Nhiều năm ăn tết xa quê, GV vùng cao, vùng biên giới vẫn bám bản, yêu trường

Tết là dịp mỗi gia đình sum vầy, tuy nhiên, nhiều GV vùng cao, biên giới đã gạt đi những mong ước đời thường để vui xuân cùng học sinh và bà con dân bản.

Với giáo viên vùng cao, vùng biên giới, khó khăn là chuyện thường ngày, nhưng vì tình yêu với nghề họ đã chọn và chấp nhận tất cả. Chưa kể, nhiều thầy cô đã ăn Tết xa nhà cả nghìn cây số, dần làm quen với văn hóa, phong tục đón Tết ở nơi công tác.

10 năm chưa về quê ăn Tết vì điều kiện kinh tế chưa cho phép

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lộc Văn Vệ - Giáo viên dạy thể dục, tổng phụ trách Đội tại Trường Tiểu học Đắk Á (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) cho hay, kể từ ngày nhận công tác về trường, thầy chưa 1 lần về quê ăn Tết, tính đến nay đã khoảng 10 năm.

Thầy Vệ chia sẻ, thầy sinh ra trong một gia đình khó khăn tại xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Nhà có 4 anh em, bố mất sớm, gia đình chủ yếu làm ruộng, một mình mẹ phải nuôi 4 anh em học hết lớp 12. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, các anh chị sau khi học xong phải đi làm công nhân. Còn thầy nỗ lực thi đỗ vào hệ cao đẳng ngành Sư phạm Thể dục thể thao của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên).

 Thầy Lộc Văn Vệ - Giáo viên dạy thể dục, tổng phụ trách Đội tại Trường Tiểu học Đắk Á (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). (Ảnh: NVCC)

Thầy Lộc Văn Vệ - Giáo viên dạy thể dục, tổng phụ trách Đội tại Trường Tiểu học Đắk Á (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). (Ảnh: NVCC)

“Tháng 2/2014, tôi nhận quyết định vào công tác tại Trường Tiểu học Đắk Á. Đây một ngôi trường đặc biệt khó khăn vùng biên giới, nơi hơn 80% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi lập gia đình ở Bình Phước, gia đình tôi chưa về Tuyên Quang ăn Tết năm nào, chủ yếu là về vào dịp hè để các cháu có nhiều thời gian thăm bà, các bác và họ hàng.

Đối với một người con lập nghiệp xa quê gần 1800 km, mỗi cái Tết trôi qua là nỗi nhớ da diết của tôi về người mẹ tần tảo, về người anh, người chị ruột vẫn đang sinh sống ở ngoài Bắc.

Tôi nhớ như in, những năm đầu mới vào Bình Phước lập nghiệp, tôi đã đón Tết một mình trong căn phòng trọ chật hẹp. Khi ấy, lương của giáo viên mới ra trường rất thấp, không đủ để đặt vé máy bay hay đi xe đò về quê. Thời gian thấm thoát trôi, tôi cũng đã lập gia đình và nhà vợ cũng sống ở Bình Phước nên tôi coi đây như quê hương thứ 2 của mình”, thầy Vệ tâm sự.

Chia sẻ lý do không về quê ăn Tết, thầy Vệ cho biết, thời gian di chuyển từ Bình Phước về Tuyên Quang rất lâu, mất khoảng 2 ngày 1 đêm mới về đến quê nếu đi bằng phương tiện ô tô. Chi phí để trả cho mỗi chuyến về quê khoảng hơn 1 triệu đồng/ người/ lượt, trong khi đó, gia đình gồm có 4 người (2 người lớn, 2 trẻ con). Nếu tính cả lượt đi và lượt về thì chi phí dành cho việc di chuyển đã rơi vào gần 10 triệu đồng, chưa gồm các chi phí phát sinh.

“Chưa kể dịp Tết, vé xe thường cao hơn so với trong năm. Ngay cả trong đợt hè, gia đình tôi thường xuyên phải chuyển xe liên tục vì các tuyến đường không có chuyến liền mạch về thẳng nhà. Do đó, chỉ riêng việc lên kế hoạch về quê cũng đã khiến tôi cân nhắc rất nhiều, nhất là khi gia đình có con nhỏ.

