Nhiều mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả
Sau 3 năm triển khai thực hiện, Đề án 'Xây dựng vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) 2.000ha trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020' bước đầu đạt kết quả khả quan. Các mô hình trong đề án được thực hiện cho thấy kết quả khá tốt, lợi nhuận cao hơn so với trước, tạo sức lan tỏa và được sự ủng hộ của người dân.
Đạt hiệu quả
Vùng sản xuất rau ƯDCNC 2.000ha của tỉnh nằm trong vùng quy hoạch rau theo Quyết định số 360/QĐ-UBND, ngày 21/01/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng rau an toàn đến năm 2020 gồm 23 xã thuộc 3 huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An. Theo Phó Trưởng phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản) - Đoàn Phương Nga, sau khi triển khai Đề án “Xây dựng vùng sản xuất rau ƯDCNC 2.000ha trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020”, nông dân tham gia và sản xuất đạt hiệu quả cao, tự đầu tư xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch, sử dụng phân hữu cơ thay thế dần phân hóa học,... Việc sử dụng phân hữu cơ sinh học, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng giúp cây rau phát triển tốt hơn, ít sâu, bệnh hơn, giảm được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động..., năng suất tăng 5-20%, lợi nhuận cao hơn từ 2-5 triệu đồng/1.000m2 so với cách trồng theo phương pháp truyền thống.
Hợp tác xã (HTX) Rau củ quả Khánh Hậu (TP.Tân An) triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau ƯDCNC với diện tích 10.000m2/3 hộ nông dân, tổng số tiền hỗ trợ trên 32 triệu đồng. Anh Phan Hoài Nam (thành viên HTX Rau củ quả Khánh Hậu) chia sẻ: “Tôi tham gia mô hình 3.000m2, được hỗ trợ 50% chi phí cây giống cà chua, 50% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Do vụ rồi không phải là chính vụ đối với cà chua và điều kiện thời tiết không thuận lợi nên gia đình tôi có lợi nhuận không cao, chỉ đạt 11 triệu đồng/1.000m2, nhưng vẫn cao hơn so với sản xuất theo kiểu truyền thống từ 1-2 triệu đồng/1.000m2”.
Giám đốc HTX Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc) - Đặng Duy Dũng cho biết: “Thời gian qua, thành viên HTX tham gia mô hình sản xuất rau ƯDCNC như trồng dưa hấu, tía tô từ cây con vườn ươm,... Tham gia mô hình, thành viên không những được áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mà còn tăng lợi nhuận. Trung bình 1.000m2, lợi nhuận tăng từ 2-3 triệu đồng”. Ông Đoàn Văn Út (thành viên HTX Phước Thịnh) chia sẻ: “Tôi tham gia mô hình trồng dưa hấu từ cây con vườn ươm với diện tích 5.000m2 và được hỗ trợ 50% chi phí cây giống, 50% chi phí vật tư. Kết quả thực hiện mô hình cho thấy, giá thành cây con dưa hấu từ vườn ươm là 2.098 đồng/cây. Giá thành cây con nông dân tự gieo là 1.803 đồng/cây. Tổng chi phí sản xuất trung bình ở ruộng mô hình từ 11,58-11,75 triệu đồng/1.000m2. Giá bán trung bình 11.000 đồng/kg. Năng suất của ruộng mô hình từ 3.000-3.050kg/1.000m2, cao hơn đối chứng 200-250kg/1.000m2. Tổng thu từ 33-33,55 triệu đồng/1.000m2, cao hơn đối chứng 2,2-2,25 triệu đồng/1.000m2”.
