Nhiều người lo lắng vì điện thoại 'cục gạch' sắp trở nên vô dụng
Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thôn) thông báo từ ngày 1/3/2024, các nhà mạng sẽ triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn không cho hòa mạng mới với các điện thoại 2G không có chứng nhận hợp quy. Điều này khiến những người đang sử dụng điện thoại 'cục gạch' lo lắng.
"Dùng điện thoại cảm ứng, tôi thấy khó quá"
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ ngày 1/3/2024, các điện thoại công nghệ 2G không thuộc danh sách điện thoại được chứng nhận hợp quy do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố sẽ không được phép kết nối vào mạng di động. Theo lộ trình, đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên cả nước, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó.
Việc này khiến nhiều người dân đang sử dụng điện thoại "cục gạch" là những mẫu điện thoại cũ chỉ có chức năng nghe gọi cơ bản, không có tính năng kết nối internet lo lắng, vì không biết điện thoại của mình có hợp quy hay không.
Bà Đỗ Thị Thúy (70 tuổi, quê Hưng Yên) cho biết, bà chỉ sử dụng điện thoại "cục gạch" chứ không dùng điện thoại thông minh. Theo bà Thúy, loại điện thoại 2G này dùng rất tiện vì nhỏ gọn, pin dùng cả tuần mới phải cắm sạc.
"Năm ngoái, con trai tôi mua điện thoại mới nên cho mẹ chiếc iPhone nhưng tôi thấy phức tạp quá, muốn gọi điện cho ai cũng phải nhờ người khác bấm hộ… Dùng được vài ngày, tôi cất vào tủ và quay lại dùng chiếc "cục gạch", bà Thúy chia sẻ.
Cũng theo bà Thúy, khi biết thông tin từ ngày 1/3/2024 sẽ cắt sóng 2G đối với những điện thoại không hợp quy, bà rất băn khoăn vì không biết điện thoại của mình có tiếp tục sử dụng được nữa không? "Nếu không sử dụng được nữa thì phải mua cái khác, miễn là có "nút nghe gọi" chứ dùng cái cảm ứng tôi thấy khó quá", bà Thúy nói.
"Bỏ ra mấy triệu mua điện thoại thông minh là cả vấn đề"
Ông Nguyễn Văn Quân (58 tuổi, quê Hải Dương, làm thợ xây tại Hà Nội) cho biết, làm xây dựng nên tay chân lúc nào cũng lấm lem, bao năm nay chỉ quen dùng loại "cục gạch" vì dòng điện thoại này bền, nếu nhỡ làm rơi xuống nước thì mua cái mới, chỉ vài trăm nghìn đồng.
"Nếu dòng điện thoại 2G sắp tới không sử dụng được nữa thì rất khó khăn với tôi. Chúng tôi đi làm công nhân, thu nhập thấp, trong khi còn phải lo toan bao nhiêu việc, nhà tôi hiện tại vẫn đang nợ rất nhiều. Giờ bỏ ra mấy triệu đồng để mua cái điện thoại thông minh là cả một vấn đề", ông Quân bày tỏ.
Mặc dù Cục Viễn thông đã công bố danh sách hơn 4.000 mẫu điện thoại 2G hợp quy chuẩn, song những người "có tuổi", ít sử dụng internet như bà Thúy, ông Quân chưa nắm bắt được.
Anh Phạm Công Hoan (46 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, anh có bố mẹ già ở quê Hưng Yên, năm nay cả 2 ông bà đều đã ngoài 80 tuổi, hiện ông bà mỗi người dùng 1 chiếc "cục gạch". Mỗi khi con cháu gọi điện về, có chuông thì chỉ cần bấm nút nghe rất thuận tiện.
"Mấy năm trước, tôi mua cho mẹ chiếc điện thoại thông minh để thi thoảng gọi video về còn nhìn thấy nhau nhưng bà không dùng vì cho rằng khó sử dụng. Sắp tới cắt sóng 2G, chắc tôi phải tìm mua cho bố mẹ loại điện thoại vẫn là "cục gạch" nhưng hợp quy để vẫn có thể nghe gọi được", anh Hoan cho hay.
Theo Cục Viễn thông, hiện có khoảng 15 triệu thuê bao đang dùng 2G, tỷ lệ lớn khách hàng đang dùng 2G là người già, người đang sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Hoạt động này nhằm định hướng dừng công nghệ di động 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ, thực hiện chương trình "mỗi người dân một máy điện thoại thông minh".
Trên thực tế, vẫn còn một số bộ phận người dân dùng các mẫu điện thoại sử dụng sóng 2G, dẫn đến việc một số người dùng gặp khó khăn khi chuyển đổi sang mạng 3G, 4G... Đặc biệt ở những người dùng độ tuổi cao niên, những người tiêu dùng chưa có kiến thức về điện thoại thông minh, việc sử dụng điện thoại thông minh ức khá phức tạp và khó khăn. Bên cạnh đó, vấn đề chi phí chuyển đổi sang thiết bị 3G, 4G... cũng là một trong những khó khăn mà người dùng 2G gặp phải.
Tuy nhiên, để không người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, các cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đều đã chuẩn bị các phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu cho người dùng. Các doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm truyền thông rộng rãi việc triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn kết nối vào mạng viễn thông di động này tới khách hàng của mình; đồng thời công bố các thông tin đầu mối giải quyết khiếu nại của khách hàng.