Nhiều nhà vườn ở Huế xin rút khỏi danh sách hỗ trợ trùng tu
Nhà vườn xứ Huế (Thừa Thiên - Huế) với hệ thống phủ đệ, phủ thờ hàng trăm năm tuổi mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Cố đô. Sau 5 năm triển khai đề án 'Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng', nhiều nhà vườn được hỗ trợ kinh phí trùng tu, sửa chữa kịp thời. Tuy nhiên vì nhiều lý do, không ít nhà vườn lại xin rút khỏi đề án này.
Theo thống kê của UBND TP Huế, hiện địa bàn thành phố còn 75 nhà vườn cổ có kiến trúc độc đáo, trong đó có 25 nhà vườn được đưa vào danh mục quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị theo đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Quá trình thực hiện từ năm 2015 đến nay, có 18 nhà vườn đăng ký tham gia đề án và hiện có 11 nhà vườn đã được hỗ trợ kinh phí trùng tu.
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cấp hơn 9,3 tỷ đồng cho quỹ hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng. Sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ, các chủ nhà vườn đã tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Ban quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế, đơn vị thi công đảm bảo công tác trùng tu các nhà vườn hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, mỹ thuật.
Điển hình như nhà vườn của gia đình ông Hoàng Xuân Bậc (số 34 Phú Mộng, phường Kim Long, TP Huế) được hỗ trợ hơn 490,9 triệu đồng nên ông Bậc đã tiến hành thay thế các cấu kiện gỗ hư hỏng, phần mái ngói liệt, tu bổ, phục hồi hệ bờ nóc, bờ quyết mái, con giao giống để phục hồi nhà vườn.
Hay như nhà vườn hộ ông Đoàn Kim Khánh (số 145 Vạn Xuân, phường Kim Long, TP Huế) được hỗ trợ hơn 549 triệu đồng để tu sửa, trùng tu các hạng mục hư hỏng… Sau khi sửa chữa, 8 nhà vườn đã tổ chức kinh doanh du lịch phục vụ du khách, phát triển mô hình kết hợp bảo tồn nhà vườn và kinh doanh du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều nhà vườn tích cực tham gia đề án để được hỗ trợ kinh phí trùng tu thì ngược lại, có nhiều nhà vườn nổi tiếng lại xin rút khỏi danh sách đề án. Nhà vườn thuộc phủ Đức Quốc Công (số 2 Kim Long, TP Huế) là một trong số đó. Đây là phủ thờ vợ chồng Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng được lập dưới thời vua Tự Đức, có giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo với diện tích hơn 3.000m2, riêng diện tích sàn nhà chính khoảng 500m2.
Trải qua gần 200 năm tồn tại, hiện phủ thờ và các công trình ở nhà vườn cổ này đã bị hư hại, xuống cấp. Lúc chúng tôi đến, ông Phạm Đăng Thiêm (79 tuổi, người kế thừa và trông giữ phủ thờ Đức Quốc Công) đang quét dọn sân vườn.
Ông Thiêm cho biết, dù phủ thờ được nằm trong danh sách của đề án“Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” nhưng gia đình ông buộc phải xin rút khỏi đề án này. Theo ông Thiêm, phủ thờ là nhà vườn được xếp loại 1 và được tỉnh Thừa Thiên-Huế hỗ trợ kinh phí trùng tu 700 triệu đồng nhưng số tiền này không đủ thực hiện trùng tu bởi phủ thờ đang xuống cấp, hư hại rất nặng nề.
“Qua khảo sát, các chuyên gia dự tính phủ thờ muốn được trùng tu phải mất khoảng 3 tỷ đồng. Trong khi tôi lại tuổi cao, sức yếu, con cháu trong họ tộc ở nhiều nơi nên để huy động thêm được số tiền lớn như vậy rất khó khăn. Chỉ lo đến khi hạ giải công trình, nhận mức hỗ trợ của Nhà nước nhưng gia đình không đủ kinh phí đóng thêm để tu bổ phủ thờ thì công trình lại dở dang”, ông Thiêm bày tỏ.
Ngoài phủ thờ Đức Quốc Công, nhà vườn của gia đình ông Hoàng Trọng Sằng (số 101 Nguyệt Biều, phường Thủy Biều, TP Huế) đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt hỗ trợ trùng tu năm 2020 theo quyết định số 970/QĐ-UBND ngày 14/4/2020. Tuy nhiên, do gia đình chưa thống nhất ý kiến liên quan đến vấn đề nhận hỗ trợ trùng tu của đề án nên sau đó ông Sằng có đơn xin rút khỏi đề án và tự trùng tu nhà vườn bằng kinh phí của gia đình.
Hay trường hợp nhà vườn của ông Hoàng Trọng Dũng (số 1/12 Ngô Hà, phường Thủy Biều, TP Huế) và nhà vườn Vĩnh Tháp (số 310 Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ, TP Huế) cũng xin không tham gia đề án vì lý do như trên.
“Các nhà vườn đều có diện tích vườn rất lớn cần nhiều kinh phí để tạo lập vườn, trong khi đề án chỉ hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/nhà vườn để mua cây giống. Một số nhà vườn khác là các phủ đệ có diện tích nhà chính lớn, kiến trúc tinh xảo, được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp nghiêm trọng, cần kinh phí trùng tu lớn nhưng với mức hỗ trợ trùng tu theo quy định của đề án là không thể thực hiện được như phủ Đức Quốc Công, phủ Diên Khánh Vương”, một chuyên gia về nhà vườn Huế nhận định.
Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” đã góp phần giúp người dân khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế của di sản nhà vườn Huế đặc trưng, làm tiền đề để lan tỏa, phát huy ý thức tự nguyện của người dân trong công cuộc bảo vệ những giá trị văn hóa Huế gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình.
Các chủ nhà vườn sau khi được hỗ trợ trùng tu, sửa chữa đều tích cực đầu tư, tổ chức dịch vụ du lịch thu hút du khách, tăng thu nhập phục vụ đời sống và có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng nhà vườn. Tuy nhiên, do tình hình thực tế kinh tế - xã hội sau 5 năm có nhiều thay đổi, một số nhóm chính sách không còn phù hợp với thực tế hoặc không thể áp dụng, mức hỗ trợ quá thấp so với tổng kinh phí trùng tu nhà vườn.
Vì vậy, nếu tiếp tục triển khai thực hiện đề án trong giai đoạn tiếp theo cần nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh một số chính sách để phù hợp tình hình mới, đặc biệt là chính sách hỗ trợ trùng tu nhà chính; hỗ trợ kinh doanh dịch vụ du lịch; chính sách quản lý quy hoạch - kiến trúc và xây dựng, cải tạo, sửa chữa và chính sách quản lý đất đai.
“UBND TP Huế đã đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế trình HĐND tỉnh nâng mức hỗ trợ trùng tu nhà vườn loại 1 là 1 tỷ đồng, 800 triệu đồng đối với nhà vườn loại 2, 600 triệu đồng đối với nhà vườn loại 3 và nhà vườn được xếp hạng di tích từ cấp tỉnh trở lên là 2 tỷ đồng để phù hợp với tình hình vật giá hiện nay nhằm giúp các chủ nhà vườn có thêm kinh phí hỗ trợ trùng tu, phát huy giá trị di sản nhà vườn”, ông Song cho hay.