Nhiều người trẻ chủ động chung chi để được việc

Một cuộc khảo sát cho thấy tỉ lệ thanh niên sẵn sàng hối lộ hoặc tham nhũng vặt để được việc đã tăng đáng kể trong nhiều lĩnh vực tính từ năm 2011 đến nay.

Anh Nguyễn Hồ Phong, giảng viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho biết nhiều lần anh dạy các lớp học tại chức, các lớp đều góp tiền quỹ với số tiền khá lớn để “chăm lo” cho thầy. Ngoài sự chăm sóc hằng ngày, họ thường “tặng quà” cho thầy sau khi kết thúc môn học với mong muốn thầy sẽ nương tay hết mức có thể. Việc này là dường như phổ biến bởi nhiều giảng viên khác cũng có kinh nghiệm tương tự. Nhưng anh Phong đã từ chối nhận phong bì bằng cách mở quà ngay tại lớp.

Anh Nguyễn Hồ Phong cho rằng rất nhiều người trẻ luôn nghĩ rằng không có phong bì chắc chắn sẽ không được việc. Thực tế thì không hẳn như vậy. Vấn đề là mỗi bạn trẻ có ý thức thúc đẩy sự liêm chính trong bản thân mình và cải thiện môi trường xung quanh hay không. Ý kiến của anh Phong được nêu ra tại hội thảo “Công bố báo cáo khảo sát liêm chính trong thanh niên Việt Nam 2019” do Công ty Tư vấn phi lợi nhuận Hướng tới minh bạch (Towards Transparency, gọi tắt là TT) thực hiện, diễn ra vào sáng 12-9 tại TP.HCM.

Coi đưa phong bì là... văn hóa (!?)

Vợ của anh Hồ Phong cũng đã tự thi công chức vào một cơ quan nhà nước ở quận 2. Rất nhiều người hỏi anh: “Vô đó hết bao nhiêu tiền?”. Khi anh trả lời: “Vợ chồng tôi không mất một xu nào chạy việc”, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên hoặc nghi ngờ. Trong suy nghĩ của rất nhiều người, những chuyện lặt vặt như làm giấy tờ còn phải có “phong bì”, chuyện lớn hơn như xin việc tất nhiên phải có phong bì mới được việc.

Tường Vân, cựu sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia, cho biết trong thời gian thực tập tại một số cơ quan nhà nước, nhiều người dân tới làm việc luôn có chuẩn bị sẵn phong bì. Cán bộ không nhận thì họ không yên tâm đi về. Họ lo lắng sẽ bị làm khó hoặc đơn giản là họ không muốn chờ đợi lâu.

Một phóng viên đang làm việc tại TP.HCM cho biết trước đây chị học tại Hà Nội. Trong một lần phải đến trường làm một số giấy tờ ở thời điểm cận tết, cha chị đã chuẩn bị sẵn phong bì để được việc. Chị phản đối cách đưa hối lộ, tuy nhiên cha chị đã nói: “Đây là cái nếp rồi!” nên chị đã nhượng bộ. Đến trường, chị đưa phong bì cho cô giáo thì bị trả lại. Chị nói: “Cô giáo đã dạy cho em một bài học về liêm chính. Nhưng em cũng biết không phải ai cũng như vậy”.

Luật sư Đinh Hồng Hạnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ, nhiều thân chủ khi tìm đến luật sư đã hỏi ngay: Luật sư có quan hệ rộng không, vụ này có chạy được không? Ngay cả khi họ có lợi thế, họ đúng về mặt pháp lý, họ vẫn có tâm thế “chạy cho được việc”. Khi không thể thuyết phục thân chủ của mình bỏ tư tưởng chạy chọt, luật sư Hạnh đành phải từ chối nhận làm việc.

Nhóm cảnh sát đã có hành vi nhũng nhiễu người vi phạm bên hông chợ Bà Chiểu, TP.HCM. Ảnh: NT

Nhóm cảnh sát đã có hành vi nhũng nhiễu người vi phạm bên hông chợ Bà Chiểu, TP.HCM. Ảnh: NT

Chọn liêm chính cũng rất khó

Tham gia hội thảo có một trung úy công an. Anh cho biết lúc còn học trong trường đại học, anh đã từ chối tham gia đóng tiền để “được qua môn”. Có lẽ vì thế mà hai lần anh đều bị đánh rớt môn. Anh tìm giảng viên để hỏi lý do, câu trả lời anh nhận được chỉ đơn giản là “chưa đạt”. Đến khi được tuyển dụng vào ngành công an, anh vẫn phải luôn cố gắng để giữ sự liêm chính mà mình đã chọn ngay từ đầu. Rất nhiều người dân khi gặp anh đều cố gắng đưa phong bì. Thậm chí có người đã xin đưa 500 triệu đồng cho anh chỉ để được thay đổi vài chi tiết trong hồ sơ.

Anh nói: “Tôi cũng có những lúc sợ hãi hoặc cảm thấy khó khăn. Bên cạnh đó, khi giữ sự liêm chính, bản thân và người thân bị đe dọa. Tôi đã vượt qua nhưng không phải là mọi thứ đều dễ dàng”.

TS Bùi Trân Phượng cho biết khi còn làm hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, bà cùng một số giảng viên thành lập một CLB nhằm thúc đẩy những hoạt động liêm chính, chống tham nhũng, hối lộ. Có phòng chuyên môn cử một cán bộ độc thân tham gia CLB. Sau đó bà mới biết sự thật rằng những người đã có con cái không muốn tham gia vì họ vẫn phải “hối lộ” thầy cô của con, vẫn phải “chạy” vài chuyện lặt vặt ở nơi sinh sống. Họ cho rằng việc này diễn ra ở nhiều người. TS Phượng nói: “Tôi cho rằng thúc đẩy liêm chính là cả một quá trình, từ những điều nho nhỏ trước, không ai thay đổi ngay lập tức được. Lúc đó tôi có nói với thầy cô chúng ta thay đổi từ trong nhà trường của chúng ta trước. Những nơi khác thì từ từ tính sau”.

Một số kết quả của cuộc khảo sát

+ Cuộc khảo sát trên hơn 1.600 người trên 11 tỉnh/thành.

+ 37% thanh niên không coi tham nhũng vặt là vấn đề.

+ 49% thanh niên sẵn sàng chung chi để được vào học ở một trường tốt hoặc vào làm ở một công ty tốt. Tức là gần một nửa thanh niên sẵn sàng chạy trường, chạy việc. Tỉ lệ này ở năm 2011 là 37%.

+ 57% thanh niên tiếp xúc với cảnh sát từng có trải nghiệm tham nhũng.

Dạy con liêm chính từ nhỏ

Gia đình tôi, nhất là cha tôi luôn giáo dục tinh thần liêm chính cho các con ngay khi chúng tôi còn rất nhỏ. Có lẽ vì vậy mà tôi luôn chọn việc tuân thủ luật pháp và không thỏa hiệp với tham nhũng. Bạn muốn không gặp khó khăn với CSGT, bạn hãy cố gắng tuân thủ luật. Nếu phạm luật, bạn hãy đi đóng phạt dù nó mất thời gian và mệt mỏi, đó là cách bạn chịu trách nhiệm về chính việc mình làm.

Ông PHẠM TRƯỜNG SƠN, Phó Giám đốc Trung tâm LIN

HỒNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/nhieu-nguoi-tre-chu-dong-chung-chi-de-duoc-viec-857846.html