Nhiều mô hình sáng tạo trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ tại Thừa Thiên Huế

Với nhiều cách làm hay, sáng tạo của lực lượng Công an cơ sở tại tỉnh Thừa Thiên Huế nên phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống tội phạm đã được duy trì, nhân rộng và hoạt động hiệu quả, góp phần giữ vững ANTT địa bàn.

Hơn 7 năm về trước, xã Hồng Vân là địa phương đầu tiên ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện mô hình "Dòng họ Hồ tự quản về ANTT" tại thôn Ka Cú 1. Ban đầu, mô hình này có 56 hộ gia đình mang họ Hồ thuộc đồng bào dân tộc Pa Cô tham gia thì đến nay đã có thêm hàng chục hộ dân tình nguyện đăng ký tham gia vào mô hình này. Để duy trì và giúp mô hình hoạt động hiệu quả, các thành viên tham gia vào mô hình đã đóng góp ý kiến để xây dựng nội dung quy định gồm 4 chương, 13 điều khoản. Trong đó, các quy định như "nói không với ma túy", "không trộm cắp tài sản", "không vi phạm pháp luật"… đã được các già làng, người cao tuổi và thành viên trong dòng họ Hồ ở thôn Ka Cú 1 nhắc nhở con cháu tránh xa, không vi phạm để góp phần đảm bảo ANTT địa bàn.

Lực lượng Công an xã tích cực tuyên truyền, xây dựng các mô hình tự quản về an ninh trật tự trong nhân dân.

Lực lượng Công an xã tích cực tuyên truyền, xây dựng các mô hình tự quản về an ninh trật tự trong nhân dân.

Ông Hồ Văn Thế ở thôn Ka Cú 1, chia sẻ, các thành viên trong mô hình "Dòng họ Hồ tự quản về ANTT" đã tích cực phối hợp với lực lượng Công an xã Hồng Vân và các ban ngành, đoàn thể ở địa phương để cùng tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư. Đặc biệt mô hình còn tích cực cùng địa phương thực hiện tốt các tiêu chí trong quy ước xây dựng thôn văn hóa, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ông Hồ Mạnh Giang, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân khẳng định, chính nhờ nỗ lực tuyên truyền, vận động của lực lượng Công an xã nên ngày càng có nhiều hộ gia đình thuộc họ Hồ ở địa bàn thôn Ka Cú 1 tham gia vào mô hình "Dòng họ Hồ tự quản về ANTT". Người dân đã cùng nhau thực hiện tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế và hiện mô hình này đang được địa phương nhân rộng ra các thôn ở xã Hồng Vân.

Tại địa bàn xã Hồng Kim, huyện A Lưới, trong thời gian qua, nhờ sự nỗ lực bám cơ sở, gần dân và thực hiện tốt công tác tuyên truyền của lực lượng Công an xã nên tại địa phương này cũng đã xây dựng, duy trì được một số mô hình hay trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Trong đó "Dòng họ tự quản về ANTT" được đánh giá là mô hình hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực. Thiếu tá Hồ Thị Kim Anh, Phó trưởng Công an xã Hồng Kim cho biết, nhờ các cán bộ, chiến sĩ Công an xã hiểu được tiếng của đồng bào dân tộc Pa Cô nên đã nắm bắt và hiểu rõ phong tục tập quán của người dân địa phương. Cùng với thực hiện phương châm 4 cùng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số", các cán bộ Công an xã Hồng Kim đã tuyên truyền, vận động nhiều người dân sinh sống tại địa phương tham gia vào mô hình "Dòng họ tự quản về ANTT" và các mô hình tự phòng, tự quản ở thôn bản.

"Thông qua các mô hình này, những vấn đề phát sinh ở cơ sở từ những vụ việc gia đình mâu thuẫn, tranh chấp, thanh niên rượu chè gây rối trật tự hoặc không chấp hành quy định Luật Giao thông đường bộ khi điều khiển xe gắn máy đã được người dân, lực lượng Công an xã giải quyết ổn thỏa, không để phát sinh vụ việc phức tạp, từ đó tình hình ANTT ở địa bàn xã được giữ vững", Thiếu tá Hồ Thị Kim Anh thông tin thêm.

Ngoài các mô hình kể trên, trong 5 năm qua (từ năm 2019 đến 2024), Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực phối hợp với các đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh xây dựng 108 loại mô hình, hoạt động ở 969 địa bàn khu dân cư, xã phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục. Trong đó có nhiều mô hình điển hình hoạt động đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống tội phạm, góp phần đảm bảo ANTT ở cơ sở, điển hình như: "Dòng họ tự quản về ANTT"; "Liên kết các dòng họ phòng chống ma túy" tại huyện A Lưới; "Camera an ninh" tại TP Huế; "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy" và "Điểm chữa cháy công cộng", "Cùng em tiến bộ" tại huyện Phú Vang; "Trường học không học sinh vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và trật tự an toàn giao thông" tại huyện Phong Điền; "Đơn vị an toàn về ANTT" tại ga Huế.

Đại tá Hồ Xuân Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, thời gian qua, lực lượng Công an đã phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của đơn vị, địa phương. Các mô hình tiếp tục được củng cố, duy trì hoạt động có tính xã hội hóa cao theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải tại cơ sở. Qua đó đã phát huy được vai trò của người dân trong phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Quá trình thực hiện các mô hình đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo và đã có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được Bộ Công an, Công an tỉnh và chính quyền địa phương tuyên dương, khen thưởng.

"Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình hay trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương nhằm góp phần đảm bảo ANTT, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà", Đại tá Hồ Xuân Phương khẳng định.

Anh Khoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nhieu-mo-hinh-sang-tao-trong-phong-trao-toan-dan-bao-ve-antq-tai-thua-thien-hue-i746377/