Nhiều người Mỹ dành cả đời vẫn không trả hết nợ sinh viên

Vay nợ để đi học, tốt nghiệp và dành cả phần đời còn lại để trả nợ, nhiều người Mỹ rơi vào vòng luẩn quẩn, chỉ biết trông chờ vào lời hứa hẹn xóa nợ xa vời.

Ở tuổi 61, Robin O'Brien (Mỹ) vẫn mắc nợ 64.000 USD. Bà vay khoản nợ này để học thạc sĩ.

Nợ nần chưa trả hết, bà lại trải qua thời gian dài mắc Covid-19, chỉ có thể làm việc bán thời gian với một nửa mức thu nhập. Trong tình cảnh đó, O'Brien buộc phải lựa chọn giữa chi trả cho bảo hiểm sức khỏe hoặc trả nợ học phí.

 Nhiều người Mỹ mắc kẹt với nợ sinh viên. Ảnh: Getty Images.

Nhiều người Mỹ mắc kẹt với nợ sinh viên. Ảnh: Getty Images.

Trả cả đời không hết nợ

Robin O'Brien làm việc tại một cơ sở chăm sóc suốt 25 năm. Bà đặt mục tiêu trở thành quản lý và cần bằng thạc sĩ để thăng tiến, tăng thu nhập.

Bà quyết định vay gói hỗ trợ liên bang để tham gia các khóa học trực tuyến tại 2 đại học công. Năm 2017, O'Brien tốt nghiệp. Lúc đó, bà không ngờ đại dịch sẽ ập đến, khiến bà và nhiều người rơi vào bế tắc tài chính.

Hiện tại, người phụ nữ 61 tuổi vẫn đang đối mặt với những triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài, không đủ sức khỏe để làm việc toàn thời gian. Bà mất khả năng chỉ trả hóa đơn điều trị, khoản nợ học phí.

“Ngay lúc này, tôi đang nhận cùng lúc 5 hóa đơn điều trị sức khỏe và phải trả 20 USD cho mỗi hóa đơn. Tháng sau, tôi lại tiếp tục nhận 5 hóa đơn như vậy. Tôi thực sự không thể chi trả 100 USD/tháng”, bà O’Brien chia sẻ.

Trong khi đó, bảo hiểm sức khỏe của O’Brien tiêu tốn 525 USD mỗi tháng. Thu nhập của bà lại chỉ ở mức 2.000 USD. Với số tiền này, bà vừa phải lo chi phí điều trị, bảo hiểm cùng các nhu cầu cơ bản khác. Điều này buộc bà phải lựa chọn giữa tiếp nhận điều trị y tế hay giải quyết khoản vay sinh viên.

Thực tế, việc trả nợ được tạm hoãn khi dịch bùng phát. Robin O’Brien chưa chi trả lần nào trong suốt thời gian này. Tuy nhiên, O’Brien cho biết bà đã bế tắc với khoản nợ này từ trước khi việc tạm dừng chi trả diễn ra và bà không nghĩ mình có thể chi trả cho khoản nợ này khi nó hết hạn vào 31/8 tới.

Tương tự O’Brien, Cheryl (53 tuổi, yêu cầu chỉ nêu tên) đang bế tắc với khoản vay sinh viên. Là giáo viên tại Massachusetts, Cheryl phải vay gói hỗ trợ sinh viên để lấy bằng cử nhân Văn học Anh và bằng thạc sĩ Giáo dục.

Bà không gặp trở ngại trong việc hoàn trả gói vay, nhưng vấn đề nằm ở số lãi cộng dồn trong khi bà đang học và khi khoản vay được tạm dừng thanh toán. Với mức thu nhập hiện tại, bà gần như không thể chi trả cho số dư nợ gốc, con số đã tăng lên hơn 303.000 USD do lãi cộng dồn.

Cũng rơi vào cảnh tương tự, ở tuổi 59, David Wise nợ đến 236.485 USD. Trong suốt 40 năm qua, ông đã thanh toán 175.000 USD. Sau khi tốt nghiệp trường Luật với mục tiêu trở thành luật sư công, ông nợ 79.000 USD. Trong khi đó, ban đầu, ông chỉ vay 7.500 USD khi vào đại học năm 1981.

“Tôi thực sự rất có trách nhiệm trả nợ. Tôi đã trả số tiền đáng kể nhưng nó thực sự như nhà tù không lối thoát vậy”, Wise nói.

Linda Navarro, 70 tuổi, vẫn mắc kẹt với khoản vay sinh viên. Năm 1990, bà vay 20.000 USD để học cao học. Sau đó, số nợ tăng lên 145.000 USD. Đến nay, bà cần trả hơn 212.000 USD.

“Khi gói vay sinh viên kiểm soát cuộc đời, tôi đã không còn trông mong vào bất cứ điều gì. Tôi giống như con chuột trong bánh xe, không bao giờ thoát ra được. Mọi người biết rõ điều đó nhưng chẳng thể làm gì", Navarro chia sẻ trên Insider.

Trước khi theo học cao học, Navarro đã từng phục vụ trong Hải quân Mỹ nhưng không đủ điều kiện để được xóa nợ theo Dự luật GI vì bà đã bỏ lỡ thời hạn 10 năm để sử dụng các quyền lợi theo dự luật. Vì mất thu nhập trong thời gian đi học, cuối cùng, bà mất luôn nhà và thậm chí không thể hoàn thành chương trình sau đại học của mình.

