Nhiều ngôi trường mới khang trang ở Cần Thơ đón chào năm học mới
Năm học 2023-2024, nhiều ngôi trường mới khang trang, nhiều thiết bị dạy học đã được thành phố Cần Thơ đầu tư sửa chữa, cải tạo; đồng thời nỗ lực hoàn thiện mô hình giáo dục thông minh, xứng tầm thành phố trung tâm vùng ĐBSCL.
Thời điểm này, lực lượng thi công công trình trường Tiểu học Ba Láng, quận Cái Răng đang gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng để bàn giao cho trường đón học sinh đầu năm học mới. Xây dựng từ năm 2000, qua thời gian sử dụng một số hạng mục của trường dần xuống cấp, thiếu sân chơi, bãi tập. UBND quận Cái Răng đã quyết định đầu tư cơ sở vật chất 14 tỷ đồng xây dựng dãy phòng mới gồm 9 phòng học, 13 phòng chức năng đón 360 học sinh và bắt đầu cho các em học bán trú.
Ngoài trường Tiểu học Ba Láng, phòng GD-ĐT quận Cái Răng cũng tham mưu cho UBND quận dùng nguồn kinh phí khoảng 10 tỷ đồng sửa chữa 10 trường, đầu tư trang thiết bị để các cơ sở giáo dục khang trang hơn trong năm học mới.
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Vân, Trưởng phòng GD-ĐT quận Cái Răng cho biết: “Đối với cơ sở vật chất thì đã được UBND quận đầu tư rất là nhiều cho giáo dục. Cơ sở vật chất đến thời điểm này đảm bảo thực hiện tốt khai giảng năm học 2023-2024. Về đội ngũ giảng dạy thì thời gian qua đã tổ chức tuyển dụng, giáo viên cơ bản đáp ứng được việc phục vụ công tác”.
Số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ, chuẩn bị năm học mới, Sở tham mưu UBND thành phố phối hợp các đơn vị nâng cấp, sửa chữa 21 trường THPT với kinh phí hơn 32 tỷ đồng; các trường quận/huyện quản lý, có 94 trường được sửa chữa mở rộng, 14 trường xây mới từ nguồn kinh phí thành phố bố trí. Bên cạnh đó, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, hiện Sở đang làm chủ đầu tư 5 dự án nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn với số tiền hơn 193 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Các dự án này dự kiến triển khai thi công vào cuối quý 3 năm nay và đưa vào sử dụng trong năm 2024.
Theo đại diện các trường, phòng GD-ĐT 9 quận/huyện, mô hình giáo dục thông minh phải đáp ứng được các tiêu chí về chuyển đổi số, thiết bị công nghệ cao phục vụ dạy – học, thầy – trò linh hoạt tương tác đa nền tảng. Do đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng tương thích đáp ứng được mô hình giáo dục thông minh là yếu tố then chốt đầu tiên. Tiêu biểu là “phòng học thông minh” tại Trường THCS thị trấn Thới Lai, các phòng được trang bị ti vi tương tác nàn hình 85 inch và bảng trượt thông minh, hệ thống máy tính bảng, laptop… kết nối internet, các phần mềm ứng dụng hỗ trợ học trực tuyến. Học sinh được trải nghiệm các thí nghiệm thực tế ảo, tương tác được giúp môn học đa dạng hơn. Các buổi học còn được ghi hình và lưu trữ trực tuyến, giúp học sinh có thể xem lại không giới hạn về không gian và thời gian, phụ huynh có thể theo sát quá trình học của con.
Bên cạnh sự đầu tư cơ sở hạ tầng, Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều kế hoạch đào tạo nâng cao khả năng làm chủ công nghệ cho đội ngũ giáo viên. Cô Đinh Thị Thảo, Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Trường Toàn, quận Ninh Kiều cho biết, dịp nghỉ Hè, các giáo viên đã tham gia nhiều lớp tập huấn chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy học thời 4.0.
“Thực hiện chương trình GDPT 2018, đến thời điểm này, trường đã triển khai, tập huấn xong đến lớp 4. Triển khai kế hoạch đầu năm thì nhà trường đã chỉ đạo cho tất cả giáo viên rà soát lại, hướng dẫn lại tất cả các quy trình, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo chương trình GDPT 2018. Đối với khối lớp 5 cũng đang thực hiện theo chương trình GDPT 2006, song hành với đó các thầy cô dạy lớp 5 vẫn tiếp cận chương trình GDPT 2018 để chuẩn bị cho công tác tập huấn đầu năm 2024-2025”, cô Đinh Thị Thảo cho biết.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, học tập; triển khai có hiệu quả việc tổ chức thực hiện giáo dục STEM theo định hướng Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018… là những nét nổi bật được TP. Cần Thơ xây dựng và tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học năm học mới.
“Tôi và các giáo viên đã được Ban lãnh đạo các cấp tập huấn trong hè về các công tác chuẩn bị, mọi thứ đã sẵn sàng để đón các em học sinh. Về dạy các chủ đề STEM thì qua 1 năm giáo viên đã được triển khai thì năm nay sẽ tiếp tục thực hiện các chủ đề đó đến các em học sinh, chủ yếu cho các em trải nghiệm và thực hiện tốt các hoạt động học tập”, cô Bùi Như Ý, giáo viên khối lớp 3, trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều bày tỏ.
Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ thông tin, trước khai giảng, thành phố sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát lại cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên tại các quận/huyện, đảm bảo môi trường học tập khang trang, sạch sẽ và chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ.
“Nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới, ngành giáo dục chúng tôi cũng tập trung thực hiện chủ đề “Đổi mới – Đoàn kết – Sáng tạo” và đổi mới chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP. Cần Thơ. Chúng tôi cũng tăng cường thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục – đào tạo trong năm học 2023-2024”, ông Trần Thanh Bình cho biết.
Năm học này toàn TP. Cần Thơ có 446 trường từ bậc học mầm non đến THPT, với khoảng 235 ngàn học sinh. Ngày khai giảng đã cận kề, các hoạt động chăm lo học sinh khó khăn cũng đang được các cấp hội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đồng hành chia sẻ, để các gia đình vơi bớt gánh nặng chi phí lo cho các em đầu năm học mới, góp phần động viên học sinh học tốt hơn.