Nhiều nghệ sĩ gạo cội trình diễn thơ Haiku và sáo Shakuhachi Nhật Bản

Hội Hữu nghị Fukushima - Việt Nam vừa phối hợp cùng Trường ĐH Văn Lang tổ chức chương trình Giao lưu văn hóa thơ Haiku và sáo Shakuhachi Nhật Bản.

Một tiết mục trình diễn nghệ thuật của nghệ sĩ Nhật Bản.

Một tiết mục trình diễn nghệ thuật của nghệ sĩ Nhật Bản.

Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023).

Trong chuỗi các hoạt động xúc tiến hợp tác song phương của hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực giáo dục, thương mại, du lịch, Hội Hữu nghị Fukushima – Việt Nam cũng đã tổ chức thành công chương trình giao lưu học thuật tại Hà Nội (ngày 6/3) và tại Huế (ngày 8/3).

Sự kiện có sự tham dự của ông Hideyuki Shiraishi – Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang.

Phía Hội hữu nghị Fukushima - Việt Nam đến từ Nhật Bản có Nghệ sĩ thổi sáo Tachibana Ryomei, ông Chinao Teramoto - Chuyên viên Nghiên cứu giáo dục, bà Nguyễn Thiên Kim - Phó Chủ tịch Hội Kịch giấy Kamishibai Việt – Nhật...

Chương trình Giao lưu văn hóa thơ Haiku và sáo Shakuhachi Nhật Bản là dịp để các khán giả thưởng thức các loại hình văn hóa Nhật Bản đến từ các nghệ sĩ gạo cội.

Ở phần giao lưu thơ Haiku Nhật - Việt, nổi bật nhất là Tập thơ Haiku Fukko no kizuna viết về những chứng kiến và cảm nhận sau trận thiên tai lịch sử tại Nhật Bản vào năm 2011 của nhà thơ Haiku Goto Shoson.

Đại diện Nhật Bản tặng trang phục truyền thống cho đại diện Việt Nam.

Đại diện Nhật Bản tặng trang phục truyền thống cho đại diện Việt Nam.

Các bài thơ Haiku, qua giọng đọc của ông Chinao Teramoto – Chuyên gia Nghiên cứu Giáo dục thành viên của Hội Hữu nghị Fukushima – Việt Nam, như tái hiện lại bối cảnh thảm họa và tinh thần phục hưng đáng nể với sự kết nối từ cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Trong chương trình, người xem không chỉ được giới thiệu thêm về một loại nhạc cụ dân tộc của Nhật Bản là sáo Shakuhachi (sáo trúc, sáo tiêu) thông qua những ca khúc quen thuộc của hai quốc gia: Nada Soso (Nhạc Okinawa), Diễm xưa (Trịnh Công Sơn), Trống cơm (Nhạc Việt Nam)… dưới sự thể hiện của nghệ sĩ thổi sáo Tachibana Ryomei, mà còn được trải nghiệm cảm giác mặc trang phục truyền thống mùa hè yukata của Nhật Bản và thổi sáo cùng nghệ sĩ.

Cũng tại chương trình, cô Nguyễn Thiên Kim - Phó Chủ tịch Hội Kịch giấy Việt – Nhật trình diễn các câu chuyện dân gian Việt Nam - Nhật Bản quen thuộc theo phong cách Kamishibai như: Đám cưới chuột, Thằng Bờm, Con Rồng cháu Tiên, Ninja Manmaru… Trong đó, Kamishibai (hay còn được biết đến với tên gọi là kịch giấy) là một loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian nổi tiếng của Nhật Bản.

Ở loại hình nghệ thuật Kamishibai này, người nghệ sĩ sẽ kể chuyện thông qua các tranh vẽ trên giấy để khán giả có thể dễ dàng cảm thụ niềm vui và sự thú vị từ câu chuyện.

Để người xem đến gần hơn với các loại hình văn hóa - nghệ thuật Nhật Bản chương trình còn triển lãm các tác phẩm truyện tranh và phim hoạt hình (anime) nổi tiếng của Nhật Bản dưới hình thức tượng, mô hình để fan hâm mộ có thể trực tiếp tham quan và chụp ảnh.

Trong lĩnh vực giáo dục, để tạo cơ hội học tập, trao đổi sinh viên Ngành Đông phương học tại xứ sở hoa anh đào, Trường Đại học Văn Lang đang hợp tác và dự kiến triển khai các chương trình liên kết với các doanh nghiệp, trường đại học nằm trong top đầu về chất lượng đào tạo Nhật Bản như: Đại học Ritsumeikan, Đại học Meiji; Tổ chức Trung tâm Giao lưu quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (The Japan Foundation)...

Đại diện Trường ĐH Văn Lang tặng quà cho nghệ sĩ phía Nhật Bản.

Đại diện Trường ĐH Văn Lang tặng quà cho nghệ sĩ phía Nhật Bản.

Sự kiện giao lưu văn hóa Nhật Bản – Việt Nam đã góp phần phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, tăng cường hiểu biết văn hóa ngôn ngữ Nhật Bản, lan tỏa thương hiệu học thuật, giao lưu quốc tế của Trường Đại học Văn Lang.

Anh Tú

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhieu-nghe-si-gao-coi-trinh-dien-tho-haiku-va-sao-shakuhachi-nhat-ban-post629566.html