Nhiều mối nguy hiểm trong cơn bão số 7, áp thấp nhiệt đới mới lại xuất hiện

Bão số 7 sau khi đi qua đảo Bạch Long Vĩ đã bắt đầu suy yếu ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An.

Sơ đồ đường đi của bão số 7 và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hình thành gần biển Đông. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Sơ đồ đường đi của bão số 7 và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hình thành gần biển Đông. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Bên cạnh đó, cơn áp thấp nhiệt đới mới lại xuất hiện gần biển Đông và có khả năng mạnh thêm thành bão. Mưa lớn, lũ đã và đang diễn ra phức tạp tại khu vực Trung Bộ, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia làm rõ hơn về các hình thái thời tiết này.

Xin ông cho biết, chi tiết tình hình bão số 7 và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông?

Bão số 7 sau khi đi qua đảo Bạch Long Vĩ đã bắt đầu suy yếu. Hồi 8 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.

Dự báo, từ 8 giờ ngày 14/10 đến 14 giờ ngày 14/10, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Từ 14 giờ ngày 14/10 đến 20 giờ ngày 14/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và đi vào đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An.

Đến 20 giờ ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 60km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 50 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Bão số 7 có nhiều mối nguy hiểm có gió rất mạnh, cấp 8-9, giật cấp 11. Cấp gió này rất nguy hiểm đối với tàu, thuyền, nhất là các tàu nhỏ. Tiếp đến là những tác động đến đất liền. Từ sáng sớm 14/10, vùng ven biển của Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Riêng ven biển từ Nam Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Gió mạnh nhất là thời điểm từ sáng 14/10 đến khoảng chiều. Các địa phương cần phải đề phòng các hiện tượng lốc xoáy, gió giật mạnh trước khi bão vào và mưa sẽ tăng lên từ trưa 14/10 và có thể kéo dài đến 16/10.

Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV Mai Văn Khiêm báo cáo về tình hình của bão số 7 và áp thấp nhiệt đới đang hình thành ngoài biển Đông. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV Mai Văn Khiêm báo cáo về tình hình của bão số 7 và áp thấp nhiệt đới đang hình thành ngoài biển Đông. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Bão số 7 bắt đầu suy yếu, một cơn áp thấp nhiệt đới mới lại xuất hiện gần biển Đông và có khả năng mạnh thêm thành bão. Hồi 7 giờ ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 124,2 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực miền Trung Phi-líp-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo, từ 7 giờ ngày 14/10 đến 7 giờ ngày 15/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 330km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Thực tế trong 10 ngày trở lại đây, liên tiếp xảy ra các cơn áp thấp nhiệt đới và mạnh lên thành bão, khu vực Trung Bộ mưa lớn và lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Ông đánh giá thế nào về những nguy hiểm của các hình thái thời tiết?

Gần đây nhất, chiều 10/10, một áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 6 ảnh hưởng đến khu vực Quảng Nam - Bình Định.

Do ảnh hưởng bão số 6 kết hợp với gió mùa Đông Bắc, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 3,0-5,0m; biển động rất mạnh. Bão kết hợp với gió mùa Đông Bắc, địa hình chắn gió của khu vực Trung Bộ đã gây ra một đợt mưa rất to cho khu vực Trung Bộ, diễn biến mưa lũ khu vực Trung Bộ vẫn còn phức tạp và nguy cơ cao lũ, ngập lụt, sạt lở đất vẫn tiếp diễn.

Bên cạnh đó, bão số 7 đang tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Ngoài mối nguy hiểm đối với tàu, thuyền và gió mạnh đối với khu vực đất liền ven biển từ Nam Định đến Nghệ An và đề phòng các hiện tượng lốc xoáy, gió giật mạnh, vùng mưa to nhất là đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, phía Nam của Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An. Lượng mưa từ 200-350mm, cục bộ có nơi cao hơn. Các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150mm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia khuyến cáo về các nguy cơ ngập úng ở đồng bằng, lũ quét, sạt lở đất trên vùng núi và các công trình hồ chứa đã đầy nước cần chú ý ứng phó để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, cần lưu ý lũ thượng nguồn sông Mã, sông Bưởi, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố có thể lên mức báo động 2 - báo động 3.

Đặc biệt, ngày 14/10, thời tiết sẽ cảm nhận lạnh hơn, thậm chí là rét do mưa trên nền nhiệt thấp. Vì vậy, người dân cần lưu ý mặc ấm, đặc biệt là trẻ em khi ra đường.

Đối với các địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi - vùng đang bị thiệt hại do mưa lũ kéo dài những ngày qua, hoàn lưu bão số 7 không gây mưa cho khu vực này. Từ ngày 14/10, mưa sẽ giảm, lũ các sông xuống dần. Tuy nhiên, áp thấp nhiệt đới gần biển Đông khả năng sẽ đi vào biển Đông ngày 15/10 và có thể mạnh lên thành bão, tiếp tục hướng về miền Trung. Nếu kịch bản này xảy ra, cần lưu ý gió mạnh nguy hiểm vùng giữa biển Đông đối với hoạt động của tàu thuyền, đồng thời gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ vào các ngày cuối tuần và có thể gây ra đợt lũ mới. Các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới cần lưu ý chuẩn bị các phương án phòng, tránh và ứng phó.

Trân trọng cảm ơn ông!

HL (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nhieu-moi-nguy-hiem-trong-con-bao-so-7-ap-thap-nhiet-doi-moi-lai-xuat-hien-20201014105836895.htm