Nhiều người Pakistan mất tất cả

Người dân tỉnh Sindh, Pakistan, từng cầu mưa xuống để cứu cây trồng. Giờ đây, nước lũ đã cuốn trôi tất cả.

Sau nhiều nỗ lực, Zameer Ali và người thân cuối cùng đã leo lên một chiếc thuyền gỗ.

Dù mệt mỏi, người đàn ông 48 tuổi này cùng con trai và anh trai vẫn cố gắng lội nước ra khỏi nhà ở thành phố Khairpur Nathan Shah, tỉnh Sindh, để tìm kiếm gia súc.

Khi nước xung quanh sâu hơn, họ buộc phải bơi trong 6 giờ với một thanh tre để chống đỡ. Họ nhanh chóng kiệt sức.

“Chúng tôi bám trụ vào cột điện và chờ ai đó đến giúp”, Ali nói trên thuyền. “Chúng tôi hét lên cầu xin giúp đỡ. Không có ai dừng lại, tôi cảm thấy chúng tôi sẽ chết”.

Quận Dadu, nơi gia đình Ali đang ở, giờ không khác gì một hồ nước. Ngôi nhà của anh cũng như hàng trăm nghìn ngôi nhà trong vùng đã bị nhấn chìm trong dòng nước trải dài hết tầm mắt.

Mưa lũ xối xả từ giữa tháng 6 đã tàn phá Pakistan, cuốn trôi cầu, đường, vật nuôi và cả con người. Thảm họa thiên nhiên đã nhấn chìm 1/3 diện tích Pakistan trong biển nước, khiến hơn 1.250 người thiệt mạng và hơn 35 triệu người bị ảnh hưởng, theo Guardian.

“Không có viện trợ cho người nghèo”

Khoảng 5-10% số dân 350.000 người của thành phố Khairpur Nathan Shah vẫn đang mắc kẹt trong những ngôi nhà bị ngập lụt. Một số người di chuyển bằng thuyền, số khác phải đằm mình trong biển nước đục trộn giữa nước thải và nước lũ.

Lời kể của cư dân địa phương đã vẽ nên bức tranh thảm họa với quy mô mà chính phủ và các tổ chức phi chính phủ không thể đối phó.

 Khalid Hussain, đến từ Khairpur Nathan Shah, tỉnh Sindh, cho biết anh không tìm được sự giúp đỡ nào cho cha mình. Ảnh: Guardian.

Khalid Hussain, đến từ Khairpur Nathan Shah, tỉnh Sindh, cho biết anh không tìm được sự giúp đỡ nào cho cha mình. Ảnh: Guardian.

Dadu và các huyện lân cận Qambar Shahdadkot là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở tỉnh Sindh - khu vực ngập lụt nhiều nhất ở Pakistan.

Nước lũ làm ngập các con đường kéo dài hàng km, khiến nhiều thị trấn bị cô lập. Những người mất nhà cửa phải sống trong các túp lều và căn nhà tạm bợ bên đường.

Theo Reuters, vào ngày 4/9, Pakistan đã phá vỡ hồ nước ngọt Manchar lớn nhất đất nước để nước lũ tràn vào hồ và chảy ra biển. Song cư dân địa phương đều phàn nàn rằng động thái này lẽ ra phải được tiến hành sớm hơn từ vài ngày trước.

Ông Jam Khan Shoro, quan chức tỉnh Sindh, cho biết mực nước ở hồ Manchar vốn đã đạt đến mức nguy hiểm và đe dọa các khu vực xung quanh ở phía nam tỉnh này.

Khi chiếc thuyền cứu gia đình Ali đến gần khu chợ chính ở Khairpur Nathan Shah, Khalid Hussain - một thanh niên cầm thanh tre trên tay và chiếc túi vải trên đầu - tiến lại gần. Anh nói rằng không có phương tiện sơ tán cho người nghèo, và họ cũng không nhận được viện trợ.

“Hôm qua, tôi và người cha ốm yếu đã đứng ở góc thành phố suốt 3 giờ, nhưng đội cứu hộ không giúp cha tôi hay cung cấp bất cứ thứ gì cho ông ấy”, anh nói.

