Nhiều mô hình nông nghiệp có hiệu quả cao ở Vĩnh Giang

Những năm qua, xã Vĩnh Giang (huyện Vĩnh Linh) đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm phát triển nền nông nghiệp theo hướng đa dạng, tính hiệu quả và bền vững cao; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư phát triển đa dạng các mô hình kinh tế mới… Nền nông nghiệp xã Vĩnh Giang hôm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu đạt hiệu quả kinh tế cao; nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực được xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu; giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng lên…

 Một mô hình nuôi thủy sản hiệu quả ở Vĩnh Giang - Ảnh: H.N

Một mô hình nuôi thủy sản hiệu quả ở Vĩnh Giang - Ảnh: H.N

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang Phan Thị Liên cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp được UBND xã Vĩnh Giang xác định đó là thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nhằm phát triển các loại cây trồng, vật nuôi hợp lý, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời hình thành các vùng chuyên canh có liên kết trong các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất cho nông dân; tăng cường hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học công nghệ và đưa các loại giống tốt, giống chất lượng cao vào sản xuất; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng, kết nối mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc liên kết nâng cao chất lượng và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm thế mạnh của địa phương như đậu xanh, nước mắm, gạo đỏ…

Xã Vĩnh Giang chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn của VietGap; hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình nông nghiệp sạch, an toàn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; vận động người dân chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Tổ chức chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện tốt sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đồng hành với nông dân trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện và hướng phát triển của địa phương.

Nền nông nghiệp xã Vĩnh Giang hiện đang có những hướng đi tích cực và hiệu quả, hình thành và phát triển được nhiều loại cây trồng, con nuôi chủ lực; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đưa ra thị trường có giá trị kinh tế cao…Cụ thể, diện tích gieo trồng lúa hằng năm trên 220 ha, cho năng suất, sản lượng cao. Trong đó, xã đã tập trung gieo trồng khoảng 10 ha lúa chiêm ở vùng nước lợ, theo hình canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cho ra sản phẩm gạo bát đỏ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm gạo bát đỏ được thị trường ưa chuộng, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Bên cạnh cây lúa, cây đậu xanh tằm, một loại cây canh tác tự nhiên được xã Vĩnh Giang khuyến khích người dân trồng với diện tích bình quân hằng năm khoảng 40 ha, mang lại nguồn thu nhập cao hơn so với một số loại cây trồng khác.

Từ loại cây trồng cạn được lựa chọn đưa vào thí điểm sản xuất nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đậu xanh tằm đã trở thành sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương. Sản phẩm đậu xanh tằm được Hợp tác xã nông nghiệp Cổ Mỹ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm bằng hạt đậu khô và sản phẩm xay mịn thành bột đậu xanh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Cây lạc cũng được xã Vĩnh Giang tập trung đầu tư phát triển, với diện tích hơn 34 ha. Cây lạc được tổ chức sản xuất theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) và được đánh giá cao vì có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách thức sản xuất truyền thống.

Ngoài ra, với việc sử dụng màng che ni lông có đục lỗ đã góp phần giảm sự bốc hơi nước, giữ được độ ẩm trong đất, giữ phân, hạn chế sự phát triển của cỏ dại, dịch bệnh. Không chỉ cho năng suất, chất lượng cao, thâm canh cây lạc theo mô hình CSA còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu trong quá trình sản xuất. Các loại cây trồng truyền thống khác được người dân xã Vĩnh Giang tập trung đầu tư, như cây ngô với diện tích 8 ha; cây khoai, sắn trồng xen với diện tích 3 ha; diện tích rau các loại 4,5 ha…; các loại cây công nghiệp tiếp tục duy trì và mang lại hiệu quả cao như cây hồ tiêu 106 ha; cây cao su 3 ha. Diện tích cây ăn quả các loại ước khoảng 15 ha, hoa 2 ha, cây chanh leo 2 ha đang trong thời kỳ chăm sóc, phát triển; dưa hấu 5,7 ha… Các loại cây trồng này thời gian qua cho năng suất, sản lượng và giá cả tương đối ổn định, đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân.

Lĩnh vực chăn nuôi được xã Vĩnh Giang quan tâm đầu tư phát triển. Thời gian qua, chính quyền địa phương luôn động viên và hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại gắn với đảm bảo môi trường; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh… Hiện nay, tổng đàn trâu, bò hơn 600 con, đàn lợn 2.090 con, đàn gia cầm 53.000 con. Các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao ven sông Bến Hải; mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng rừng ngập mặn để bảo vệ môi trường và chống xâm nhập mặn được quan tâm. Hằng năm, sản lượng đánh bắt thủy sản ước đạt 89 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ duy trì ổn định 37,1 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm 27,1 ha, năng suất đạt 1,2 tấn/ha, sản lượng 32,5 tấn; nuôi cua, cá nước lợ 10 ha. Diện tích nuôi cá nước ngọt 64 ha, sản lượng ước đạt 64 tấn; diện tích nuôi ngao 7,3 ha; hàng chục héc ta nuôi cá chình, cá leo, cá trắm… mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang Lê Vỹ cho biết, để tiếp tục nâng cao hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp, giúp người dân từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, xã Vĩnh Giang tập trung đầu tư áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn trên cơ sở khai thác lợi thế cây trồng của địa phương như lúa, đậu xanh, lạc… ; hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình nông nghiệp an toàn, cung cấp các sản phẩm chất lượng; đồng thời tích cực xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và quảng bá các sản phẩm thế mạnh của xã bằng nhiều hình thức; kết nối thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm có thế mạnh. Từ đó, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, từng bước làm thay đổi nền nông nghiệp truyền thống. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như đậu xanh, lạc, gạo đỏ… đã được quảng bá rộng rãi trên thị trường, tạo dựng được uy tín, thương hiệu về chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, sản phẩm đậu xanh Vĩnh Giang và nước mắm Khiêm Trọng đạt chuẩn OCOP cấp huyện, sản phẩm nước mắm Khiêm Trọng đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Xã Vĩnh Giang đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký sở hữu tập thể đối với sản phẩm gạo bát đỏ Vĩnh Giang trình cấp trên xem xét; đồng thời tiếp tục xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm khác như dưa hấu, lạc…, cũng như thực hiện nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả áp dụng công nghệ cao, nhằm mang đến nhiều cơ hội mới cho phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững và hiệu quả cao.

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=156133&title=nhieu-mo-hinh-nong-nghiep-co-hieu-qua-cao-o-vinh-giang