Nhiều ngân hàng đang cạn dần dư địa tín dụng năm 2019
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tình hình tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu 14% trong năm 2019.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến ngày 4/10, tăng trưởng tín dụng là 8,95% so với đầu năm, đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng, thấp hơn mức 10,3% cùng kỳ năm trước. Dựa theo tình hình tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng thương mại niêm yết, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính với tốc độ tăng trưởng hiện tại và trần tín dụng cho từng ngân hàng, tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 có thể chỉ đạt 13,2%. Nếu kịch bản này diễn ra, đây sẽ là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong thập kỷ qua tại Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, kết quả tăng trưởng tín dụng thấp hiện tại chủ yếu đến từ khối ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước gồm BIDV, Vietinbank và Agribank. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của BIDV và Vietinbank chỉ đạt 8,6% và 3,2%, cách xa so với mục tiêu đầu năm, lần lượt là 12% và 7%.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác vẫn rất ấn tượng. Cụ thể, các ngân hàng như OCB, Sacombank, ACB, VIB, TPBank, VPBank hay MBBank… đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng khá tốt trong 9 tháng đầu năm 2019 và hiện tại đang dần cạn dư địa khi tiến sát mức trần tín dụng cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Như tại Sacombank, tăng trưởng cho vay tính đến cuối tháng 9/2019 đạt 290.934 tỷ đồng, tăng 13,1%. Năm 2019, Sacombank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 7% và đến tháng 7/2019 đã cạn khi dư nợ cho vay đạt 280.555 tỷ đồng.
Trước đó, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank đã đề xuất lên NHNN theo hướng xin được nâng room tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2018-2020 từ 18-20%. Theo đó, Sacombank mong muốn được nâng hạn mức cho năm 2019 lên 19% sau khi NHNN chấp thuận cho Sacombank được hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân. Thế nhưng, room tăng trưởng tín dụng của nhà băng này khó có thể được nới trong bối cảnh ngành ngân hàng kiểm soát mục tiêu tín dụng ở mức 14% trong năm nay.
Hay tại TPBank, ngay khi bước sang quý II/2019, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đã đạt 11,2%, trong khi chỉ tiêu được NHNN giao đầu năm là 13%. Vì nằm trong nhóm ngân hàng tuân thủ Thông tư 41/2016/TT-NHNN về tỷ lệ an toàn vốn nên TPBank được NHNN tăng thêm room sau đó, nhưng mức tăng không nhiều, chỉ là 4%, tức hạn mức cả năm được điều chỉnh lên 17%. Tuy nhiên, TPBank kỳ vọng đến hết quý III/2019, room tăng trưởng tín dụng còn lại ở mức thấp và TPBank sẽ tiếp tục xin “nới” chỉ tiêu và mức 20% có thể “trong tầm tay”.
OCB và VIB cũng mong muốn được nâng room tăng trưởng tín dụng năm 2019 lên tương ứng 30% và 35%, nhưng đến nay vẫn chưa được NHNN chấp thuận. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng được cấp đầu năm và tính đến hết quý II/2019, tăng trưởng dư nợ đã đạt 20%. Do đó, OCB đã và đang đẩy mạnh thu hồi nợ và cho vay ngắn hạn để gia tăng biên lợi nhuận.
Theo định hướng của NHNN kể từ đầu năm, các nhà băng có chất lượng tài sản tốt hoàn toàn có thể được nới room tín dụng. Điều này đã từng diễn ra vào giữa năm 2019 khi các nhà băng kể trên lần lượt đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Thế nhưng, không nhiều ngân hàng được NHNN tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019, như một số ngân hàng tuân thủ Basel II và hứa hẹn sẽ được nâng room là Vietcombank, VIB, OCB, TPBank và MSB, song đến nay vẫn chưa có thông tin mới.
Nhưng với kết quả từ đầu năm đến nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2019 có thể khó đạt được. Dù vậy, chuyên gia kinh tế TS.LS Bùi Quang Tín cho rằng, đứng về phía nhà điều hành, ổn định vĩ mô là quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi tăng trưởng GDP vẫn đạt mục tiêu dù tăng trưởng tín dụng thấp. Điều này có nghĩa, tăng trưởng của nền kinh tế ngày càng bớt phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng hơn.
"Mặt khác, hiện có 11 Ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II, điều này có nghĩa những ngân hàng chưa đạt chuẩn vẫn phải hết sức dè dặt trong việc cho vay để đáp ứng yêu cầu của NHNN. Theo đó, những khoản cho vay có khả năng rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán... sẽ được các ngân hàng siết chặt lại. Nếu các ngân hàng không tính toán kỹ, việc đẩy mạnh cho vay sẽ đe dọa đến hệ số an toàn vốn theo Thông tư 36 của NHNN. Theo đó, nếu có nhu cầu cho vay thực sự, các ngân hàng sẽ sàng lọc kỹ dự án để cho vay", chuyên gia Tín chia sẻ.
Có thể thấy thời gian qua, NHNN cũng kiểm soát và liên tiếp cảnh báo về hoạt động tín dụng của các ngân hàng, từ cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, hạn chế cho vay ở các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán và thậm chí là vay tiêu dùng.
Tuy nhiên, ở góc độ ngân hàng, chuyên gia Bùi Quang Tín cho rằng đây cũng là chuyện không vui, bởi dư nợ tín dụng cho vay gần cạn khiến các ngân hàng gặp nhiều kho khăn, trong khi hầu hết các ngân hàng sống nhờ tín dụng cho vay. Khi cho vay giảm nghĩa là nguồn thu ngân hàng cũng giảm. Chưa kể, thanh khoản của các ngân hàng từ nguồn vốn huy động khách hàng tăng trưởng khiêm tốn, việc đẩy mạnh tín dụng cũng có nhiều hạn chế, dù hạn mức để phát triển thêm trong thời gian còn lại của năm nay không phải là thấp.