“Chúng tôi phải thuê một chiếc thuyền để đưa cha đến bệnh viện gần đó điều trị. Toàn bộ thành phố chìm trong nước với những người ở bên trong ngôi nhà của họ. Không có lực lượng chính phủ nào đến giúp chúng tôi”, Hussain kể lại.

Một người đàn ông địa phương khác, tên Khadim Hussain, cũng chia sẻ giới chức trách “coi chúng tôi như côn trùng”.

“Chúng tôi đang mắc kẹt và bị mất tất cả đồ đạc. Chúng tôi cần thức ăn, thuốc men và sự giúp đỡ”, anh nói.

“Chết vì đói”

Faisal Edhi, người đứng đầu tổ chức từ thiện Edhi, cho biết mặc dù tổ chức của ông cùng chính phủ và các tổ chức phi chính phủ khác đã nỗ lực rất nhiều, họ vẫn chỉ tiếp cận được 10% số người bị ảnh hưởng hoặc ít hơn.

“Những người sống sót sau trận lụt có thể chết vì đói”, ông nói.

 Ghulam e Kubra cùng con trai trên bờ kè Superio. Cô nói rằng trẻ em đang đổ bệnh nhưng họ bất lực. Ảnh: Guardian.

Ghulam e Kubra cùng con trai trên bờ kè Superio. Cô nói rằng trẻ em đang đổ bệnh nhưng họ bất lực. Ảnh: Guardian.

Nhiều thị trấn đã không còn lối vào và đường cao tốc Indus cũng bị ngập. Saifullah Chandio, sinh viên y khoa, cho biết cô đã cố gắng thành lập một trạm sơ cứu để giúp đỡ những người mắc bệnh lây truyền qua đường nước, nhưng không thể tiếp cận được hỗ trợ tài chính và thuốc men.

“Chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng khác ngay khi mọi người đổ bệnh”, Chandio nói.

Trong khi đó, con thuyền chở gia đình Ali đã đến bờ kè Superio, cách thành phố Khairpur Nathan Shah khoảng một giờ. Hơn 2.000 người từ ngôi làng ngập lụt Nurang Chandio đã đến trú ẩn tại đây.

Allah Baksh Chandio chia sẻ dân làng đã tháo chạy trong bóng tối mịt mù vào đêm 28/8, mang theo bất cứ thứ gì mà họ có thể xoay sở trên vai. Một số kịp mang theo thức ăn, nhưng hầu hết đều không.

“Tôi cảm thấy tim mình như muốn nổ tung. Tất cả những gì tôi có thể nghe là tiếng khóc vì bất lực. Bọn trẻ không biết chuyện gì đang xảy ra và cũng đang khóc”, Baksh Chandio nói.

Manzoor Ali, cũng đến từ làng Nurang Chandio, cho biết dân làng đã tự dựng lều và nhà tạm.

“Chúng tôi sắp hết thức ăn. Chúng tôi chỉ ăn mỗi ngày một lần. Con gái tôi vừa tròn 2 tuổi lại bị sốt cao tái phát, nhưng không có cơ sở y tế nào ở đây”, anh ngậm ngùi.

Ở gần đó, Ghulam e Kubra ôm chặt con trai vào lòng nói: “Không có gì cho chúng tôi cả. Trẻ em đổ bệnh và chúng tôi bất lực. Chúng tôi không có nước uống sạch, thức ăn và thuốc. Chúng tôi không biết phải làm gì với cuộc sống của mình".

Khi người lái thuyền nói rằng đã đến lúc phải rời đi, Ali Baksh - một nông dân - đến và chỉ tay về phía dòng nước lũ, nơi những cây lúa và lúa mì từng được gieo trồng nhưng đã bị vùi lấp và cuốn trôi.

“Vài tháng trước không có mưa và cây trồng thiếu nước nghiêm trọng. Chúng tôi đã cầu nguyện mưa trút xuống. Nhưng khi trời mưa, chúng tôi trở thành người vô gia cư và mùa màng bị phá hủy. Chúng tôi không còn gì cả”, ông nói.

Lũ lớn khiến hàng chục triệu người Pakistan mất nhà cửa Khoảng 1.000 người chết và hơn 33 triệu người mất nhà cửa khi mưa lớn khiến nhiều khu vực ở Pakistan ngập lụt từ tháng 6.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-nguoi-pakistan-mat-tat-ca-post1353190.html