Nhiều mô hình hiệu quả xóa lối đi tự mở qua đường sắt
Nhiều địa phương tự xây dựng kế hoạch, chủ động nguồn lực trong thực hiện mục tiêu đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt.
Dành ngân sách địa phương
Ghi nhận của PV Báo Giao thông ở khu đường tàu chạy từ phố Trần Nguyên Hãn về phố Cầu Đất (TP Hải Phòng), hai bên đường ray là con đường bê tông xi măng rộng rãi, rất thông thoáng; không còn cảnh rác thải, phế liệu bừa bãi trên hành lang đường sắt hay con nghiện vật vờ như trước đây.
Trao đổi với Báo Giao thông, Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hải Phòng Nguyễn Văn Luyến cho biết, trước đây khu vực này là tụ điểm phức tạp về ma túy và vi phạm ANTT, ATGT đường sắt. Để có được kết quả này, hàng năm thành phố phải dành kinh phí đáng kể từ ngân sách địa phương cho công tác đảm bảo ANTT, ATGT đường sắt.
Theo ông Luyến, từ năm 2015 đến nay, TP Hải Phòng đã thi công hơn 4.100m đường gom bê tông xi măng rộng 3m dọc theo đường sắt để xóa bỏ 40 lối đi tự mở (LĐTM); Cải tạo, nâng cấp hạ tầng và bố trí tình nguyện viên làm nhiệm vụ cảnh giới tại 8 LĐTM. Cùng đó, thi công nâng cấp một đường ngang phòng vệ bằng biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động tại Km95+515, đang chờ cấp phép đi vào sử dụng.
“Hải Phòng đã lên kế hoạch xây dựng hơn 2.700m đường gom đường sắt để xóa 14 LĐTM, bên cạnh đó nâng cấp 4 LĐTM thành đường ngang cảnh báo tự động”, ông Luyến nói và cho biết thêm, năm 2019, Hải Phòng đã chuẩn bị kinh phí khoảng 4-5 tỷ đồng/đường ngang. Tuy nhiên, do còn vướng thủ tục cấp phép thi công nên chưa triển khai được. Nếu được cấp phép, sẽ triển khai ngay trong đầu năm 2020.
Cũng chủ động dùng nguồn ngân sách địa phương, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Văn Hoan chia sẻ, Ban ATGT tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát các điểm, nguy cơ mất ATGT đường sắt trên địa bàn; đề xuất kế hoạch xử lý. Sau đó, HĐND tỉnh sẽ ra nghị quyết, cấp kinh phí từ ngân sách tỉnh.
“Vì vậy, công tác triển khai thực hiện sau này rất thuận lợi, không bị khó khăn, vướng mắc do thiếu vốn. Tuy nhiên, quan trọng là công tác rà soát, lập kế hoạch, bao gồm cả kinh phí phải tốt, bám sát thực tiễn, có ưu tiên để được duyệt cấp kinh phí”, ông Hoan nói và cho hay, với cách làm này, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức cảnh giới 16/17 LĐTM trên địa bàn.
Tìm kiếm nguồn lực xã hội hóa
“
Đến nay, trên các tuyến đường sắt quốc gia đã xóa bỏ được 436 LĐTM. Năm 2017 là năm có số LĐTM được xóa bỏ cao nhất với 177 vị trí, sau đó giảm dần. Năm 2018, xóa bỏ 148 LĐTM; 11 tháng đầu 2019, xóa bỏ 53 LĐTM.
Tình hình này so với 4.038 LĐTM hiện còn tồn tại, nếu không quyết liệt thực hiện và có các giải pháp mang tính đột phá, việc thực hiện mục tiêu theo Nghị định 65 là xóa bỏ hoàn toàn LĐTM vào năm 2025 sẽ rất khó khăn.
Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban ANQP - ATGT Tổng công ty Đường sắt VN
”
Theo quy định của Luật Đường sắt 2017 và Nghị định 65/NĐ-CP, việc quản lý, đảm bảo an toàn và xóa bỏ LĐTM thuộc trách nhiệm của địa phương, có thể thực hiện bằng các giải pháp làm hàng rào, đường gom, cầu vượt, hầm chui hoặc nâng cấp thành đường ngang.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có kinh phí từ ngân sách để triển khai thực hiện nhanh như Hải Phòng, Vĩnh Phúc; hoặc có nhưng do số lượng LĐTM trên địa bàn quá lớn, ngân sách địa phương không thể “gánh” được. Vì vậy, nhiều địa phương đã huy động xã hội hóa theo hình thức đổi dự án lấy đường gom hoặc nhà nước và nhân dân cùng làm.
Điển hình là mô hình xã hội hóa tại huyện Kim Thành, Hải Dương. Ông Nguyễn Phúc Công, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, Phó trưởng Ban ATGT huyện Kim Thành cho biết, huyện cho phép Hợp tác xã Cổ Dũng lập dự án đầu tư khu chợ cạnh đường sắt cùng các điều kiện thuận lợi khác. Đổi lại, hợp tác xã này bỏ kinh phí 12 tỷ đồng làm đường gom dài khoảng 2km cùng hàng rào ngăn đường gom - đường sắt. Với dự án này đã đóng được hàng chục LĐTM qua đường sắt.
Còn tại Đồng Nai, theo ông Nguyễn Bôn, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, cùng với nguồn ngân sách tỉnh, nguồn thu từ xử phạt hành chính vi phạm ATGT cũng là một nguồn vốn để xử lý LĐTM.
Ông Bôn cho biết, mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm đã triển khai hiệu quả tại Đồng Nai, tỉnh bỏ kinh phí để làm hàng rào; huyện bỏ kinh phí làm đường gom như: Thuê máy móc, nhân công, vật liệu; người dân tự nguyện cắt phần đất chồng lấn hành lang ATGT đường sắt để làm đường gom.
“Với cách làm này, Đồng Nai đã rào, xóa bỏ 52/66 LĐTM; hoàn thành hơn 6km đường gom, đồng thời lắp đặt hơn 11,7km hàng rào tôn lượn sóng để xóa bỏ LĐTM và bảo vệ hành lang đường sắt”, ông Bôn thông tin.
Với Nam Định, trước đây là địa bàn nhức nhối về tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt và tràn lan LĐTM, đến nay tình hình đã được cải thiện nhiều. Theo ông Trần Văn Công, Giám đốc Sở GTVT Nam Định, địa phương đã đưa công tác đảm bảo hành lang đường sắt, xóa LĐTM vào kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới của xã, huyện. Như vậy, vừa có nguồn kinh phí, vừa thúc đẩy sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của địa phương.