Nhiều nguy cơ bệnh tật từ thừa cân, béo phì
Tình trạng thừa cân, béo phì đang ngày càng báo động, bởi tuổi của người mắc bệnh này ngày càng trẻ hóa và béo phì mức độ nặng có chiều hướng gia tăng. Thừa cân, béo phì còn kéo theo những nguy cơ bệnh tật, như tim mạch, tiểu đường, xương khớp, đột quỵ...
Thừa cân, béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thừa cân - béo phì gặp cả ở nam, nữ và các lứa tuổi. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2016, trên thế giới tỷ lệ thừa cân, béo phì là 39% từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ này ở trẻ em và thanh thiếu niên (5 -18 tuổi) là 18%. Tại Việt Nam số người thừa cân - béo phì đang ngày càng gia tăng ở cả trẻ em và người lớn với tỷ lệ 25%. Đặc biệt, ở các khu vực thành thị, tỷ lệ này lên tới 40%, ở khu vực nông thôn là 18%.
Anh Lê Văn Chung, thị trấn Sơn Dương nói, trước đây, thời đi học, cân nặng của anh luôn ở mức thấp. Nhưng từ khi lập gia đình, anh tăng hơn 30kg. Ngoài ra, tính chất công việc thường xuyên phải ăn uống nhiều khiến trọng lượng của anh tăng vọt. Gần đây, anh có biểu hiện hay mệt mỏi, chóng mặt, thở gấp nên anh đi khám. Kết quả, các chỉ số mỡ máu ở mức báo động, xơ vữa động mạch và có dấu hiệu gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, đáng lo ngại nhất là bệnh tiểu đường khi lượng đường trong máu vượt ngưỡng cho phép. Anh được cán bộ y tế khuyên giảm cân và có chế độ dinh dưỡng hợp lý để bệnh tình được cải thiện.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Bạch, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, người bị thừa cân - béo phì có nguy cơ đột quỵ tăng gấp 6 lần và nguy cơ mắc bệnh động mạch vành tăng gấp 4 lần so với người có trọng lượng bình thường. Ngoài ra, còn có nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp, ung thư túi mật, vú, tử cung, đái tháo đường tuýp 2, bệnh Gout, giảm khả năng sinh sản... Nguyên nhân cơ bản của thừa cân - béo phì do chế độ ăn, uống thiếu khoa học, ăn những thực phẩm giàu năng lượng, nhiều chất béo... làm tăng năng lượng dư thừa trong cơ thể, dẫn đến tăng cân nặng. Bên cạnh đó, một số thói quen khác như bỏ bữa sáng, ăn quá nhiều cơm, tinh bột vào buổi tối, ăn nhiều bánh kẹo, thức ăn nhanh, uống nhiều nước ngọt có gas, hoặc ăn quá mặn... Ngoài ra còn do lối sống ít hoạt động, thể dục thể thao cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thừa cân - béo phì...
Hiện nay, tỷ lệ béo phì ở trẻ em ngày một gia tăng. Tuy nhiên, các phụ huynh chỉ lo lắng khi con bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân mà chưa quan tâm tới vấn đề thừa cân - béo phì và những nguy cơ bệnh tật đối với sức khỏe của trẻ. Việc có con còi cọc thường là áp lực với người mẹ, nhưng nếu con bị thừa 4 - 5kg so với chuẩn thì người mẹ lại thường được khen chăm con khéo. Trẻ em bị béo phì cũng có nguy cơ của các bệnh giống như người lớn, nhưng có nguy cơ nặng hơn vì thời gian bệnh kéo dài, làm giảm chất lượng cuộc sống và giảm tuổi thọ nếu không được điều trị kịp thời.
Em Nguyễn Hồng Phượng, lớp 10A3, Trường THPT Nguyễn Văn Huyên (TP Tuyên Quang) chia sẻ, hiện em đang thừa 7kg so với thang cân nặng tiêu chuẩn. Em cảm thấy rất tự ti, mặc cảm mỗi khi bị các bạn mang ra trêu, đùa, gây mất tự tin và ngại xuất hiện trước đám đông. Sau khi được cán bộ dinh dưỡng tư vấn, em cần giảm cân để đảm bảo sức khỏe, thể chất. Em được hướng dẫn uống đủ nước, ăn cân đối, đa dạng thực phẩm; tăng cường ăn cá, hải sản, rau xanh và hoa quả ít ngọt; hạn chế các món rán, xào, thức ăn nhanh. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động thể lực 30 - 60 phút mỗi ngày. Nhờ vậy, cân nặng của em đã giảm dần mà cơ thể vẫn khỏe mạnh, phục vụ tốt việc học tập.
Để kiểm soát cân nặng, giảm tỷ lệ thừa cân - béo phì, mỗi người cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối; hạn chế tinh bột, các thực phẩm có nhiều đường, thức ăn nhanh, đồ uống có cồn; tăng cường thực phẩm chứa nhiều chất xơ như rau, củ, trái cây; uống đủ lượng nước, tạo thói quen ăn uống một cách khoa học. Bên cạnh đó, nên tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi, cũng như tình trạng sức khỏe, bệnh lý của từng người; thực hành các phương pháp giảm cân khoa học để bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.