Nhiều 'mánh khóe' gian lận trong kinh doanh xăng dầu bị phát giác
Đại diện cơ quan quản lý thị trường chỉ ra nhiều 'mánh khóe' gian lận trong kinh doanh xăng dầu, trong khi các chuyên gia cho rằng vấn nạn buôn bán xăng dầu giả rõ ràng đã và đang tạo ra những thiệt hại rất thật.
Nhiều thủ đoạn gian lận trong kinh doanh xăng dầu
Phát biểu tại tọa đàm “Xăng dầu giả, thiệt hại thật” diễn ra sáng nay (29-11) tại Hà Nội, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết tình trạng sản xuất, mua bán xăng dầu lậu, giả hiện khá phức tạp với nhiều thủ đoạn gian lận tinh vi, hòng gây khó cho công tác thanh, kiểm tra.
Lấy ví dụ về đường dây sản xuất xăng dầu giả của “đại gia” Trịnh Sướng vừa được lực lượng Công an triệt phá, ông Linh nói rằng tác động của những hành vi gian lận rất nguy hiểm, vừa ảnh hưởng môi trường kinh doanh vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và gây thất thoát cho Nhà nước.
Ông Linh thông tin, cơ quan quản lý thị trường năm qua tước 37 giấy phép kinh doanh của những cơ sở có sai phạm, tập trung chủ yếu ở địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ, Trung Bộ và lác đác ở phía Bắc. Những sai phạm điển hình có thể kể đến là hành vi bán xăng dầu nhập lậu, kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận kinh doanh hết hiệu lực hoặc thậm chí không có giấy tờ.
Đáng chú ý, có tình trạng bán xăng dầu không phù hợp với quy chuẩn, tức xăng đã bị pha trộn hoặc làm giả. Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp một số tỉnh, thành để kiểm tra và phát hiện có địa phương 50% mẫu xăng dầu không đạt chất lượng.
Ngoài ra, còn một số cơ sở kinh doanh xăng dầu cố tình treo biển “không bán hàng” trong ngày điều chỉnh giá xăng để… chờ giá tăng rồi mới bán. Một số cơ ở kinh doanh lợi dụng giờ cao điểm để bơm tròn số, tự điều chỉnh giá xăng.
Về quản lý, người đứng đầu Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương nói rằng đây là “công tác khó” do “xăng dầu được nhiều bộ, ngành quản lý”. Hạn chế về cơ sở vật chất, thông tin và cơ chế phối hợp cũng là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên.
Tuy vậy, ông Linh nhấn mạnh công tác xử lý sai phạm đang được tiến hành nghiêm túc. Lực lượng Công an và bộ đội Biên phòng có nhiều chuyên án lớn, khởi tố và bắt giữ nhiều bị can, từ đó triệt phá những đường dây tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất xăng dầu.
Xăng E5 có phải nguyên nhân gây cháy xe?
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, thiết yếu đối với đời sống xã hội, có tác động trực tiếp đến sự phát triển của kinh tế. Tuy nhiên, có thực trạng là từ 2012, tại nhiều địa phương đã xảy ra các vụ phương tiện giao thông “bỗng dưng bốc cháy”. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân gây cháy là do chất lượng xăng dầu bán trên thị trường không đảm bảo. Thậm chí, quy chụp cho xăng sinh học E5 là thủ phạm.
Về vấn đề này, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định xăng E5 hay A92 đạt tiêu chuẩn đều không phải nguyên nhân dẫn đến những sự cố trên. “Nghiên cứu cho thấy có nhiều nguyên nhân gây ra cháy xe, trong đó có nguyên nhân về cơ học, chập điện, cấu tạo xe”, ông Tuấn thông tin.
Tiếp mạch tọa đàm, ông Nguyễn Anh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) nhấn mạnh xăng E5, còn có cách gọi là xăng sinh học, rất an toàn, được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới vì nó "đốt sạch hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn".
Ông Toàn khẳng định xe cháy do nhiều lí do, trong đó có thể có cả nguyên nhân dùng nhiên liệu kém chất lượng do bị làm giả, do không được kiểm soát.
Trước khi xăng E5 được bán toàn quốc (ngày 1-1-2018 – PV) thì xăng E5 đã được kinh doanh tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi... “Chúng tôi chưa nhận được khiếu nại nào của khách hàng về chất lượng xăng E5 ảnh hưởng đến động cơ”, ông Toàn nói.
Về quy trình phân phối xăng dầu của PVOIL, ông Toàn cho biết, khâu tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất là cung cấp về các đại lý. Tập đoàn luôn cam kết đủ tiêu chuẩn mới cho lưu thông ra thị trường. Trước khi bàn giao cho các đại lý, PVOIL lấy mẫu, niêm phong, kiểm tra nhiều lần. Tại các cửa hàng của PVOIL, chất lượng chắc chắn được đảm bảo.
Tại các cửa hàng khác, việc bán xăng, dầu cho người tiêu dùng lại phụ thuộc một phần vào đạo đức kinh doanh. Nếu các đại lý chỉ mua sản phẩm và treo biển hiệu của PVOIL thì PVOIL có thể kiểm soát và chịu trách nhiệm với chất lượng xăng dầu bán ra, nhưng thực tế không phải cửa hàng xăng dầu nào cũng vậy, có cửa hàng nhập xăng dầu của cả PVOIL và các đại lý khác.
Lọc dầu Dung Quất và lọc dầu Nghi Sơn đáp ứng 80% nhu cầu xăng dầu nội
Tại tọa đàm, ông Bùi Minh Tiến, Tổng Giám đốc công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), đơn vị chủ quản Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho biết tình trạng buôn bán xăng dầu giả, dầu lậu gian lận thương mại đang ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chân chính.
Theo ông Tiến, nhà máy Dung Quất hiện sản xuất đưa ra thị trường gần 7 triệu tấn xăng dầu năm 2019, đáp ứng 30% nhu cầu thị trường toàn quốc. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (cũng thuộc PVN) mỗi năm có thể sản xuất 8 triệu tấn, tức hai nhà máy sẽ có tổng sản lượng đến 15 triệu tấn, đáp ứng 80% nhu cầu nội. Các nhà máy trên đều cam kết chất lượng sản phẩm và có hệ thống để đảm bảo được việc này.