Nhiều nền tảng để phát triển, AI Việt Nam tăng 14 bậc về chỉ số sẵn sàng
Việt Nam có những nền tảng quan trọng cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phát triển AI mạnh mẽ, tăng 14 bậc, trở thành quốc gia đứng thứ 62 toàn cầu và đứng thứ 6 trong ASEAN về chỉ số sẵn sàng AI.
Sáng 23/9, Phiên chính AI SUMMIT của Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 (AI4VN) đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện các bộ, ban, ngành, các hiệp hội, viện, trường, các start-up, các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, các chuyên gia và nhà đầu tư trong nước và quốc tế cùng đông đảo cộng đồng người yêu công nghệ nói chung và cộng đồng AI Việt Nam nói riêng.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá, AI đã có sự phát triển vượt bậc và trở thành một trong những công nghệ then chốt góp phần thay đổi và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia.
Ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Chiến lược đưa ra mục tiêu "đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4".
Sau hơn một năm triển khai Chiến lược AI, chúng ta đã đạt một số kết quả bước đầu rất đáng được khích lệ. Đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực AI trong những năm qua đã được xã hội và thế giới ghi nhận; nhu cầu ngày càng lớn và năng lực tiếp cận, hấp thụ, làm chủ công nghệ AI của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Báo cáo "Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ" do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, ghi nhận năm 2021 Việt Nam đứng ở vị trí thứ 62 trong 160 quốc gia được đánh giá xếp hạng trên thế giới, tăng 14 bậc so với năm 2020.
Năm nay, AI4VN được tổ chức với chủ đề "AI phục hồi kinh tế, định hình tương lai" nhằm mục tiêu: Thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng AI nhằm góp phần giải quyết những vấn đề thách thức trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể ứng dụng công nghệ mới giúp tối ưu hóa năng lực cạnh tranh.
Tại đây, những chủ đề liên quan tới việc áp dụng AI trong các lĩnh vực của cuộc sống sẽ được đưa ra thảo luận, nhằm gợi ý, đề xuất từ thực tế hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp của các tổ chức nghiên cứu, từ đó, các cơ quan quản lý sẽ có những định hướng và giải pháp để góp phần thúc đẩy việc hình thành và phát triển nhanh chóng một hệ sinh thái AI bền vững tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, đây là cơ hội trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, đưa ra những sáng kiến, kiến nghị để cùng nhau xây dựng và phát triển cộng đồng AI Việt Nam và hệ sinh thái ứng dụng AI, hướng đến việc góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, "từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Nhiều nền tảng quan trọng cho AI phát triển mạnh mẽ
Nhấn mạnh những nền tảng quan trọng cho AI, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 đã nêu rõ chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho phát triển các công nghệ mới, trong đó, ưu tiên tập trung vào các công nghệ có tính ứng dụng cao, giải quyết những bài toán phát triển cho doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây cũng là quan điểm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trong những năm qua, Chính phủ cũng đã có các chủ trương cụ thể trong việc thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ AI, như Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 và gần đây là Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Trong đó, định hướng công nghệ AI là một trong những công nghệ lõi, góp phần làm nòng cốt thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, tạo ra những sản phẩm, thiết bị và các tiện ích thông minh ứng dụng trong sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, quản lý xã hội và đời sống.
Thực tế, thời gian qua, công nghệ AI đã ngày càng trở nên thiết yếu trong mọi mặt đời sống tại Việt Nam, được ứng dụng mạnh mẽ, tích cực, nhất là trong các lĩnh vực như đô thị thông minh, y tế - bảo hiểm, nông nghiệp thông minh, công nghệ môi trường...
Đặc biệt trong giai đoạn chống dịch COVID-19 (năm 2020, 2021), nhiều ứng dụng AI được phát triển để hỗ trợ tương tác với người dân, chẩn đoán mắc bệnh, khoanh vùng chống dịch.
Một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã xây dựng và phát triển các trung tâm nghiên cứu và phát triển AI tại Việt Nam, thu hút nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này đến làm việc. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo áp dụng công nghệ AI trong các sản phẩm, dịch vụ mới, hứa hẹn sẽ là những lực lượng doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực AI.
Từ góc độ về phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng đây là những nền tảng quan trọng trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong tương lai, góp phần giải quyết những vấn đề trong phát triển kinh tế xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bộ KH&ĐT với vai trò là cơ quan tham mưu, sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp cùng Bộ KH&CN cùng thúc đẩy các hoạt động phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nói chung và phát triển lĩnh vực AI nói riêng.
Bày tỏ ấn tượng với cách phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế của Việt Nam, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam cho rằng, AI đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với nền kinh tế, tạo ra 1,3 triệu lao động mới tại Australia và Việt Nam.
AI tăng cường quá trình sáng tạo bền bỉ của con người, ngày càng vượt trội hơn trong lưu trữ và xử lý thông tin. Tuy nhiên, Đại sứ Andrew Goledzinowsk cũng lưu ý đến những rủi ro trong ứng dụng AI nếu không được kiểm soát.
Đồng quan điểm, bà Stela Solar, Giám đốc Trung tâm AI quốc gia Australia cũng cho rằng AI cần được sử dụng có trách nhiệm.
Bà dẫn chứng số liệu nghiên cứu từ KPMG, hơn 56% doanh nghiệp đang ứng dụng AI. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng AI càng tạo ra nhiều lợi ích, dịch vụ cho người dùng. AI không chỉ là AI, còn giúp rất nhiều cho nền kinh tế, đây là chỉ số quan trọng khi đánh giá thị trường ngày nay.
"Tuy nhiên, kỹ năng của mỗi người rất quan trọng để phát triển AI có trách nhiệm, bên cạnh đó còn cần sự nhận thức và hưởng ứng của cộng đồng trong việc ứng dụng AI", bà Stela bày tỏ quan điểm.