Nhiều người xúc động khi tìm lại được tro cốt thất lạc ở chùa Kỳ Quang 2
Tìm được tro cốt của người thân bị thất lạc tại chùa Kỳ Quang 2, nhiều người không giấu nổi xúc động và cho biết vẫn quyết định tiếp tục gửi tro cốt tại chùa.
Sáng 9/9, chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM) mở hầm đựng tro cốt cho thân nhân người đã khuất xuống nhận diện. Trong hôm nay có tổng cộng 100 gia đình được thực hiện việc nhận diện, chia thành 10 nhóm, mỗi nhóm 45 phút.
Thượng tọa Thích Quang Thạnh (người tạm thời điều hành các hoạt động của chùa Kỳ Quang 2 thay Hòa thượng Thích Thiện Chiếu) có mặt từ sớm, trực tiếp hướng dẫn người dân về thủ tục đăng ký xuống hầm tro cốt nhận diện thân nhân.
Để thuận tiện cho thân nhân đến nhận diện, nhà chùa đặt các bàn hướng dẫn sẵn được đánh số thứ tự. Nhiều người không khỏi hồi hộp khi chờ đợi được đến lượt xuống hầm tìm lại tro cốt của ông bà, cha mẹ, anh chị em bị thất lạc.
Anh Hồ Tấn Đạt (ngụ Quận 10), một trong những người đầu tiên tìm được tro cốt của người thân không giấu nổi xúc động. Anh nghẹn ngào cho biết, thời điểm bị thất lạc tro cốt, không chỉ anh mà tất cả bà con dòng họ đều lo lắng và suy nghĩ khả năng tìm lại đúng tro cốt là rất ít.
Tuy nhiên, sau thời gian đầu hoang mang và bức xúc, anh quyết định cùng mọi người tìm lại những đặc điểm, dấu hiệu nhận dạng của hũ tro cốt người thân.
"Lúc mới hay tin tro cốt của người thân bị chất xó gia đình tôi rất bức xúc. Thế nhưng bây giờ tìm được, tôi thấy nhẹ lòng hơn. Gia đình tôi quyết định vẫn tiếp tục gửi tro cốt lại chùa Kỳ Quang 2 để ông nội hưởng nhang khói cửa Phật", anh Đạt nghẹn ngào.
Sau anh Đạt là bà Võ Thị Bích Ngân (ngụ Quận 1), bà Ngân vui mừng bước ra hầm để tro cốt khi đã tìm được hũ cốt của chồng mình.
Theo bà Ngân, chồng bà đã mất 25 năm, gửi tro cốt tại chùa cũng nhiều năm nên khi có thông tin di ảnh rơi khỏi hài cốt, bà thực sự lo sợ vì không biết tìm bằng cách nào.
"May mắn là di ảnh chồng tôi còn nguyên và được đặt ở vị trí tương đối dễ tìm nên xuống là thấy ngay. Nguyện vọng của tôi là xin mang hài cốt chồng tôi lên Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vì ba mẹ tôi trên đó", bà Ngân xúc động.
Tương tự, chị Phạm Thị Huỳnh Hoa (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết, chị đã tìm mẹ bằng "tâm tưởng" khi cố gắng cầu nguyện mẹ hãy phù hộ cho mình.
"Thay vì tức giận như lúc đầu, tôi sẽ tiếp tục để mẹ ở lại chùa Kỳ Quang 2 theo di nguyện của bà trước khi mất", chị Hoa nói trong hạnh phúc.
Ngoài 100 gia đình được xuống hầm tro cốt nhận diện trong hôm nay, nhiều người khác dù chưa đến phiên của mình vẫn tập trung tại chùa để nghe ngóng tình hình.
Cô Vũ Thị Kim Trị (ngụ quận Gò Vấp) cho biết, cô đang rất hồi hộp vì chưa đăng ký tìm em trai được trong ngày hôm nay do số lượng quá đông. Song cô vẫn đến chùa từ sớm.
"Em trai họ hàng tôi gửi ở chùa 10 năm nay rồi. Giờ di ảnh một nơi, cốt một nơi. Hũ đựng tro cốt của em tôi có một chỗ bị sứt và bị ám nhang. Nhưng tôi nghĩ việc ám nhang thì các hũ khác cũng bị vậy nên không biết khả năng tìm kiếm được cao không, chỉ biết hi vọng thôi", cô Trị lo lắng.
Tính đến trưa 9/9, đã có khoảng 20 người tìm được tro cốt của người thân. Niềm vui, nụ cười đã đến với họ sau những chuỗi ngày từ tức giận, bức xúc đến đau buồn mất ăn mất ngủ.
Theo Thượng tọa Thích Quang Thạnh, danh sách nhận diện được chia thành 3 đợt. Đợt 1 dành cho các gia đình đã đăng ký và điền thông tin từ ngày 5 - 9/9. Đợt 2 cho các gia đình đăng ký sau ngày 9/9. Và đợt 3 dành cho các gia đình đăng ký có nguyện vọng riêng về số người cùng tham gia nhận diện, thời gian nhận diện.