Nhiều người Mỹ vẫn đang vật lộn với lạm phát
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết 'sự gia tăng đáng kể' về chi phí sinh hoạt là một 'vấn đề đối với nhiều người dân' khi lạm phát dai dẳng. Bà Yellen đồng thời thừa nhận giá nhà ở và hàng hóa hàng ngày vẫn ở mức cao, bất chấp mức lương tăng mạnh trong những tháng gần đây.
“Mặc dù tiền lương đã tăng lên đáng kể, ít nhất là về mặt trung bình, nhiều hơn mức tăng giá, nhưng một số hàng hóa vẫn ghi nhận mức tăng đáng kể”, quan chức nhấn mạnh thêm.
Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng hơn 19% kể từ khi ông Biden nhậm chức, trong đó chi phí của những nhu yếu phẩm thiết yếu như thực phẩm và xăng dầu đều tăng mạnh.
Lạm phát của Mỹ đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ vào năm 2022 khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Dù đã giảm mạnh vào năm ngoái nhưng tỷ lệ lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed.
Hầu hết các nhà kinh tế coi việc tăng giá chủ yếu là một hiện tượng toàn cầu, do tình trạng thiếu hụt một số hàng hóa liên quan đến đại dịch, cùng với các yếu tố địa chính trị như giá dầu tăng.
Tuy nhiên, lạm phát ở Mỹ đã được chứng minh là khó khăn hơn so với những nơi khác, với một số nhà kinh tế cho rằng thị trường lao động mạnh mẽ của đất nước là nguyên nhân và những người khác đổ lỗi cho các biện pháp kích thích tài chính mạnh mẽ từ cả chính quyền Biden và Trump.
Mặc dù lạm phát Mỹ đã hạ nhiệt trở lại trong tháng 4 nhưng mặt bằng giá vẫn còn cao. Điều này đã và đang dẫn đến sự thay đổi thói quen mua sắm tại nền kinh tế lớn nhất thế giới - nơi mà tiêu dùng vốn đóng góp 80% tăng trưởng.
Tuần trước, dữ liệu Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy, dù giá trứng đã giảm mạnh 9% và sữa giảm hơn 1%, nhưng giá bơ lại tăng 3,5% và bánh mì vẫn tăng cao.
Tờ Thời báo phố Wall đã thu thập hàng trăm phản hồi của độc giả về cách ứng phó với giá cả tăng cao. Nhiều người cho biết, họ đã “thắt lưng buộc bụng” bằng cách không ăn ngoài, trong khi những người khác sử dụng phiếu giảm giá khi đi chợ hàng tuần. Mua số lượng lớn để được giá thấp và mua thực phẩm không dễ bị hỏng cũng là một trong các biện pháp.
Thói quen mua sắm này đã khiến doanh thu của nhiều chuỗi bán lẻ Mỹ giảm trong quý I. Họ buộc phải giảm bớt tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi mặt hàng để giữ giá thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Theo các chuyên gia, lạm phát và chi phí của các mặt hàng cơ bản như thực phẩm và khí đốt có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay.
Điệp Nguyễn (Theo FT)
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-nguoi-my-van-dang-vat-lon-voi-lam-phat-post296786.html