Nhiều mặt hàng của Nhật Bản bị làm giả bán tại thị trường Việt Nam
Máy sấy tóc, bình đun nước siêu tốc, ổ cắm điện và nhiều loại đồ gia dụng khác được giới thiệu xuất xứ Nhật Bản đang được bán tại thị trường Việt Nam là hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Tại hội thảo "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam – Nhật Bản" vừa diễn ra, đại diện 6 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản (ASICS, Kikkoman, Kubota, Kokuyo, Daiichi Sankyo Healthcare, Panasonic) đã phản ánh thực trạng hàng giả, hàng xâm phạm SHTT được bán công khai trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam.
Đại diện Công ty Panasonic cho biết, rất nhiều sản phẩm giả mạo thương hiệu này như: máy sấy tóc, bình đun nước siêu tốc, pin, ổ cắm điện… được bán công khai trên mạng xã hội, sàn TMĐT.
“ Việt Nam là thị trường trọng điểm tiêu dùng sản phẩm của Panasonic nhưng cũng là thị trường trọng điểm phải chống hàng giả, bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng, trong đó tập trung vào hàng điện tử, gia dụng”- đại diện công ty Panasonic cho hay.
Theo đại diện Công ty Kobuta- công ty chuyên sản xuất máy móc nông nghiệp, máy móc xây dựng, từ năm 2008, doanh nghiệp này đã mở công ty bán hàng tại Bình Dương, bán chạy nhất là các loại máy nông nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đã ghi nhận nhiều loại máy của Kobuta bị “nhái” thiết kế, thương hiệu. Doanh nghiệp đã phải gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng để can thiệp; Đồng thời, thay đổi mẫu mã.
Đáng chú ý, hiện nay, một số sản phẩm giả mạo được rao bán không chỉ trên các sàn TMĐT lớn của Việt Nam mà còn ở sàn TMĐT của nước ngoài, rất khó để truy ra nguồn gốc, người tiêu dùng khó nhận biết đó là hàng giả.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng phổ biến hơn và hình thức cũng tinh vi hơn. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trong năm 2023, lực lượng QLTT đã thanh tra, kiểm tra xử lý trên 10.000 vụ, xử lý trên 9.000 vụ… hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, hiện các địa bàn nổi cộm về hàng giả đã giảm so với trước đây, nhưng thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả lại tinh vi hơn. Trong khi đó, cơ chế thực thi pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ, sự phối hợp của các cấp, các ngành chưa được chặt chẽ.
Việc kiểm tra, xử lý của lực lượng thực thi gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc nhận biết hàng thật, hàng giả…
Bà Nguyễn Như Quỳnh- Chánh Thanh tra - Bộ KH-CN cũng cho biết, Việt Nam rất nỗ lực thực thi các quy định quốc tế về phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm SHTT. Nhưng thực tế, hàng giả giao dịch trên nền tảng TMĐT đang thách thức việc kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm.
“Số vụ vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm SHTT trên môi trường điện tử tăng rất nhanh. Các hành vi vi phạm rất tinh vi, cơ quan chức năng cũng khó nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả”- đại diện Bộ KH-CN nói.
Để ngăn chặn tình trạng này, các đại biểu cho rằng bên cạnh hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm, cần tăng cường nhận thức cho người dân để phân biệt hàng thật- hàng giả; đồng thời cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành liên quan.