Nhiều mặt hàng xuất khẩu quay đầu tiếp thị trong nước
Thị trường nội địa dù rộng lớn đến mấy cũng không thể thay thế được cho thị trường xuất khẩu. Nhưng đó là con đường thứ hai để doanh nghiệp không bị mắc kẹt khi con đường thứ nhất bị dịch bệnh hoặc các cuộc khủng hoảng tương tự làm khó.
Xoay sở tìm đầu ra
Tháng 3 năm nay, nhiều mặt hàng như thanh long, dưa hấu, thủy sản… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không thể xuất khẩu đã được Bộ Công Thương cùng các nhà bán lẻ trong nước và các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ “giải cứu”. Kết quả đã giải tỏa được lượng lớn hàng hóa tồn đọng, giúp người nông dân tiêu thụ được sản phẩm.
Đến nay, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều thị trường chính của nước ta là Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta giảm.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,5%; giày dép đạt 8,1 tỷ USD, giảm 6,7%; thủy sản đạt 3,6 tỷ USD, giảm 8,3%; rau quả đạt 1,8 tỷ USD giảm 11,4%; hạt tiêu 365 triệu USD giảm 19,9%...
Một cuộc khảo sát mới đây của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính) cho thấy, trên 80% doanh nghiệp được hỏi cho biết doanh thu năm nay sẽ suy giảm mạnh.
Dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp trong nước nhận ra rằng, tập trung quá nhiều vào thị trường xuất khẩu luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Vì thế nhiều doanh nghiệp đang xoay sở để tìm đầu ra cho sản phẩm ở trên thị trường nội địa.
Làm lại từ đầu
Không giống như thanh long, dưa hấu, nhiều mặt hàng khác từ thị trường xuất khẩu quay về nội địa không hề dễ dàng. Đây chính là lúc doanh nghiệp bắt đầu làm lại từ đầu thông qua thay đổi cách tiếp cận thị trường, đầu tư các dòng sản phẩm mới, và nghiên cứu thị trường nắm bắt nhu cầu.
Sau nhiều tháng “chần chừ” chờ dịch bệnh qua đi, đến nay Việt Thắng Jeans buộc phải tái cấu trúc doanh nghiệp. Thậm chí cho một số bộ phận liên quan đến sáng tạo, phát triển khách hàng… làm việc tại nhà để tiết giảm chi phí.
Tắc nghẽn tại thị trường Mỹ và EU, Việt Thắng bắt tay xây dựng thương hiệu và đang nghiên cứu cho ra những mặt hàng mới phù hợp ra thị trường trong nước cả về chất liệu, style lẫn giá bán.
Các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ và nội thất cũng đang thay đổi kế hoạch kinh doanh từ bán hàng, marketing, sản xuất đến tài chính để cân đối giữa xuất khẩu và bán hàng trong nước theo hướng tối ưu nhất về mặt nguồn lực và cơ hội.
Thủy Hải sản Minh Phú là đơn vị thành công trong chiến lược này. Trước đây thị trường chính của Minh Phú là Mỹ và Nhật. Khi dịch bệnh Covid-19 vừa xảy ra, Minh Phú tập trung vào các nước thuộc khu vực Trung Đông và thị trường nội địa.
Đến nay, Minh Phú, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Hạ Long… có khá nhiều dòng sản phẩm trên kệ ở ở các siêu thị lớn có tên tuổi như Vinmart; Coopmart; AEON; BIG C; Lotte; MM Mega Market…
Đối với du lịch, các doanh nghiệp khách sạn và khu nghỉ dưỡng đang làm đủ mọi cách làm để thu hút khách nội địa bao gồm giảm giá, bổ sung dịch vụ, và thay đổi gói sản phẩm để phù hợp hơn với khách hàng nội địa.
Trong đó, giảm giá là cách làm phổ biến với những khách sạn và khu nghỉ dưỡng có nhóm khách hàng nhạy cảm về giá, còn với các khách sạn và khu nghỉ dưỡng hạng sang có nhóm khách hàng ít bị tác động về tài chính từ đại dịch, họ chủ yếu bổ sung các dịch vụ, và thay đổi các sản phẩm để phục vụ cho thị trường nội địa.
Hiển nhiên, thị trường nội địa dù rộng lớn đến mấy cũng không thể thay thế được cho thị trường xuất khẩu. Nhưng đó là con đường thứ hai để doanh nghiệp không bị mắc kẹt khi con đường thứ nhất bị dịch bệnh hoặc các cuộc khủng hoảng tương tự làm khó.