - 30/5, xuất hiện mưa tiểu mãn với tổng lượng mưa phổ biến từ 50 - 100 mm. Đợt mưa này đã giúp giảm bớt tình trạng hạn hán, thiếu nước hiện tại, tuy nhiên không giúp tăng được dung tích trữ các hồ chứa. Bên cạnh đó, một số hồ chứa thủy điện bổ sung nguồn nước cho vùng Nam Trung Bộ có dung tích trữ rất thấp, như: Ka Nak bổ sung nước cho tỉnh Bình Định đạt 11% dung tích thiết kế; hồ Đơn Dương bổ sung nước cho tỉnh Ninh Thuận đạt 23%; hồ Đại Ninh bổ sung nước cho tỉnh Bình Thuận đạt 5%. Trong vụ Hè Thu, khu vực này có kế hoạch sản xuất lúa trên 160.500 ha, hiện đã gieo cấy trên 75.870 ha (đạt gần 47,3% kế hoạch). Trên cơ sở nhận định tình hình khí tượng thủy văn, nguồn nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, khả năng có khoảng 44.000 - 49.000 ha lúa khả năng không đủ nguồn nước tưới, cần điều chỉnh giãn, dừng hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cụ thể, Quảng Ngãi 2.000 ha (chiếm 6% diện tích gieo trồng), Phú Yên từ 2.000 - 3.000 ha (chiếm từ 8 - 12%), Khánh Hòa 14.000 - 15.000 ha (từ 74 - 79%), Ninh Thuận 10.00 - 11.000 ha (78 - 85%) và Bình Thuận 16.000 - 18.000 ha (35 - 40%)… So sánh với một số năm gần đây, diện tích không đủ nguồn nước tưới năm 2020 ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015, tương đương năm 2016 – những năm bị hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng. Điển hình, lưu vực sông Cái Nha Trang, sông Cái Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa hiện dung tích trữ của các hồ trong vùng trung bình chỉ đạt 30% dung tích thiết kế. Tổng cục Thủy lợi cho rằng, lưu vực này cần tính toán, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc giảm diện tích gieo trồng cho sản xuất vụ Hè Thu cho khoảng 14.000 - 15.000 ha thuộc tất cả các hệ thống thủy lợi vừa và lớn trên địa bàn tỉnh (24 công trình); trong đó, có 13/24 công trình ngừng hẳn cấp nước tưới. Lưu vực sông Cái Phan Rang và vùng phụ cận thuộc tỉnh Ninh Thuận hiện dung tích trữ nước của các hồ chứa trong tỉnh trung bình chỉ đạt 12% dung tích thiết kế. Dự báo nguồn nước sẽ không đảm bảo cấp nước cho sản xuất vụ Hè Thu 2020 như kế hoạch sản xuất hàng năm, cần điều chỉnh kế hoạch sản xuất, ưu tiên nguồn nước hiện có cho cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi. Riêng vùng do hồ chứa thủy điện Đơn Dương cấp nước cần thực hiện kế hoạch điều nước chặt chẽ để bảo đảm gieo trồng theo kế hoạch sản xuất hàng năm. Tổng diện tích lúa cần giãn, dừng hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng lưu vực này khoảng 10.000 - 11.000 ha. Hay lưu vực sông La Ngà-Lũy và vùng phụ cận thuộc tỉnh Bình Thuận, hiện đã có mưa ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, khu vực phía Bắc tỉnh Bình Thuận vẫn chưa có lượng mưa không đáng kể. Tổng dung tích trữ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện nay trung bình chỉ đạt 18% dung tích thiết kế, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 là 21%. Các hồ thủy điện cung cấp nước bổ sung cho tỉnh Bình Thuận gồm hồ Đại Ninh có dung tích hữu ích hiện tại chỉ đạt 5% dung tích thiết kế và hồ Hàm Thuận dung tích hữu ích hiện tại đạt 18% dung tích thiết kế. Với lưu vực trên, Tổng cục Thủy lợi nhận định, nguồn nước sẽ không đủ cung cấp đồng thời cho gieo trồng vụ Hè Thu. Tổng cộng có khoảng 16.000 - 18.000 ha diện tích lúa cần điều chỉnh giãn, dừng hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Các hồ chứa nhỏ hiện đang ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi và tưới cho cây thanh long. Cần điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất tại các vùng tưới sang thời gian giữa tháng 6, khi xuất hiện mưa để đảm bảo đủ nguồn nước cung cấp. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã và tiếp tục tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước. Chẳng hạn như việc xác định và khoanh vùng các diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng hàng năm, tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình nguồn nước, chủ động điều chỉnh thời vụ gieo trồng đối với các khu vực khó khăn về nguồn nước. Bộ cũng thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, tổ chức vận hành, giám sát việc vận hành việc điều tiết nước của các công trình thủy lợi, hồ chứa thủy điện để đảm bảo chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Đối với vùng khả năng bị thiếu nước, các địa phương cần tăng cường tích trữ nước để dành cho sinh hoạt, chăn nuôi, tưới để duy trì sức sống cho cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhieu-luu-vuc-song-o-nam-trung-bo-kho-dam-bao-nguon-nuoc-cho-vu-he-thu/158859.html