Nhiều người trẻ đam mê khởi nghiệp với thời trang nhưng đang nhầm lẫn khái niệm marketing
Từng làm cho nhiều thương hiệu thời trang quốc tế, Thạc sĩ Trần Thế Đan Thanh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học và phát triển thương hiệu (Brand Math), nhận thấy, nhiều người trẻ đam mê khởi nghiệp với thời trang nhưng đang nhầm lẫn khái niệm marketing.
Thạc sĩ Trần Thế Đan Thanh
"Đa số các bạn trẻ bị hiểu nhầm giữa trưng bày sản phẩm, hay làm việc với người có tầm ảnh hưởng, tiếp thị số chính là marketing thời trang. Nó đúng nhưng chưa đủ và chỉ có thể áp dụng trong một số mô hình kinh doanh thời trang.
Đặc biệt, nhiều người đang mù mờ về quản trị văn hóa thương hiệu, muốn tạo sự khác biệt cho các chiến dịch nhưng sau đó chiến dịch không đọng lại giá trị gì", Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học và phát triển thương hiệu nhận định.
Thạc sĩ Đan Thanh từng hoạt động hơn 13 năm trong ngành marketing truyền thông thời trang bán lẻ. Chị luôn ấp ủ cơ hội được hướng dẫn cho các bạn trẻ hiểu đúng hơn về marketing và làm thương hiệu.
Chia sẻ về khái niệm "thời trang số", thạc sĩ Đan Thanh cho biết, thời trang số không còn xa lạ với ngành công nghiệp thời trang thế giới hiện nay. Tại Việt Nam, một số nhà thiết kế đã ứng dụng công nghệ này nhưng mới ở bước sơ khai.
Khi mức độ tương tác kỹ thuật số của người tiêu dùng tăng mạnh trong đại dịch, khi nhu cầu và xu hướng tiêu dùng trong thời đại số khiến tất cả các ngành nghề đều chuyển dần sang công nghệ số, thì thời trang cũng không nằm ngoài xu thế này.
Bắt nguồn từ niềm đam mê với việc làm đẹp, mặc đẹp, luôn tò mò với câu chuyện thương hiệu và cách làm chiến lược của các thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới, Đan Thanh từng luôn trăn trở về cách mà họ làm, đồng thời muốn truyền lại những giá trị và kiến thức, kinh nghiệm mà mình đã học và làm được cho người đi sau.
"Chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều hoặc nhận định về việc đúng-sai. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì chuyện làm marketing hay thương hiệu không có chuyện đúng hay sai, chỉ là hay hoặc dở, phù hợp hay không phù hợp ở thời điểm đó không mà thôi", nữ thạc sĩ khẳng định.
Chia sẻ về "thương hiệu" đối với các nhà quản lý, chị Đan Thanh cho biết, điều quan trọng của một giám đốc điều hành là phải hiểu thương hiệu mang lại những giá trị gì cho công ty. Nếu họ không hiểu rõ quan hệ giữa thương hiệu và kết quả kinh doanh, hoạt động tài chính thì giá trị thương hiệu sẽ ngày càng mờ nhạt và có thể dẫn đến công ty bị phá sản.
Thạc sĩ Đan Thanh cho biết, hiện nay, Viện nghiên cứu khoa học và phát triển thương hiệu đang đồng hành cùng các thương hiệu Việt Nam khai thác tối ưu công nghệ sáng tạo để duy trì tính đổi mới của sản phẩm, dù trên nền tảng số hay tại cửa hàng.
"Chúng tôi muốn giúp doanh nghiệp có một nền tảng thương hiệu mạnh và bền vững qua mô hình Toán Thương hiệu Quốc tế. Ngoài ra, Viện còn có những khóa đào tạo chuyên sâu về thương hiệu cho những bạn trẻ muốn hiểu rõ và làm việc về branding.
Trong tương lai, Viện mở thêm trung tâm thời trang số, nhằm hỗ trợ ứng dụng công nghệ và trải nghiệm khách hàng cho các doanh nghiệp thời trang Việt Nam", Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học và phát triển thương hiệu chia sẻ.