Còn anh Đặng Phước Tuy (thành viên HTX Phước Thịnh) vui mừng nói: “Tôi tham gia mô hình trồng tía tô từ cây con vườn ươm với diện tích 3.000m2, được hỗ trợ 100% chi phí cây giống và 30% chi phí vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). Kết quả cho thấy, giá cây con vườn ươm là 60 đồng/cây (tương đương 5.000 đồng/khay, 84 cây/khay), giá cây con nông dân tự gieo là 38 đồng/cây nên chi phí cây con giống ở ruộng mô hình là 3,3 triệu đồng/1.000m2, cao hơn chi phí nông dân tự gieo là 1,11 triệu đồng/1.000m2. Tuy nhiên, chi phí công lao động (tưới nước, bón phân, phun thuốc, chăm sóc,...) ở ruộng mô hình thấp hơn đối chứng 1,12 triệu đồng/1.000m2 do trồng cây con từ vườn ươm ít tốn công lao động hơn và bộ rễ cây không bị ảnh hưởng nên cây không bị mất sức, vì vậy ít tốn công chăm sóc, tưới nước hơn (giảm 2 lần tưới/ngày so với đối chứng). Tổng chi phí sản xuất ở ruộng mô hình từ 7,39-7,41 triệu đồng/1.000m2 và ruộng đối chứng là 7,44 triệu đồng/1.000m2. Năng suất ở ruộng mô hình từ 1.065-1.078kg/1.000m2, cao hơn đối chứng từ 37-50kg/1.000m2. Tổng thu của ruộng mô hình từ 13,85-14,01 đồng/1.000m2; lợi nhuận của ruộng mô hình cao hơn đối chứng từ 508.000-704.000 đồng/1.000m2”.
Đẩy nhanh tiến độ đề án
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện đánh giá: “Công tác triển khai thực hiện các mô hình được đa số người dân tham gia, đóng góp, chia sẻ ý kiến để quá trình thực hiện được thuận lợi. Người dân đã nhận thức ƯDCNC trong sản xuất rau để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và cải thiện đời sống. Với mô hình rau, sau khi thống nhất với địa phương về các điều khoản hỗ trợ, địa điểm thực hiện, người dân đã chủ động tự đầu tư trước mô hình. Các thành viên được phân công tham gia thực hiện các nội dung của Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC có tinh thần trách nhiệm cao, chủ động tham mưu, đề xuất và báo cáo kịp thời các khó khăn để tổ trưởng nắm bắt, chỉ đạo, điều hành. Để hoàn thành mục tiêu đề án, thời gian tới, ngành sẽ cùng các địa phương tăng cường tổ chức hội thảo tuyên truyền, kết hợp hướng dẫn tham quan và tập huấn để người dân chứng kiến các mô hình hiệu quả thực tế, tin tưởng tham gia áp dụng sản xuất ƯDCNC. Ngành cũng có kiến nghị, đề xuất tỉnh xem xét, hỗ trợ: Đầu tư đồng bộ 100% chi phí cho mô hình trình diễn (giống, phân, thuốc, hệ thống tưới) thì sẽ dễ đánh giá hiệu quả và thực hiện hơn so với việc chỉ hỗ trợ 30% hoặc 50% chi phí để xây dựng mô hình trình diễn; đối với trạm bơm điện do ngành điện khó khăn về nguồn vốn, cấp tỉnh có chính sách, cơ chế ưu tiên cho ngành điện tạm ứng trước vốn để triển khai thực hiện; hỗ trợ sản xuất cây con giống trong năm đầu tiên sẽ hỗ trợ sản xuất một số cây con giống có giá trị như ớt, cà chua ghép, dưa hấu, một số rau ăn lá khác (mùa mưa), sản phẩm được cấp cho các hộ nông dân trong vùng trồng thử, nhằm tập cho nông dân thay đổi tập quán trong sản xuất cũng như thấy được lợi ích của việc trồng cây con trong vườn ươm, từ đó tạo tiền đề cho HTX phát huy vai trò của vườn ươm; xây dựng mô hình vườn ươm là mô hình mới, vốn đầu tư rất cao, chưa tính chi phí vật tư và công lao động phục vụ sản xuất nên việc thu hồi vốn dài. Để khuyến khích nông dân ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới cũng như cung cấp cho thị trường cây giống sạch bệnh, chủ động trong sản xuất, hạn chế rủi ro do biến đổi khí hậu, tăng số vụ sản xuất trong năm thì cần tiếp tục hỗ trợ HTX xây dựng các mô hình trồng cây con từ vườn ươm trong thời gian tới”./.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.300ha rau ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đạt 65% kế hoạch (2.000ha), trong đó, 100% diện tích sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học,... Tổ Đề án tỉnh triển khai được 22,4ha sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, gồm 28 mô hình điểm. Các huyện tổ chức thực hiện 30 mô hình điểm với diện tích 15ha, diện tích nhân rộng 1.262,6ha.