Nhiều người bị hiểu nhầm là chảnh khi mắc chứng mù mặt như Brad Pitt
Tuệ Minh không nhận ra họ hàng khi gặp ngoài đường, Đinh Anh sợ xem tập một của TV series, Yến Nhi không dám chào đồng nghiệp vì lo nhận nhầm. Họ đều khó nhớ gương mặt người khác.
Trong cuộc phỏng vấn với GQ gần đây, nam diễn viên Brad Pitt cho biết anh mắc chứng bệnh rối loạn thần kinh thực vật hiếm gặp, thường được gọi là mù mặt. Anh phải vật lộn suốt nhiều năm vì không thể nhận ra khuôn mặt của mọi người.
Năm 2013, tài tử Hollywood nói với Esquire rằng tình trạng này trở nên nghiêm trọng đến mức anh thường tự cô lập và chỉ muốn ở nhà một mình.
Theo Viện Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Quốc gia Mỹ, hội chứng mù mặt (prosopagnosia) không liên quan đến mất trí nhớ, suy giảm thị lực hoặc mất khả năng học tập.
TS Thomas Grüter, thuộc Viện Di truyền học Münster (Đức), cho biết nghiên cứu chỉ ra rằng cứ 50 người thì có một cá nhân mắc một số dạng của prosopagnosia, phổ biến nhất là chậm nhận thức khuôn mặt người khác.
Rối loạn sẽ ảnh hưởng đến bệnh nhân trong phần lớn cuộc đời, khiến họ dễ rơi vào trạng thái tiêu cực, trầm cảm vì bị tách biệt với xã hội, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) chỉ ra.
Bị hiểu nhầm
Khi đọc chia sẻ của Brad Pitt, Tuệ Minh (26 tuổi), diễn viên kiêm huấn luyện viên fitness ở TP.HCM, tìm thấy nhiều điểm tương đồng. Cô cho rằng mình mắc hội chứng mù mặt từ nhỏ.
“Mình không dễ ghi nhớ gương mặt người khác sau 1-2 lần gặp gỡ. Đôi khi, mình bị hiểu lầm là tự cao, chảnh vì lơ ai đó. Ngay cả đối với người thân và họ hàng, mình cũng gặp khó khăn để nhận ra họ”, cô nói với Zing.
Minh kể trong đám tiệc, giỗ hay tụ tập gia đình những dịp lễ, Tết, cô không nhớ gương mặt của nhiều người để có lời thăm hỏi đúng. Bởi vậy, Minh thường chào chung chung, khiến họ cảm thấy thiếu tôn trọng.
“Mình không thể giải thích rằng mình quên mặt họ nên thường lén hỏi mẹ để chào hỏi chính xác. Còn khi gặp bên ngoài, mình không nhận ra người thân, họ hàng nên bị nói là không lễ phép, gặp mà không chào hỏi”.
Trong công việc, Minh nhiều lần bị “quê” vì nhận nhầm người.
Khi cùng đi công tác hay tham gia dự án, cô luôn cố gắng ghi nhớ đặc điểm về quần áo, kiểu tóc hay trang phục của đồng sự. Tuy nhiên, lần sau gặp lại ở môi trường khác hoặc họ thay đổi đặc điểm đó, Minh không chắc sẽ nhận ra, trừ khi đôi bên nói chuyện hoặc nhắc lại kỷ niệm cũ.
“Trước đây, mình cứ nghĩ do trí nhớ kém nên khó nhớ mặt người khác. Ngay cả bây giờ, khi nghe về chứng mù mặt, mình vẫn chưa có nhiều thông tin, tài liệu hay biết điều trị ở đâu tại Việt Nam. Nếu có cơ hội, mình sẽ tìm cách khắc phục vì không thể gặp ai cũng hỏi họ tên là gì và làm gì, điều đó rất kỳ. Không phải mình cố tình chảnh mà cố gắng nhưng không nhớ được”, cô nói.
Đinh Anh (28 tuổi), làm marketing ở Hà Nội, cũng cảm thấy khó khăn để nhận diện gương mặt người khác.
