Nhiều mô hình mới trong phòng cháy, chữa cháy
Trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân, đồng thời duy trì, phát triển có hiệu quả phong trào toàn dân tham gia PCCC... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân, đồng thời duy trì, phát triển có hiệu quả phong trào toàn dân tham gia PCCC, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh, triển khai hiệu quả nhiệm vụ PCCC-CNCH; qua đó đã kiềm chế, làm giảm số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy, không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản khoảng 7,3 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước giảm 1 vụ, tài sản giảm 28,4 triệu đồng. Điển hình: hồi 13 giờ 20 phút ngày 19-5-2022, lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH nhận được tin báo xảy ra cháy lò nấu kim loại nóng chảy tại Công ty TNHH PimVina, địa chỉ lô E, Khu công nghiệp Mỹ Trung (Mỹ Lộc). Đơn vị đã điều động 1 xe chỉ huy, 3 xe chữa cháy cùng cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đến hiện trường tổ chức chữa cháy. Đến 13 giờ 35 phút cùng ngày, đám cháy đã được khống chế và dập tắt; nguyên nhân do sự cố kỹ thuật thiết bị điện… Trước thực tế số vụ cháy, nổ bước đầu đã được kiềm chế nhưng hỏa hoạn vẫn luôn tiềm ẩn, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an và cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường phối hợp, đẩy mạnh các giải pháp ngăn ngừa. Trong công tác tuyên truyền, lực lượng Công an đã tham mưu, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về tăng cường công tác PCCC. Công an tỉnh đã ban hành 23 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác PCCC-CNCH. Đồng thời tăng cường phối hợp, tuyên truyền, mở các đợt kiểm tra PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; đề xuất UBND tỉnh ban hành Quyết định số 03/QĐ-UBND về quy định bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Cùng với các giải pháp tuyên truyền, huấn luyện, từ đầu tháng 9-2022 đến nay, Công an tỉnh đã chủ động xây dựng 2 mô hình mới gồm tổ liên gia an toàn PCCC tại khu dân cư và mô hình điểm chữa cháy công cộng. Mô hình tổ liên gia an toàn PCCC được thành lập tại các khu dân cư, mỗi tổ có từ 5 đến 15 hộ gia đình liền kề nhau. Mỗi hộ tham gia mô hình đều yêu cầu phải lắp đặt chuông báo cháy tại tầng 1, trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và tối thiểu 1 dụng cụ phá dỡ để kịp thời xử lý tình huống… Khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra, người phát hiện ấn nút chuông báo động cho các hộ gia đình liền kề biết; báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH qua số máy 114 hoặc App Báo cháy 114 và chính quyền, Công an sở tại. Thành viên của các hộ gia đình trong tổ liên gia sử dụng phương tiện chữa cháy, dụng cụ phá dỡ của gia đình mình tham gia chữa cháy, cứu người bị nạn. Tổ trưởng tổ liên gia chỉ huy chữa cháy, cứu người bị nạn, thông báo cho lực lượng dân phòng, Công an các cấp; báo cáo tình hình vụ việc và bàn giao quyền chỉ huy khi lực lượng dân phòng, Công an có mặt. Mô hình điểm chữa cháy công cộng xây dựng tại các ngõ, hẻm sâu từ 50 mét trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được; nơi đó tập trung nhiều nhà ở hộ gia đình hoặc nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Ở các điểm chữa cháy công cộng được bố trí các phương tiện chữa cháy, cứu hộ nhưng không cản trở lối đi lại của người dân và tránh được nắng, mưa hư hại. Khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố, người dân thông tin cho mọi người trong ngõ, hẻm biết; sử dụng phương tiện chữa cháy công cộng để xử lý bước đầu; báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH, chính quyền cơ sở biết nhằm tăng cường giải pháp xử lý tình huống khẩn cấp. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của lực lượng Công an và cấp ủy, chính quyền các địa phương, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 53 mô hình tổ liên gia an toàn PCCC tại khu dân cư và 7 mô hình điểm chữa cháy công cộng. Ông Vũ Chu Đảo, số nhà 108 phố Hai Bà Trưng, là tổ trưởng tổ liên gia an toàn PCCC số 1 thuộc phường Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) cho biết, sau khi thành lập với 10 hộ gia đình tham gia, tổ đã sớm xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng gia đình. Các thành viên cũng thường xuyên phối hợp, tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn PCCC-CNCH; tăng cường các giải pháp an toàn, trang bị thêm các phương án thoát nạn khi có sự cố bất thường xảy ra.
Thượng tá Vũ Quyết Chiến, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (Công an tỉnh) cho biết, với nhiều biện pháp đồng bộ nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương tham gia, thời gian tới những tai nạn, rủi ro do cháy, nổ gây ra sẽ từng bước được kiểm soát, đóng góp tích cực vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Bài và ảnh: Xuân Thu