Nhiều mô hình hay trong thực hiện tiêu chí môi trường
Yêu cầu đạt chuẩn tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 lần lượt tăng 4 chỉ tiêu và 7 chỉ tiêu so với quy định xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu của giai đoạn trước. Trước khó khăn, thách thức đặt ra, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực cùng nhân dân xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả về bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần giúp các xã hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, NTM nâng cao.
Yêu cầu đạt chuẩn tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 lần lượt tăng 4 chỉ tiêu và 7 chỉ tiêu so với quy định xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu của giai đoạn trước. Trước khó khăn, thách thức đặt ra, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực cùng nhân dân xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả về bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần giúp các xã hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, NTM nâng cao.
Trong thực hiện tiêu chí môi trường, thách thức không nhỏ đối với hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh là thực hiện các chỉ tiêu mới và khó liên quan đến tỷ lệ thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn; tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt bằng biện pháp phù hợp, hiệu quả…
Để hoàn thành các chỉ tiêu này, các địa phương trong tỉnh xác định rõ, cần phát huy tối đa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hội, đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân triển khai giải pháp bảo vệ môi trường. Trong đó, trọng tâm là xây dựng, nhân rộng các phong trào, mô hình hay về bảo vệ môi trường như: Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; phong trào “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, phong trào thu gom rác thải nhựa; phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ; thu gom, bỏ vỏ thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa trên các xứ đồng... Các phong trào, mô hình đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.
Điển hình như mô hình “Tái chế rác thải nhựa” do Chi hội Phụ nữ thôn Lộc Châu (xã Yên Nam, Duy Tiên) thực hiện chỉ sau hơn 1 tháng triển khai, mô hình đã thu hút được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ và người dân trong thôn. Để mô hình thu hút sự quan tâm của người dân, chi hội phụ nữ thôn đã xây dựng gian hàng “Đổi rác lấy quà” tại nhà văn hóa thôn. Theo đó, mỗi người dân khi mang vỏ chai, lọ nhựa đến đóng góp sẽ được nhận một phần quà như gói bột canh, chai xì dầu, tương ớt, mỳ tôm, phở khô, bánh xà phòng, hộp tăm… Nhận thấy được ý nghĩa của mô hình, các hộ gia đình trong thôn đã dần tự nguyện thực hiện thu gom lại toàn bộ các vỏ chai, lọ nhựa như chai nước, chai đựng dầu ăn, nước rửa bát, nước giặt quần áo… rồi tập trung cắt ghép, tạo hình, làm thành các chậu để trồng hoa. Các chậu hoa nhỏ này được đem treo với mục đích làm đẹp cho các bức tường tại khu vực nhà văn hóa thôn. Chị Phan Thị Huệ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Lộc Châu cho biết: Xã Yên Nam phấn đấu về đích NTM nâng cao năm 2023 và đang gặp khó trong thực hiện tiêu chí môi trường. Cụ thể là chỉ tiêu số 12 của tiêu chí môi trường quy định, tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định trên địa bàn phải đạt từ 90%. Triển khai thực hiện mô hình này, chúng tôi mong muốn sẽ lan tỏa được ý thức, trách nhiệm tới mọi người dân trong toàn xã về việc thu gom, tái chế rác thải nhựa, chung tay bảo vệ môi trường sống; đồng thời góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường để Yên Nam về đích NTM nâng cao theo đúng lộ trình.
Còn tại huyện Lý Nhân, mô hình “Tuyến đường không rác” do Hội LHPN huyện phát động từ tháng 5/2023, đến nay cũng đã được 100% các xã trên địa bàn huyện triển khai thực hiện và bước đầu được ghi nhận là đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Chẳng hạn như tại xã Chính Lý, “Tuyến đường không rác” được Hội Phụ nữ xã xây dựng trên tuyến đường trục xã với chiều dài 1,2 km. Hằng tuần, vào các ngày thứ 7, chủ nhật, hội viên, người dân các thôn 5 và 6 nằm trên trục đường đã tích cực tham gia tổng vệ sinh, quét dọn, nhổ cỏ làm sạch tuyến đường. Chị Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Chính Lý cho biết: Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên không chỉ vào ngày cuối tuần mà tất cả các ngày trong tuần, người dân đi qua “Tuyến đường không rác” này đều tự giác nhặt rác, túi ni lông khi thấy đường bị bẩn, bảo đảm vào mọi lúc, tuyến đường luôn sạch sẽ. Trong thời gian tới, bên cạnh việc nhân rộng mô hình này, Hội Phụ nữ xã cũng sẽ tiếp tục duy trì hiệu quả các mô hình, phong trào khác về bảo vệ môi trường như mô hình tuyến đường hoa; phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ; thu gom phế liệu, phế thải; phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường… Những mô hình này đã góp phần giúp xã Chính Lý hoàn thành đạt chuẩn tiêu chí môi trường và về đích NTM nâng cao năm 2022.
Thông qua việc xây dựng các mô hình hay về bảo vệ môi trường, công tác vệ sinh môi trường tại các địa phương trong tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có trên 98% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (trong đó nước sạch từ nhà máy nước tập trung đạt 87%). Công tác thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở khu vực nông thôn thường xuyên được quan tâm, đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm định kỳ hằng tháng (100% số xã đã thành lập các tổ, đội thu gom rác thải sinh hoạt). Việc trồng bổ sung, chăm sóc hoa, cây xanh ven đường trục xã, trục thôn, trong khuôn viên trụ sở, trường học, khu dân cư, tạo cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp được các địa phương quan tâm duy trì, triển khai đạt kết quả cao. Tại khu vực đồng ruộng, các xã đều bố trí nhiều điểm thu gom, xử lý các loại bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật và thực hiện vận chuyển, xử lý theo đúng quy định.
Có thể khẳng định, việc triển khai xây dựng nhiều mô hình về bảo vệ môi trường không chỉ giúp các xã hoàn thành đạt chuẩn các chỉ tiêu quan trọng trong tiêu chí môi trường mà còn tác động tích cực đến ý thức, hành động của mỗi người dân. Qua đó, người dân chủ động hơn trong việc tham gia các hoạt động, phong trào về bảo vệ môi trường do địa phương phát động để hoàn thành, giữ vững tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.