Navarro cho biết ban đầu, bà cố gắng trả hết các khoản vay của mình với số tiền hàng tháng mà bà có thể trả được. Nhưng khi các hóa đơn ngày càng tăng, bà từ bỏ. Sau đó, tiền lương của bà bị cắt giảm. Hiện tại, bà tham gia chương trình trả nợ dựa trên thu nhập.

 Chương trình xóa nợ của Tổng thống Biden không mấy tiến triển. Ảnh: AP.

Chương trình xóa nợ của Tổng thống Biden không mấy tiến triển. Ảnh: AP.

Không thể trông cậy vào chương trình xóa nợ

O’Brien, Cheryl, Wise và Navarro nằm trong số hàng triệu người Mỹ mắc kẹt với khoản vay sinh viên và không có khả năng chi trả hết cho đến cuối đời. Họ thực sự trông chờ vào chương trình xóa nợ của Tổng thống Joe Biden.

Dựa trên nội dung của báo cáo gần nhất, Tổng thống Joe Biden cân nhắc sẽ xóa nợ 10.000 USD cho người vay liên bang có thu nhập dưới 150.000 USD/năm.

Theo tờ Wall Street Journal, phải đến tháng 7 hoặc tháng 8 năm nay, chính sách này mới có thể được ban hành. Nhà Trắng cũng chưa xác nhận bất cứ kế hoạch cụ thể nào và chưa rõ liệu những sinh viên đã tốt nghiệp, phụ huynh vay giúp con mình có nằm trong danh sách hỗ trợ hay không.

Kế hoạch trả nợ dựa trên thu nhập nhằm hỗ trợ mức chi trả hàng tháng phù hợp cho những người vay gói hỗ trợ sinh viên dựa trên mức thu nhập thực tế của họ với lời hứa sẽ xóa khoản vay sau ít nhất 20 năm kể từ khi thực hiện kế hoạch.

Ý tưởng loại trừ những người có thu nhập cao hơn và sinh viên đã tốt nghiệp khỏi diện hỗ trợ có thể là nỗ lực nhằm tránh lời chỉ trích từ các nhà lập pháp và chuyên gia đảng Cộng hòa. Những người này nhận định việc xóa nợ cho sinh viên trên diện rộng mang lại lợi ích cho người giàu có.

“Nếu mục đích của tổng thống là để những người thu nhập thấp tạo đặc quyền cho sinh viên đã tốt nghiệp và tầng lớp thượng lưu, ông ấy có thể đạt được điều đó khi tiếp tục chính sách tai hại này,” Virginia Foxx, một đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban giáo dục Hạ viện, khẳng định.

Tuy nhiên, tốt nghiệp không đồng nghĩa với có thu nhập cao. Báo cáo năm 2021 từ Viện Roosevelt chỉ ra 61% sinh viên bắt đầu học đại học vào năm 2012 tốt nghiệp với khoản vay trên vai, có mức thu nhập 30.000 USD hoặc thấp hơn. Trong khi đó, chỉ 30% sinh viên có mức thu nhập từ 200.000 USD trở lên.

Trong khi các bên còn tranh biện gay gắt về việc ai sẽ được hưởng lợi nếu gói cứu trợ áp dụng trên diện rộng, mới đây, Tổng thống Joe Biden thực thi cải cách về chương trình xóa nợ sinh viên cho những người làm việc trong khối dịch vụ công như quân đội, lính cứu hỏa.

Tuy nhiên, cải cách này chỉ là tạm thời và hàng triệu người vay vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ mà họ xứng đáng nhận được.

Trung tâm Bảo vệ Người vay vốn Sinh viên (SBPC) đã ước tính số lượng người đi vay đủ điều kiện được cứu trợ thông qua chương trình Miễn trừ Khoản vay Dịch vụ công (PSLF). Chương trình này sẽ xóa nợ sinh viên cho các công chức sau 10 năm trả nợ.

Việc miễn trừ có thời hạn đến 31/10 cho phép người vay tính các khoản thanh toán từ bất kỳ chương trình cho vay liên bang hoặc kế hoạch trả nợ nào để xóa khoản vay thông qua PSLF, bao gồm các chương trình và kế hoạch trước đây không đủ điều kiện. Dự kiến, chương trình sẽ hỗ trợ khoảng 550.000 người.

Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu gần đây từ Bộ Giáo dục, SBPC phát hiện trong hơn 9 triệu công chức vay nợ sinh viên và đủ điều kiện được xóa nợ, chỉ 2% - tương đương 130.730 người - thực sự được cứu trợ kể từ tháng 11/2020.

Theo SBPC, một phần nguyên nhân đến từ việc chỉ có chưa đến 15% trong số 9 triệu người đi vay nộp giấy tờ.

Vào tháng 4, Tổng thống Biden tiếp tục gia hạn việc thanh toán khoản vay sinh viên liên bang và lãi suất cộng dồn cho đến hết tháng 8. Đây là nỗ lực nhằm thực hiện cam kết về việc xóa nợ sinh viên mà ông Biden tuyên bố trong bài phát biểu tranh cử của mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ông Biden vẫn đang loay hoay với lời hứa của chính mình.

Quỳnh Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-nguoi-my-danh-ca-doi-van-khong-tra-het-no-sinh-vien-post1327511.html