Nhiều người vẫn sập bẫy lừa đảo kiếm tiền trên mạng

Chỉ với vài thao tác đơn giản, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng đã 'bốc hơi' khi người dân sập bẫy các chiêu trò lừa đảo núp bóng 'nhận hoa hồng online'.

Chị P. (trú tại phường Hà Đông, Hà Nội) cho biết, vừa qua chị tham gia làm nhiệm vụ nhận hoa hồng trên mạng. Ban đầu những nhiệm vụ nhỏ, chị P. nhận được tiền hoa hồng. Sau đó bị các đối tượng dẫn dắt làm nhiệm vụ với số tiền nạp cao hơn. Nhưng khi chị P. thực hiện thao tác rút tiền thì hệ thống báo lỗi. Đối tượng báo là chị làm sai thao tác, phải nạp tiền thêm mới rút được tiền ra. Khi bị chiếm đoạt với số tiền lên đến 2,4 tỷ đồng, chị P. mới phát hiện ra mình bị lừa nên làm đơn trình báo Công an.

Tình huống của chị L. (trú tại Thường Tín, Hà Nội) cũng theo mô típ quen thuộc: một lời mời chào làm “phân phối vé phòng VIP”, hứa hẹn lợi nhuận cao. Sau khi thực hiện hàng loạt giao dịch nạp tiền trên một website có giao diện chuyên nghiệp, chị không thể rút được tiền. Đối tượng viện lý do “sai thao tác”, yêu cầu chị tiếp tục nạp thêm tiền mới rút tiền ra được. Kết quả, chị L. bị lừa hơn 700 triệu đồng…

Thời gian qua, rất nhiều người dân ở Hà Nội đã trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo kiểu “việc nhẹ lương cao” qua mạng. Điều đáng nói là dù lực lượng chức năng TP Hà Nội đã nhiều lần cảnh báo, các bài viết, phóng sự về loại hình lừa đảo này cũng không thiếu, nhưng vẫn có thêm nạn nhân mới sập bẫy.

Các chuyên gia pháp lý nhận định, đây là hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng đã xuất hiện từ lâu, nhưng gần đây đang gia tăng trở lại với thủ đoạn tinh vi và bài bản hơn. Các đối tượng thường sử dụng website giả mạo có giao diện bắt mắt, hệ thống phản hồi tự động, thậm chí giả danh cả nhân viên chăm sóc khách hàng để tăng độ tin cậy. Bên cạnh đó, các đối tượng này dùng tài khoản ngân hàng đứng tên người khác, thuê sim rác, ẩn danh hoàn toàn trên mạng khiến việc truy vết gặp nhiều khó khăn.

Điểm chung của các nạn nhân là đều rơi vào bẫy bởi lòng tham kiếm tiền nhanh, thiếu kỹ năng kiểm chứng thông tin trên mạng và chủ quan trước các cảnh báo từ cơ quan chức năng. Một số người vì xấu hổ, sợ bị chê cười hoặc cho rằng “đã mất thì thôi” nên không trình báo kịp thời, tạo điều kiện cho các đường dây lừa đảo tiếp tục hoành hành.

“Khi đã chuyển tiền vào các hệ thống lừa đảo, khả năng lấy lại là rất ít. Các đối tượng thường sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ, danh tính giả, hoạt động xuyên biên giới... khiến quá trình điều tra, truy vết gặp nhiều trở ngại. Ngay cả khi nạn nhân kịp thời trình báo, cơ quan Công an cũng rất khó thu hồi tài sản đã bị tẩu tán nhanh chóng qua nhiều tầng tài khoản trung gian. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân không chỉ mất tiền mà còn trở thành con mồi tiềm năng cho các chiêu trò khác nếu không kịp thời khóa tài khoản, đổi thông tin cá nhân…” - luật sư Lê Ngọc Hoàng (Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm) cho biết.

Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp, thông qua nhiều nguồn khác nhau, để kiểm chứng tính chính xác.

Người dân cần cảnh giác với những yêu cầu đầu tư hoặc tham gia các giao dịch tài chính không rõ nguồn gốc. Các trường hợp quảng cáo được hưởng hoa hồng, lãi suất cao rất có thể là chiêu trò của các đối tượng lừa đảo. Đặc biệt, nếu nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và hỗ trợ kịp thời.

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhieu-nguoi-van-sap-bay-lua-dao-kiem-tien-tren-mang-10310897.html