Nhiều nhà máy thủy điện miền trung thiếu nước trầm trọng

Do lượng nước về hồ chứa bị thiếu hụt trầm trọng, không ít nhà máy thủy điện ở miền trung đang phải hoạt động cầm chừng nhiều ngày qua, ảnh hưởng đến việc phát điện cũng như công tác chống hạn mùa khô sắp tới.

Lượng nước ở hồ thủy điện A Vương (Quảng Nam) chỉ đạt 30% dung tích, thiếu gần 170 triệu mét khối nước.

Lượng nước ở hồ thủy điện A Vương (Quảng Nam) chỉ đạt 30% dung tích, thiếu gần 170 triệu mét khối nước.

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, mùa mưa đã kết thúc, nhưng nhiều hồ chứa nước thủy điện ở tỉnh Nghệ An đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Nguyên nhân do năm nay không có mưa lớn, lượng mưa ít hơn nhiều so với mọi năm. Đơn cử, lưu vực sông Cả bị khô hạn nhiều tháng nay, lượng nước đổ về hồ chứa Nhà máy thủy điện Bản Vẽ thấp hơn nhiều so với trung bình 10 năm qua. Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ, Tạ Hữu Hùng cho biết: Tổng lượng nước về hồ thủy điện Bản Vẽ mùa lũ năm 2019 chỉ đạt 67% so với bình quân nhiều năm. Sản lượng điện thiếu hụt do hạn chế phát điện so với năm 2018 là 262 triệu kW giờ. Hiện hồ thủy điện Bản Vẽ mới tích được một tỷ mét khối nước so với thiết kế là 1,3 tỷ mét khối và cao trình của hồ mới chỉ đạt 193/200 m,… Trước tình hình này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản yêu cầu Nhà máy thủy điện Bản Vẽ điều chỉnh giảm lưu lượng xả của hồ chứa so với quy định của Quy trình xả nước phát điện liên hồ chứa trên sông Cả để dành nước chống hạn mùa khô năm 2020. Theo đó, trong tháng 12-2019, thủy điện Bản Vẽ chỉ xả nước bình quân từ 10 đến 20 m3/giây và từ 30 đến 50 m3/giây trong tháng 1-2020. Các hồ của Nhà máy thủy điện Khe Bố, Chi Khê vận hành xả nước bảo đảm tổng lưu lượng xả tương đương với lượng nước đến hồ. Thủy điện Hủa Na, nhà máy thủy điện lớn thứ hai của tỉnh Nghệ An với công suất 180 MW cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Lượng nước về hồ chỉ đạt khoảng 60% so với bình quân hằng năm cho nên trong năm 2019, nhà máy chỉ phát được 84% sản lượng điện so với kế hoạch. Hiện lượng nước trong hồ cũng thiếu hụt nghiêm trọng so với thiết kế. Nhà máy cũng buộc có kế hoạch phát điện cầm chừng vào giờ cao điểm để dành nước chống hạn mùa khô 2020. Theo dự báo, từ nay đến tháng 6-2020, lượng dòng chảy ở các sông, suối trên lưu vực sông Cả có thể thiếu hụt khoảng từ 40 đến 70% so với trung bình nhiều năm, nên Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Nghệ An yêu cầu các nhà máy thủy điện trên địa bàn phải phát điện cầm chừng để tiết kiệm nước nhằm bảo đảm cân đối đủ nguồn nước cấp cho hạ du sông Cả trong suốt thời gian còn lại của mùa cạn 2020 (khoảng bảy tháng).

