Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của CCB xã Gia Phù
Phát huy phẩm chất 'Bộ đội Cụ Hồ', hội viên Hội CCB xã Gia Phù (Phù Yên) luôn năng động, cần cù, tích cực, sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Hội CCB xã Gia Phù hiện có 356 hội viên, sinh hoạt tại 11 chi hội. Ông Mùi Văn Lý, Chủ tịch Hội CCB xã, cho biết: Hội thường xuyên cử cán bộ, hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất do Hội CCB huyện tổ chức. Phát động phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; trong các cuộc sinh hoạt, các chi hội tuyên truyền những cách làm hay, sáng tạo trong chăn nuôi, trồng trọt tới hội viên. Vận động hội viên khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương trồng cây ăn quả; gieo cấy các giống lúa BC15, TBR225, giống ngô lai ngắn ngày LVN10, LVN98 có năng suất cao; tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Cùng với đó, Hội CCB xã đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 5,7 tỷ đồng cho 197 hội viên vay phát triển kinh tế. Ngoài ra, còn vận động hội viên gây quỹ hội được gần 300 triệu đồng, cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển sản xuất. Từ sự hỗ trợ của Hội CCB xã, đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi trên địa bàn xã do hội viên CCB làm chủ, mang lại thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Điển hình, như CCB Hoàng Ngọc Tư, Chi hội CCB bản Lìn; CCB Nguyễn Đức Hiệp, Chi hội CCB bản Tân Ba; CCB Đinh Văn Sới, Chi hội CCB bản Nà Khằm... Cùng với đó, Hội duy trì hoạt động hiệu quả HTX Mường Tấc và HTX Tâm Tín, do hội viên CCB quản lý.
Đến thăm mô hình chăn nuôi trâu, bò của CCB Hoàng Ngọc Tư, bản Lìn (xã Gia Phù). Trong câu chuyện với ông Tư, chúng tôi được biết, năm 1984, sau khi hoàn thành nghĩa vụ xuất ngũ trở về địa phương, với bản tính cần cù, chịu khó, đầu năm 2001, ông Tư đầu tư xây dựng chuồng trại hơn 350 m² và mua trâu, bò về nuôi vỗ béo. Để có nguồn thức ăn cho gia súc, ông đã chuyển 3 ha đất trồng lúa, ngô, sắn sang trồng cỏ voi VA06. Hiện gia đình ông có hơn 80 con trâu, bò, trong đó, trên 40 con trâu, bò được nuôi nhốt vỗ béo, số còn lại ông cho các hộ nuôi giẽ vừa tạo giống, vừa giúp các hộ dân có giống nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Ông Tư chia sẻ: Nuôi bò vỗ béo từ 3 tháng trở lên là có thể xuất bán, mỗi năm gia đình tôi bán từ 30 - 40 con trâu, bò, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương, với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Còn CCB Đinh Văn Sới, bản Nà Khằm lại lựa chọn mô hình kinh tế tổng hợp, gồm: Nuôi cá, trâu, bò, trồng rừng, trồng cây ăn quả. Ông Sới cho biết: Trước đây tôi xây dựng chuồng nuôi nhím, nhưng giá bán không ổn định, nên tôi chuyển sang nuôi cá ao, rộng 1 ha, chủ yếu nuôi các loại cá trắm, chép, rô phi đơn tính. Mỗi năm gia đình tôi xuất bán 4 tấn cá, thu hơn 200 triệu đồng. Gia đình tôi còn nuôi 12 con trâu, bò, trồng hơn 200 gốc cây mít thái, 5 ha rừng sản xuất. Tổng thu nhập của gia đình hơn 250 triệu đồng/năm.
Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế đã và đang được Hội CCB xã Gia Phù quan tâm triển khai có hiệu quả. Qua đó, giúp các CCB thoát nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.