Trong khi đó, tiền thưởng Tết của giáo viên cũng chẳng thấm là bao so với tiền xe về quê ăn Tết. Chưa kể, ngoài tiền xe cộ đi lại, ngày Tết còn nhiều chi phí khác. Do vậy, dù rất nhớ quê hương nhưng vì hoàn cảnh, gia đình tôi luôn cố gắng tiết kiệm để nuôi 2 con nhỏ ăn học. May mắn, các anh chị ruột vẫn ở gần để tiện chăm sóc mẹ khi ốm đau, bệnh tật nên tôi cũng yên tâm phần nào”, thầy Vệ bộc bạch.

 Học sinh vùng biên giới đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử Chính phủ)

Học sinh vùng biên giới đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử Chính phủ)

Theo nam giáo viên, không khí Tết ở ngoài Bắc và trong Bình Phước có sự khác biệt. Ở miền Bắc, người dân vẫn giữ nét truyền thống như gói bánh chưng, đi chùa đầu năm hay chúc Tết nội, ngoại, hàng xóm láng giềng. Thậm chí, sau khi chúc Tết, gia chủ thường mời khách ở lại dùng bữa rồi mới về, do đó, tình cảm giữa con người và con người rất gần gũi và khăng khít. Trong khi đó, theo văn hóa của người miền Nam nói chung, người dân thường có xu hướng đi du lịch trong dịp Tết và cũng không văn hóa ở lại dùng bữa sau khi chúc Tết.

Vượt qua nỗi nhớ nhà, thầy giáo vẫn kiên định bám bản, bám trường

Đã có hơn 5 năm công tác xa quê hương, thầy Hoàng Văn Quỳnh - Giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hà Lang (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ, dù không phải năm nào cũng về quê Cao Bằng để ăn Tết vì chưa có nhiều điều kiện, nhưng may mắn đón Tết ở quê vợ đã giúp thầy vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà.

 Thầy Hoàng Văn Quỳnh - Giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hà Lang (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang). (Ảnh: NVCC)

Thầy Hoàng Văn Quỳnh - Giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hà Lang (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang). (Ảnh: NVCC)

“Tôi sinh ra tại một vùng quê nghèo khó của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng - nơi tiếp giáp với biên giới Trung Quốc. Bố mẹ tôi làm nông nên quanh năm vất vả với ruộng đồng, chăn nuôi gia súc. Bố tôi một người nông dân chất phác, do bệnh teo cơ nên mất khả năng lao động, mọi công việc nặng nhọc đặt lên đôi vai gầy của mẹ. Chính vì được sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, tôi luôn ý thức bản thân phải thật cố gắng, ngoài giờ đi học tranh thủ phụ giúp gia đình. Ngay từ nhỏ khi còn độ tuổi cắp sách đến trường, ngày ngày được nhìn các thầy cô đứng trên bục giảng, được nghe các thầy cô giảng bài, tôi đã ao ước mình trở thành một nhà giáo.

Năm 2019, tôi chính thức được phân công đến huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, cách xa quê hương hơn 300 km và đã công tác cho đến nay”, thầy Quỳnh cho biết.

Theo thầy Quỳnh, dù đón Tết ở đâu, điều quan trọng nhất vẫn là sự gắn bó và yêu thương trong gia đình. Tết là dịp để gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau, do đó, bất cứ ai cũng mong cầu được về quê ăn Tết sau một năm vất vả làm việc. Tuy nhiên, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, có những người lựa chọn không về quê ăn Tết vì nhiều nguyên do như vấn đề tài chính, vướng bận con nhỏ…

“Một trong những lý do mà tôi vẫn tiếp tục gắn bó với công việc này là vì học sinh ở đây. Tiếp xúc một thời gian với trẻ vùng cao, tôi mới thấy các con thiệt thòi lắm. Nếu trẻ em ở miền xuôi và những thành phố lớn đã mua sắm quần áo mới, đồ chơi mới thì đối với trẻ em vùng cao quần áo mới nhiều khi cũng không phải việc dễ dàng.

