Nhiều người trẻ chủ quan với bệnh đái tháo đường

Nhiều người ở tuổi trung niên, thậm chí thanh niên không thừa nhận, không chấp nhận mình đã bệnh nên không có ý thức phòng chống sớm.

Ngày 14/11 là Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường. Trên thế giới, trung bình cứ mỗi 6 giây có 1 người tử vong và cứ 30 giây lại có 1 người bị cắt cụt chi vì bệnh này. Còn tại Việt Nam, ước tính có khoảng 4 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, tương đương với hơn 6% dân số trưởng thành. Đáng báo động, đối tượng bị bệnh đái tháo đường đang có xu hướng trẻ hóa và là gánh nặng cho rất nhiều người cao tuổi hiện nay.

Hậu quả của đái tháo đường. (ảnh minh họa).

Hậu quả của đái tháo đường. (ảnh minh họa).

Mới ngoài 30 tuổi nhưng anh Lương Văn Cảnh ở Kiến Xương, Thái Bình đã mắc bệnh đái đường. Sau một thời gian điều trị bằng những biện pháp không chính thống, anh Cảnh đã tử vong. Theo các chuyên gia y tế, do lối sống thay đổi, dịch chuyển từ đồ ăn tươi sang đồ ăn nhanh (nhiều đường, tinh bột, đồ ngọt, đồ chiên dầu, nước ngọt có ga) và ít vận động thể lực nên hiện nay, bệnh đái tháo đường có xu hướng trẻ hóa.

Một số người bị bệnh đái tháo đường cho biết thấy bản thân còn trẻ nên không nghĩ mình mắc bệnh đái tháo đường và chỉ khi có triệu chứng mới đi khám. Nhiều người ở tuổi trung niên, thậm chí thanh niên không thừa nhận, không chấp nhận mình đã bệnh nên không có ý thức phòng chống sớm.

Thống kê tại nhiều bệnh viện cho thấy, đa số người bệnh đái tháo đường đi khám khi đã ở thể nặng, dễ bị biến chứng suy thận, mù lòa, tổn thương thần kinh, hoại tử phải cắt cụt chân. Bệnh này càng trở thành gánh nặng đối với người cao tuổi khi cùng một lúc mắc nhiều bệnh nền.

Bác sĩ Vũ Thị Thanh Huyền, Trưởng khoa Nội tiết - Cơ xương khớp, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: “Người cao tuổi cùng lúc có nhiều bệnh nền, trung bình 3-4 bệnh, có người mắc cùng lúc 13 loại bệnh, nên phải uống nhiều loại thuốc trong ngày. Bệnh nhân mắc đái tháo đường một ngày uống ít nhất 2 loại thuốc, tăng huyết áp ít nhất 2 loại thuốc, các bệnh khác nữa… Thực tế có bệnh nhân phải uống tới 12 loại thuốc/1 ngày… Ngoài ra, các loại có tương tác với nhau, gây khó khăn trong điều trị. ”

Trước thực trạng tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người cao tuổi ngày càng gia tăng, gấp rưỡi tỷ lệ chung, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương khuyến cáo người dân dự phòng bằng cách ăn uống khoa học, hợp lý, tăng cường vận động thể lực và đi khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm.

“Phải quan tâm đúng mực đến sức khỏe, phát hiện bệnh sớm ngay từ những ngày đầu. Trong quá trình điều trị phải lắng nghe cơ thể, kịp thời thông báo cho nhân viên y tế những thay đổi. Luôn nhớ có thể chung sống, lâu dài, an toàn và có chất lượng với nó”- Bác sỹ Huyền nói./.

Nhân ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường năm nay với chủ đề “Điều dưỡng và bệnh đái tháo đường”, Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức góc tư vấn về bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, duy trì 1 tuần 2 buổi tư vấn, góp phần hỗ trợ cộng đồng những kiến thức để dự phòng bệnh này hoặc sống chung với 2 căn bệnh được ví là “kẻ giết người thầm lặng” này./.

Văn Hải/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-nguoi-tre-chu-quan-voi-benh-dai-thao-duong-817441.vov