Nhiều nghị sĩ châu Âu ủng hộ phê chuẩn hai Hiệp định với Việt Nam
Đa số nghị sĩ châu Âu bày tỏ ủng hộ phê chuẩn hai Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam trong phiên thảo luận ngày 11/2.
Đa số nghị sĩ châu Âu bày tỏ ủng hộ phê chuẩn hai Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam trong phiên thảo luận ngày 11/2. Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào 12h trưa 12/2, theo giờ địa phương, trong phiên họp toàn thể tại Strasbourg.
Trong sáng ngày 11/2, nghị sĩ Geert Bourgeois, đồng thời là báo cáo viên, chính thức trình bày sơ bộ bản báo cáo 36 trang về hai hiệp định EVFTA và EVIPA. Sau khi nhấn mạnh đến các cam kết nền tảng của EU trong việc đấu tranh cho tự do thương mại đa phương và dựa trên luật lệ, nghị sĩ Bourgeois nhắc lại chi tiết đã được rất nhiều quan chức và nghị sĩ EU đề cập trong hơn hai năm qua, rằng các hiệp định EVFTA và EVIPA là những hiệp định tiến bộ nhất giữa EU với một quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình.
Để bảo vệ quan điểm rằng Nghị viện châu Âu nên sớm phê chuẩn Hiệp định với Việt Nam, nghị sĩ Geert Bourgeois nhận xét: “Việt Nam có một nền kinh tế sống động với hơn 90 triệu người tiêu dùng, một tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh và một nguồn lao động trẻ, năng động. Đất nước này cởi mở với thế giới và sẵn sàng đón nhận những tiêu chuẩn hiện đại.
Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới, thậm chí trước cả Canada, chấp nhận những nguyên tắc của hệ thống Tòa án tranh chấp đầu tư (ICS) hiện đại, mà phần lớn trong đó được chính Nghị viện này soạn thảo”.
Sau lời giới thiệu của nghị sĩ Geert Bourgeois, lần lượt 56 nghị sĩ châu Âu đã đăng đàn tranh luận trong gần 2 tiếng. Rất nhiều ý kiến được đưa ra, trên nhiều lĩnh vực, từ các thắc mắc về lĩnh vực môi trường, nghề cá, cho đến tiêu chuẩn lao động hay việc thúc đẩy các thay đổi tại Việt Nam.
Đại đa số các nghị sĩ đều nhấn mạnh rằng trong thời gian qua, Việt Nam đã có những bước đi rất tích cực trong việc thực thi cam kết và các Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho cả EU và Việt Nam trong việc nâng cao hiểu biết và tìm được tiếng nói chung.
Nghị sĩ Bernd Lange của Liên minh cấp tiến các đảng Xã hội và Dân chủ tại Nghị viện châu Âu, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện, phân tích, hơn nửa thế kỷ trước phương châm tiếp cận và đối thoại đã được cố Thủ tướng Đức Willy Brandt, một trong các cha đẻ của Liên minh châu Âu, xây dựng đó là con đường mà EU cần theo đuổi với Việt Nam thông qua hai Hiệp định.
Ông Lange cũng đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia sản xuất lớn của thế giới: “Tôi tin là các vị ngồi đây nhiều người mặc các bộ quần áo được sản xuất tại Việt Nam, các đôi giày được làm tại Việt Nam. Đa số các điện thoại thông minh của Samsung hay các máy tính bảng đang dùng ở đây cũng được sản xuất tại Việt Nam”.
Trong nhiều lí do khác được một số nghị sĩ châu Âu đưa ra để ủng hộ việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn hai hiệp định với Việt Nam, nghị sĩ Maximilian Krah của nhóm đảng “Bản sắc và dân chủ” cho biết, tầm quan trọng của việc phê chuẩn còn ở việc điều đó sẽ thúc đẩy động lực thương mại ở nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới.
Nghị sĩ Maximilian Krah cho biết: “Là báo cáo viên thường xuyên về tình hình tại Bangladesh và nhiều nước khác, tôi hiểu các nước đang phát triển đang hướng về phía Việt Nam như thế nào, vì đây là lần đầu tiên một nền kinh tế đang phát triển đơn độc ký được một hiệp định gắn liền với nền kinh tế châu Âu để qua đó tiến lên. Đó chính là ý nghĩa quan trọng nhất của các hiệp định thương mại. Hiệp định này cũng rất cân bằng và tiến bộ trong nhiều lĩnh vực, vì thế, tôi đề nghị Nghị viện phê chuẩn”.
Kết thúc các tranh luận trong ngày 11/2, bắt đầu từ 12h trưa nay theo giờ địa phương ở Strasbourg, các nghị sĩ châu Âu sẽ chính thức bước vào các phiên bỏ phiếu về hai hiệp định EVFTA và EVIPA. Nếu được thông qua, Hiệp định EVFTA sẽ lập tức có hiệu lực khi được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn còn hiệp định EVIPA cần nhiều thời gian hơn do phải được Quốc hội từng nước thành viên EU thông qua./.