Nhiều ngân hàng mở cửa làm việc suốt 2 ngày cuối tuần, vì sao?

Nhiều ngân hàng mở cửa làm việc trong 2 ngày cuối tuần, tăng cường nhân sự hỗ trợ khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học để tránh gián đoạn chuyển tiền trên 10 triệu đồng từ 1-7

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng bắt buộc phải xác thực sinh trắc học khi thực hiện một số giao dịch ngân hàng trực tuyến từ 1-7-2024.

Do đó, để tăng cường hỗ trợ khách hàng cài đặt sinh trắc học theo quy định của pháp luật - có hiệu lực từ 1-7, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết sẽ mở cửa làm việc suốt 2 ngày cuối tuần (29-6 và 30-6) tại nhiều chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc.

Để tránh rủi ro giả mạo, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng không thực hiện cài đặt sinh trắc học qua bất kỳ kênh nào khác ngoài ứng dụng của ngân hàng hoặc tới trực tiếp quầy giao dịch.

Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng thông báo sẽ tăng cường nguồn lực hỗ trợ khách hàng đăng ký sinh trắc học khuôn mặt 24/7 trong hai ngày 29-6 và 30-6. Khách hàng của OCB có thể gọi đến tổng đài ngân hàng để được hỗ trợ cập nhật dữ liệu sinh trắc học.

Từ 1-7, các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực khuôn mặt

Từ 1-7, các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực khuôn mặt

Liên quan thắc mắc của người dân về những loại giao dịch trực tuyến nào phải xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng, đại diện Vietcombank cho hay kể từ ngày 1-7, các loại giao dịch trực tuyến của khách hàng cá nhân bắt buộc phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng khuôn mặt, bao gồm:

- Chuyển tiền trong ngân hàng nhưng khác chủ tài khoản, chuyển tiền liên ngân hàng trong nước hoặc nạp ví điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng hay tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng.

- Chuyển tiền ra nước ngoài, thanh toán hóa đơn hàng hóa dịch vụ với tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng trong ngày.

- Kích hoạt dịch vụ ngân hàng số lần đầu hoặc đổi thiết bị sử dụng ứng dụng ngân hàng số.

Theo Vietcombank, hiện khách hàng có thể cập nhật dữ liệu sinh trắc học trên ứng dụng (app) ngân hàng; tới trực tiếp chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng.

Để cập nhật thành công ở các ngân hàng, ví điện tử, người dùng nên bỏ ốp lưng điện thoại, túi bọc CCCD…, giúp việc đọc chip CCCD qua NFC thành công.

Đọc thông tin trên chip CCCD qua NFC được xem là bước thường phát sinh trục trặc. Các chuyên gia khuyến nghị khách hàng nên bỏ ốp lưng điện thoại, túi bọc CCCD hoặc dùng mạng 3G/4G... sẽ dễ dàng cập nhật hơn

Đọc thông tin trên chip CCCD qua NFC được xem là bước thường phát sinh trục trặc. Các chuyên gia khuyến nghị khách hàng nên bỏ ốp lưng điện thoại, túi bọc CCCD hoặc dùng mạng 3G/4G... sẽ dễ dàng cập nhật hơn

Để làm cơ sở xác thực giao dịch theo quy định, hình ảnh khuôn mặt khách hàng khi thực hiện giao dịch sẽ được kiểm tra và so khớp với dữ liệu sinh trắc học của khách hàng đã được cập nhật tại ngân hàng (đối khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư; Cơ sở dữ liệu căn cước hoặc được kiểm tra trực tiếp bởi nhân viên ngân hàng).

Đối với khách hàng là người nước ngoài, Vietcombank cho hay do không có CCCD gắn chip và chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vì vậy cần đến trực tiếp bất kỳ điểm giao dịch nào của ngân hàng với hộ chiếu và giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú còn hiệu lực để xác thực hình ảnh chân dung khuôn mặt.

Theo các chuyên gia bảo mật, sinh trắc học được xem là một bước tiến tích cực giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các gian lận, lừa đảo...

Theo các chuyên gia bảo mật, sinh trắc học được xem là một bước tiến tích cực giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các gian lận, lừa đảo...

Thái Phương, Ảnh: Lam Giang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhieu-ngan-hang-mo-cua-lam-viec-suot-2-ngay-cuoi-tuan-vi-sao-196240629090453152.htm