Tương tự, tại tỉnh Quảng Nam, tình hình thiếu hụt nguồn nước cũng khá trầm trọng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, Trương Xuân Tý cho biết, vào giữa tháng 11-2019, mực nước tại các hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 4 xuống mức quá thấp, không bảo đảm mực nước tối thiểu theo quy định, cho nên tỉnh Quảng Nam đề nghị chủ đầu tư hai nhà máy thủy điện nêu trên dừng vận hành xả nước phát điện đến hết ngày 31-12-2019 để tích nước, góp phần chống hạn và xâm nhập mặn cho vùng hạ du trong mùa khô năm 2020. Thực hiện chủ trương của tỉnh Quảng Nam, hai nhà máy thủy điện đã tạm dừng phát điện trong một thời gian dài để cải thiện mực nước. Tuy nhiên, do lượng mưa ở miền núi năm nay giảm, nên lượng nước tích được vẫn không đạt đến mực nước dâng bình thường. Giám đốc Công ty thủy điện Sông Bung, Lê Đình Bản (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Sông Bung 4) cho biết, mặc dù hai tổ máy đã dừng hoạt động gần một tháng, chỉ phát những giờ cao điểm để bảo đảm an ninh năng lượng, nhưng do mỗi ngày lượng nước chảy về hồ khoảng 25 đến 30 m3/giây, thấp hơn nhiều so cùng kỳ các năm trước, nên hiện mực nước mới đạt khoảng 75% dung tích hữu ích và đang thiếu hụt khoảng 54 triệu m3 so với thiết kế. Do thiếu nước, sản lượng điện trong năm 2019 của nhà máy bị sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt khoảng 48,9% kế hoạch giao. “Cũng như thủy điện Sông Bung 4, Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 nằm trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (cũng do Công ty thủy điện Sông Bung làm chủ đầu tư) có dung tích hồ chứa 73,4 triệu mét khối, nhưng đến nay mới tích được 46,5% dung tích thiết kế”, ông Lê Đình Bản cho biết.

Tại Nhà máy thủy điện A Vương ở huyện Đông Giang (Quảng Nam) nằm trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, tình trạng thiếu nước còn nghiêm trọng hơn nhiều. Theo quan sát của chúng tôi, mực nước dâng ở đây mới chạm đến cao trình 353 m, còn ở dưới mực nước thiết kế hơn 20 m. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện A Vương Ngô Xuân Thế cho biết, lượng nước về hồ chỉ đạt khoảng 40% so các năm trước. Hiện nay, hồ chứa nước thủy điện A Vương chỉ tích nước đạt khoảng 30% so với dung tích và thiếu gần 170 triệu mét khối, nên việc vận hành gặp rất nhiều khó khăn. Vừa qua, nhà máy phải dừng phát điện theo đề nghị của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng để tích nước, bảo đảm phục vụ việc điều tiết nước cho hạ du trong mùa khô năm 2020. Do vậy, sản lượng điện sản xuất năm 2019 của nhà máy chỉ được 315 triệu kW giờ, đạt 62% sản lượng điện theo kế hoạch, thấp nhất trong 11 năm phát điện,… Các nhà máy thủy điện ở Thừa Thiên Huế cũng đang trong tình trạng “ngắc ngoải” do thiếu nước về hồ chứa trầm trọng. Có nhà máy phát điện chỉ đạt công suất 60 đến 70% so với những năm trước. Hiện các nhà máy tiếp tục tích nước để dành và chỉ xả nước theo yêu cầu của tỉnh để chống hạn… Chỉ duy nhất hồ Thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) đã tích đủ nước, đây là thuận lợi rất lớn trong vận hành. Theo lãnh đạo Công ty Thủy điện Sông Tranh, với nguồn nước hiện có và sắp tới, Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 cố gắng vận hành linh hoạt, góp phần cung ứng điện cho quốc gia cũng như điều tiết nước bảo đảm cho sản xuất và sinh hoạt ở vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn…

Theo dự báo, tình hình nắng hạn trong năm 2020 có thể kéo dài, lượng mưa ít, nên nhiều thủy điện ở khu vực miền trung sẽ đối diện với tình trạng thiếu nước để phát điện và điều tiết nước cho vùng hạ du. Do vậy, để giải quyết bài toán hài hòa giữa vận hành phát điện và điều tiết nước cho sản xuất, sinh hoạt ở vùng hạ du cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chủ đầu tư các nhà máy thủy điện, chính quyền và người dân trong khu vực về sử dụng nguồn nước sao cho hợp lý, tiết kiệm. Ngành nông nghiệp các tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các giống chịu hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, các bộ, ngành T.Ư cần phối hợp các địa phương rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch hệ thống thủy điện ở khu vực miền trung, tránh phát triển tràn lan, kém hiệu quả. Đồng thời, phát triển điện năng lượng sạch như: điện mặt trời, điện gió để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần ổn định cuộc sống người dân ở khu vực này.

Bài và ảnh: THÀNH CHÂU, TẤN NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43242202-nhieu-nha-may-thuy-dien-mien-trung-thieu-nuoc-tram-trong.html