Do đó, tôi luôn tự nhủ, giáo viên vùng cao không chỉ có vai trò dạy học mà còn là cha, là mẹ luôn yêu thương và trách nhiệm, chăm chút, lo lắng cho học trò như chính con của mình. Khó khăn nhiều vô kể, nhưng học sinh ở đây sống rất tình cảm, mỗi lần lễ tết là giáo viên lại nhận được vài bó rau rừng hay những bó hoa dại do chính các con hái. Đối với một công việc tuy không giàu về vật chất nhưng lại vô cùng ý nghĩa trong xã hội, tôi thấy may mắn khi có gia đình luôn đứng phía sau ủng hộ cho quyết định của mình. Mặc dù không phải năm nào cũng đủ điều kiện để về quê, gia đình tôi luôn cảm thông và thường xuyên hỏi thăm, động viên con cái. Tôi trân trọng những điều đơn giản như vậy, nếu có thời gian dài vào đợt nghỉ hè, tôi sẽ luôn ưu tiên về thăm quê”, thầy Quỳnh bày tỏ.

Trong khi đó, theo thầy Nguyễn Văn Tâm - giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk), năm 2015 là năm đầu tiên thầy nhận công tác ở vùng đất Tây Nguyên, đồng thời cũng là năm đầu tiên thầy tự đi xe máy 700 km về quê ăn Tết vì quá nhớ nhà.

“Tôi sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị, sau khi tốt nghiệp đại học, theo lời giới thiệu của một người bạn, tôi đã quyết định một mình vào Tây Nguyên để bắt đầu con đường dạy học.

Khi mới đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên xa xôi, tôi đã gặp không ít khó khăn. Trường Tiểu học Lê Đình Chinh nằm trong khu vực vùng 3, nơi mà đường sá đi lại vô cùng gian nan. Mùa mưa thì đường trơn trượt, xe cộ dễ gặp tai nạn, còn mùa nắng thì bụi phủ như sương mù, gây cản trở không nhỏ trong việc đi dạy. Nhớ lại ngày đầu đi làm, tôi bị ngã xe trên con đường đất đỏ, lòng chùn xuống, tưởng chừng như muốn bỏ cuộc. Vậy mà thấm thoát đã 9 năm công tác tại mảnh đất này, mỗi ngày, tôi đều tiếp xúc với các em học sinh và cảm nhận được sự yêu thương và trách nhiệm mà mình đang gánh vác”, thầy Tâm chia sẻ.

 Thầy Tâm (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng gia đình ở Quảng Trị. (Ảnh: NVCC)

Thầy Tâm (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng gia đình ở Quảng Trị. (Ảnh: NVCC)

Nhớ lại những cái Tết khi ở lại Đắk Lắk, thầy Tâm cho biết, những năm đầu khi chưa lập gia đình, thầy thường ở lại trường vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là để hỗ trợ học sinh khó khăn, mang đến cho các em chút niềm vui ngày Tết. Tuy nhiên, khi đồng nghiệp đều về quê đón Tết cùng gia đình, không khí ở khu nhà công vụ trở nên vắng lặng và buồn bã.

“Đôi khi tôi cũng tự chuẩn bị một mâm cơm nhỏ để thắp hương và gọi là có chút không khí Tết. Thế nhưng, Tết ở đây không đông vui và nhộn nhịp như quê nhà Quảng Trị. Bà con chủ yếu là người theo đạo, nên họ ăn Tết Nguyên đán khá đơn giản, không cầu kỳ. Những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét cũng chỉ ít gia đình tự gói. Có năm, tôi cùng vài đồng nghiệp gói bánh chưng để ôn lại chút không khí truyền thống. Dẫu vậy, cảm giác nhớ nhà vẫn luôn hiện hữu, nhất là khi nghĩ về gia đình, về cái không khí đầm ấm quây quần bên mâm cơm ngày Tết. Những năm gần đây, khi đã lập gia đình, tôi cố gắng thu xếp để về quê thường xuyên hơn, bởi Tết là dịp để đoàn tụ, để tìm lại những giá trị thân quen giữa bộn bề cuộc sống”, thầy Tâm chia sẻ.

Thu Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhieu-nam-an-tet-xa-que-gv-vung-cao-vung-bien-gioi-van-bam-ban-yeu-truong-post248801.gd