Nhiều người có 'H' giấu bệnh để tìm việc

Việc làm không chỉ giúp người có 'H' (người nhiễm HIV) giải tỏa áp lực về kinh tế mà điều quan trọng hơn là khiến họ quên đi nỗi lo bệnh tật, tự tin hòa nhập. Thế nhưng, sự kỳ thị đã gây nhiều khó khăn trên con đường tìm việc làm đối với người có 'H'.

 Người bệnh đến khám định kỳ lấy thuốc điều trị HIV tại Trung tâm Y tế Thuận An, tỉnh Bình Dương Ảnh: TTXVN

Người bệnh đến khám định kỳ lấy thuốc điều trị HIV tại Trung tâm Y tế Thuận An, tỉnh Bình Dương Ảnh: TTXVN

Mong được đối xử công bằng

Chị Lê Thị Thái Uyên (Công ty TNHH xã hội Bầu Trời Xanh và phòng khám Nhà mình, chuyên khoa HIV/AIDS dành cho cộng đồng) cho biết, cơ hội có được việc làm với người nhiễm HIV rất khó, nhất là với phụ nữ. Chính vì thế, nhiều người che giấu bệnh để tránh kỳ thị, có được công việc làm ổn định như bao người khác cũng như tránh làm ảnh hưởng đến gia đình, con cái. "Tôi mong và hy vọng tất cả mọi người đều tôn trọng quyền bình đẳng và tự do, không quan trọng màu da, dân tộc, giới tính hay là những căn bệnh mãn tính. Hãy xem HIV như là những căn bệnh mãn tính thông thường thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn với những người có "H", chị Lê Thị Thái Uyên nói.

Là một giáo viên sống chung với HIV 21 năm nay, chị Trần Thị Thanh Vân (huyện Trung Thành, tỉnh An Giang) vừa dạy học vừa thành lập một nhóm đào tạo nghề giúp những người bị bệnh HIV làm móc khóa, tranh thêu, may màn và tìm mối tiêu thụ sản phẩm để họ có công việc và thu nhập. Qua tiếp xúc và giúp đỡ cộng đồng, chị Vân cho rằng, người nhiễm HIV bị ảnh hưởng rất lớn trong công việc, khó tìm việc làm và khó được tin cậy. Nhiều người còn tự cho rằng mình là gánh nặng cho xã hội, cho gia đình cho nên còn sợ hãi, rụt rè khi tiếp cận với công việc, thậm chí là ngay cả với công việc mình đang có.

"Ngay như bản thân tôi là một giáo viên, khi bị nhiễm HIV, tôi đã phải chịu nhiều áp lực. Muốn vượt qua được mặc cảm, ổn định công việc hoặc có một việc làm để mưu sinh, chúng tôi phải chứng tỏ bản thân mình không phải là một gánh nặng. Rất may, công việc giáo viên của tôi không ảnh hưởng nhiều nhưng nếu là người buôn bán chắc khó có người dám đến mua hàng. Tôi mong muốn người bệnh HIV được đối xử công bằng hơn và có cơ hội làm việc và cống hiến cho xã hội một cách bình đẳng", chị Thanh Vân chia sẻ.

Hỗ trợ tạo nghề tìm việc cho người nhiễm HIV là một vấn đề rất quan trọng

Hỗ trợ tạo nghề tìm việc cho người nhiễm HIV là một vấn đề rất quan trọng

Cũng như chị Thanh Vân và chị Thái Uyên, chị Đinh Hoàng Châu Bảo (Chủ cơ sở sản xuất gia vị Bảo Lâm Phúc, tỉnh Bến Tre) cũng cho rằng, một phần do xã hội còn kỳ thị người có "H", một phần do họ tự kỳ thị bản thân mình dẫn đến khó có cơ hội có việc làm. Cùng với đó, sức khỏe, giờ giấc uống thuốc cũng là một rào cản đối với họ. Chị Châu Bảo hy vọng xã hội sẽ tạo điều kiện để những người sống chung với HIV được nếm trọn hương vị của bốn chữ "Đối xử công bằng" và mong tất cả mọi người "Đừng bao giờ đặt dấu chấm hết cho người còn đang sống!" bằng sự kỳ thị và tước đi quyền được lao động để nuôi sống bản thân, gia đình và làm những điều có ích cho xã hội.

Việc làm cho người có "H" - giải pháp phòng chống HIV/AIDS hữu hiệu

Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y Tế) cho biết, tỉ lệ nữ giới nhiễm HIV chiếm khoảng 20% trong tổng số người nhiễm HIV. Ước tính ở trong cộng đồng có khoảng 230.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 46.000 người là nữ giới. Hiện nay, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho người sống chung với HIV, trong đó, các hoạt động của người nhiễm HIV cùng chương trình phòng chống HIV/AIDS tập trung chủ yếu là đảm bảo chăm sóc sức khỏe, điều trị, đồng thời có các hoạt động khác, chủ yếu tập trung dựa vào các chính sách.

"Người phụ nữ nhiễm HIV thuộc gia đình hộ nghèo thì sẽ có những chính sách xã hội theo Nghị định của Chính phủ quy định. Người nhiễm HIV có hoàn cảnh điều kiện khó khăn được điều trị theo BHYT, một số khu vực có nhà tài trợ hỗ trợ điều trị miễn phí thuốc. Đối với người phụ nữ mắc HIV khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường thì các mặt hoạt động xã hội chỉ hỗ trợ cho những người khó khăn theo bối cảnh chung của xã hội", đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết.

Chị Lê Thị Thái Uyên (phải), Công ty TNHH xã hội Bầu Trời Xanh và phòng khám Nhà mình, chuyên khoa HIV/AIDS dành cho cộng đồng, hỗ trợ người có "H" điều trị Methadone

Chị Lê Thị Thái Uyên (phải), Công ty TNHH xã hội Bầu Trời Xanh và phòng khám Nhà mình, chuyên khoa HIV/AIDS dành cho cộng đồng, hỗ trợ người có "H" điều trị Methadone

Hỗ trợ tạo nghề tìm việc cho người nhiễm HIV là một vấn đề rất quan trọng. Cần có chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận người nhiễm HIV vào làm việc. Ngoài ra, cũng nên tạo điều kiện cho người nhiễm HIV vay vốn, tạo việc làm để có thu nhập ổn định. Hiện nay, một số tỉnh đã thành lập quỹ phòng, chống HIV/AIDS nên hoàn toàn có thể trích một phần để cho người nhiễm HIV vay nếu họ trình được phương án kinh doanh hoặc việc làm khả thi, có khả năng hoàn lại vốn. Hội Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Hà Nội đã có sáng kiến thành lập Quỹ vay vòng vốn cho các nhóm tự lực là chi hội thành viên của Hội được vay, không tính lãi. Số vốn được vay tuy ít ỏi nhưng đã hỗ trợ cho người nhiễm HIV có thể phụ vào để chăn nuôi, làm nghề phụ, giúp họ ổn định được cuộc sống gia đình.

Giúp người nhiễm HIV một việc làm phù hợp, có thu nhập bền vững là hoạt động nhân đạo và cần thiết. Đây cũng chính là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch HIV/AIDS ra cộng đồng.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhieu-nguoi-co-h-giau-benh-de-tim-viec-20211201115357297.htm