Nhiều ngôi nhà tại Cao Bằng ngập sâu trong nước

Tỉnh Cao Bằng đã xảy ra mưa lớn kèm gió lốc kéo dài trên diện rộng, địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất là huyện Hòa An, TP Cao Bằng

Nước lũ dâng ngập nhà dân ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Hòa An

Nước lũ dâng ngập nhà dân ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Hòa An

Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cao Bằng cho biết, từ ngày 23/8, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã xảy ra mưa lớn kèm gió lốc kéo dài trên diện rộng, địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất là huyện Hòa An, TP Cao Bằng.

Ghi nhận trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cho thấy, tại TP.Cao Bằng ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông Bằng, sông Hiến tại các phường Hợp Giang, Sông Hiến, Sông Bằng, xã Vĩnh Quang, xã Hưng Đạo.

Lũ trên các sông đã khiến 203 nhà dân bị ngập lụt, sạt lở. Trong đó có 163 hộ dân ở Hòa An và TP.Cao Bằng bị ngập; 39 hộ dân ở Hòa An, Trùng Khánh bị sạt lở mái taluy; 1 nhà dân ở thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An sập hoàn toàn.

Bên cạnh đó, 27 hộ dân ở xóm Canh Biện, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An có nguy cơ sạt lở cao đã di dời đến nơi an toàn.

Mưa lũ cũng khiến nhiều tuyến đường nội tỉnh, liên xã ở các huyện Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hòa, TP.Cao Bằng bị ngập lụt, sạt lở đất, đá, vùi lấp mặt đường, gây ảnh hưởng giao thông. Cụ thể, Quốc lộ 3 bị sạt lở tại Km278+120 (phường Ngọc Xuân, thành phố Cao Bằng) khiến giao thông tê liệt từ 3h sáng 24/8. Tuyến đường tỉnh 202 thuộc địa phận xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình xuất hiện hố sụt lún lớn gây tắc cục bộ.

Gần 900ha lúa, hoa màu ở các huyện Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh và TP.Cao Bằng bị ngập úng, hư hại.

Đáng chú ý, tại huyện Hòa An ngập lụt xảy ra ở các xóm Bế Triều, Mã Quan, Nà Mè, Nà Tẻng, Thái Cường thuộc thị trấn Nước Hai ngập vùng ven sông Bằng; xóm Mỏ Sắt thuộc xã Dân Chủ. Thống kê sơ bộ cho thấy, thị trấn Nước Hai có 93 ngôi nhà, xã Đức Long có 15 nhà bị ngập trong nước. Tại các xã Đại Tiến, Ngũ Lão có 20 ngôi nhà bị sạt lở đất phía sau nhà.

Ngoài ra, huyện Hòa An cũng có hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp, ao cá bị ngập. Trong đó xã Đức Long có 233ha đất nông nghiệp bị ngập; xã Dân Chủ hơn 92ha; xã Nam Tuấn 92ha; xã Ngũ Lão 37ha; xã Nguyễn Huệ 22,6ha ngô…

Đến trưa 24/8, nước trên sông Bằng qua địa phận huyện Hòa An đã bắt đầu rút nhưng nhiều khu vực vẫn đang bị cô lập do ngập sâu.

Ngay trong ngày 24/8, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và lực lượng cơ sở đã có mặt tại những nơi xung yếu hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả, huy động máy móc, thiết bị sớm xử lý dứt điểm các vị trí sạt lở, ùn tắc, bảo đảm giao thông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Thạch đã kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai, thăm, động viên người dân vùng bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ra tại huyện Hòa An.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Thạch đã trực tiếp đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại gia đình ông Nông Văn Cử (ở xóm 4 Bế Triều, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An). Sau đợt mưa lớn kéo dài, ngôi nhà của gia đình ông Nông Văn Cử sập đổ hoàn toàn, may mắn không gây thiệt hại về người.

Tiếp đó, kiểm tra tại một số xóm trên địa bàn thị trấn Nước Hai, ông Hoàng Văn Thạch chia sẻ với người dân về những thiệt hại về tài sản, hoa màu, vật nuôi; động viên bà con tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.

Đồng thời, ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền huyện, biểu dương nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng ở cơ sở đã thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống và sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Thạch yêu cầu lãnh đạo huyện và các xã, thị trấn bị ảnh hưởng bởi thiên tai tiến hành kiểm tra, rà soát kỹ, cập nhật và thống kê cụ thể, chính xác thiệt hại do mưa lũ, triển khai các phương án, đề xuất để kịp thời hỗ trợ theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, huy động máy móc, thiết bị thi công sớm xử lý dứt điểm các vị trí sạt lở, ùn tắc, bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt; lưu ý lắp đặt biển cảnh báo tại các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở, vị trí ngập úng nhằm hướng dẫn và tổ chức giao thông an toàn, thuận lợi; chủ động, sẵn sàng các phương án ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Đặc biệt, quan tâm việc tuyên truyền, vận động và di dời người dân ra khỏi nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, vùng bị ngập và có nguy cơ bị ngập, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân, giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/nhieu-ngoi-nha-tai-cao-bang-ngap-sau-trong-nuoc-102240824191426244.htm