“Đi ngoài đường vô tình gặp bạn bè có khi mình còn ngờ ngợ, với người chỉ quen biết xã giao, sơ qua thì chắc không nhận ra. Xem TV series mình ngại nhất tập một vì chưa nhớ được mặt nhân vật, nhất là khi họ để kiểu tóc giống nhau thì phải mất vài tập mới phân biệt được”, chàng trai kể.
Đinh Anh cảm thấy bất tiện khi đi ra ngoài không nhận ra bạn bè hoặc có người chào nhưng không biết là ai. Điều này khiến anh bị nói là “lạnh lùng”.
Từng biết về hội chứng mù mặt nhưng Đinh Anh chỉ nghĩ tương tự trypophobia (hội chứng sợ lỗ) hoặc do trí nhớ kém. Bởi vậy, anh gặp gỡ nhiều để ghi nhớ gương mặt người khác chứ chưa có cách gì hiệu quả để cải thiện.
Tương tự, Yến Nhi (27 tuổi), nhân viên văn phòng ở Hà Nội, đau đầu khi có những người cô gặp hàng chục lần vẫn không thể nhớ mặt. Thậm chí, đồng nghiệp không gặp một thời gian hoặc thay đổi kiểu tóc là cô không nhận ra.
“Khi gặp bè cùng lớp thời còn đi học hay giờ là đồng nghiệp tại nơi làm việc, mình dựa theo đặc điểm như kiểu tóc, dáng người hoặc vị trí họ ngồi để nhớ tên. Nhiều khi đi cùng thang máy, mình không dám chào người cùng công ty vì không nhớ rõ đó là ai”.
Chưa có cách điều trị
Theo The New York Times, người mắc hội chứng mù mặt được chia làm 2 kiểu: bẩm sinh và mắc phải. Trong đó, mù mặt bẩm sinh ít phổ biến hơn.
Nghiên cứu chỉ ra ước tính cứ 50 người thì có một cá nhân phải vật lộn với tình trạng bệnh lý suốt đời.
TS Andrey Stojic, Giám đốc khoa thần kinh tổng quát tại Cleveland Clinic (Mỹ), cho biết vì tổn thương não không tồn tại ở người mắc chứng mù mặt bẩm sinh, các nhà khoa học chưa thể xác định căn nguyên của bệnh.
Ngược lại, bệnh nhân mắc chứng mù mặt phát sinh trong cuộc sống thường có tổn thương vùng đầu hoặc chấn thương não. Ngoài ra, họ cũng có thể gặp phải tình trạng này sau khi bị đột quỵ hoặc mắc bệnh Alzheimer.
TS Borna Bonakdarpour, chuyên gia thần kinh học hành vi tại Northwestern Medicine (Mỹ), cho biết mù mặt khác nhau về mức độ nghiêm trọng.
Một số gặp hội chứng này khó nhận ra những gương mặt thân quen như thành viên trong gia đình. Số khác thậm chí không thể xác định được khuôn mặt của bản thân. Ngoài ra, có bệnh nhân không phân biệt được đâu là khuôn mặt, đâu là đồ vật.
Cũng có bằng chứng cho thấy người mắc chứng mù mặt dễ trở nên lo lắng hoặc trầm cảm kinh niên vì cảm giác cô lập, sợ hãi đi kèm. Các tương tác xã hội cơ bản sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều với họ. Một số tránh tiếp xúc với người thân vì sợ mắc lỗi cư xử.
TS Bonakdarpour cho biết thêm hiện không có phương pháp điều trị cho hội chứng mù mặt nhưng có nhiều cách để kiểm soát tình trạng này. Những người mắc prosopagnosia thường tập trung vào các đặc điểm như màu tóc, cách đi đứng hoặc giọng nói để phân biệt mọi người.
Các bác sĩ chuyên khoa thần kinh thường chẩn đoán hội chứng mù mặt thông qua loạt bài kiểm tra để đánh giá khả năng ghi nhớ và nhận dạng khuôn mặt của một người. Đây có thể là quá trình kéo dài vì họ thường cố gắng xác định đó không phải triệu chứng của tình trạng thoái hóa thần kinh rộng hơn.
TS Stojic cho biết nhiều người mắc chứng mù mặt như Brad Pitt sẽ không hết gặp rắc rối dù được chẩn đoán chính thức.
“Những thách thức, vấn đề mà anh ấy gặp phải không điển hình. Rất khó để hiểu được”, ông nói.